Tâm bão địa chính trị ở Đông Địa Trung Hải và “lằn ranh đỏ” của Thổ Nhĩ Kỳ

Hải Đăng/VOV-Praha |

Trữ lượng tài nguyên khổng lồ khiến Đông Địa Trung Hải thành “chiếc bánh” bên nào cũng muốn chia phần song cũng là tâm điểm của các tranh cãi không hồi kết.

Trong nhiều thập kỷ, tranh chấp biên giới trên biển phía đông Địa Trung Hải là một vấn đề riêng tranh cãi giữa các nước Hy Lạp, Cộng hòa Síp và Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, những năm trở lại đây, việc phát hiện các nguồn khí đốt thiên nhiên ngoài khơi của khu vực đã biến Đông Địa Trung Hải trở thành một khu vực chiến lược quan trọng không chỉ giữa các quốc gia này mà còn là các nước trong EU và khu vực Trung Đông – Bắc Phi.

Italy và Pháp, những gã khổng lồ của Lục địa già đang giữ vai trò không thể thiếu trong việc thúc đẩy những biến chuyển đó khiến mối quan hệ giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng trở nên đối nghịch.

Tâm bão địa chính trị ở Đông Địa Trung Hải và “lằn ranh đỏ” của Thổ Nhĩ Kỳ - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Huriyetdaily.

Đông Địa Trung Hải - Nguồn trữ lượng tài nguyên khổng lồ

Nhìn lại lịch sử của khu vực này, tập đoàn dầu khí Eni (Italy) chính là người thay đổi cục diện địa chính trị tại khu vực này khi là đơn vị đầu tiên phát hiện ra mỏ khí thiên nhiên lớn Zohr trong vùng lãnh hải của Ai Cập.

Zohr là mỏ khí thiên nhiên lớn nhất tại Đông Địa Trung Hải được tìm thấy cho đến nay. Phát hiện này đồng nghĩa với việc khu vực này có trữ lượng khí thiên nhiên khổng lồ có khả năng thương mại hóa trên thị trường.

Tập đoàn Eni cũng là nhà điều hành chính trong lĩnh vực phát triển khí thiên nhiên của Cộng hòa Síp.

Tập đoàn này đã tiến hành xúc tiến kế hoạch tập hợp các nguồn khí đốt của Síp, Ai Cập, Israel, cũng như sử dụng các nhà máy sản xuất khí hóa lỏng (LNG) của Ai Cập để từng bước phân phối nguồn khí thiên nhiên khu vực dưới dạng LNG tại thị trường châu Âu.

Còn theo một nghiên cứu năm 2010 của Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, ước tính có khoảng 1,7 tỷ thùng dầu có thể khai thác và hơn 3.454 tỷ mét khối khí tại khu vực lòng chảo Levant ở Đông Địa Trung Hải.

Việc biến Ai Cập trở thành trung tâm sản xuất và xuất khẩu khí hóa lỏng (LNG) ở khu vực này đã làm nảy sinh vấn đề địa chính trị không nhỏ. Dự án này đã trực tiếp làm giảm vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ, phá vỡ kế hoạch trở thành một trung tâm năng lượng khu vực của quốc gia này.

Tiếp đó, năm 2018, tập đoàn dầu khí Total của Pháp (đứng thứ ba EU về doanh thu) tiếp tục giáng một đòn mạnh vào kế hoạch của Thổ Nhĩ Kỳ khi hợp tác với Eni trong tất cả các hoạt động phát triển khí đốt tại Cộng hòa Síp, mở đường cho Pháp vào khu vực có nguồn năng lượng khổng lồ chưa được khai phá hết.

Sau khi Cộng hòa Síp ký thỏa thuận với Ai Cập, Israel - quốc gia đang xem xét xây dựng đường ống dẫn khí đốt ngầm dưới biển đến Thổ Nhĩ Kỳ để kết nối với hệ thống dẫn khí đến châu Âu bỗng đột ngột ngả theo Cộng hòa Síp, ký hợp đồng bán khí đốt cho Ai Cập.

Trong nỗ lực thoát khỏi sự cô lập tại khu vực, vào tháng 9/2019, Thổ Nhĩ Kỳ đã ký thỏa thuận phân chia biên giới trên biển với Chính phủ Ðoàn kết Dân tộc Libya (GNA) đóng tại thủ đô Tripoli được Liên Hiệp Quốc công nhận nhằm tìm kiếm một vị thế pháp lý cao hơn để thách thức các thỏa thuận về biên giới biển mà Hy Lạp thỏa thuận với Cộng hòa Síp và Ai Cập.

Thỏa thuận ranh giới biển Thổ Nhĩ Kỳ - Libya mở rộng các chính sách hàng hải của Thổ Nhĩ Kỳ ngay trên phần Ðông Ðịa Trung Hải, nằm giữa Hy Lạp và Cộng hòa Síp; thiết lập đoạn ranh giới dài 18,6 hải lý giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Libya và từ đó, thỏa thuận phân chia khu vực hàng hải giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Libya - khu vực trải dài từ Tây Nam của Thổ Nhĩ Kỳ đến bờ biển miền Ðông Libya.

Tâm bão địa chính trị

Trước những động thái của các bên đối địch, Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ sự phản đối bằng chính sách “ngoại giao pháo hạm” (Gunboat diplomacy), đưa các tàu thăm dò và máy bay quân sự đến vùng biển của Cộng hòa Síp.

Mỗi tàu thăm dò đều có sự hộ tống của lực lượng hải quân nước này. Thổ Nhĩ Kỳ biện minh cho hành động của mình là để bảo vệ quyền lợi của người Síp gốc Thổ Nhĩ Kỳ ở nửa phía Bắc của đảo Síp, đồng thời cho rằng họ bị bỏ rơi khỏi việc phát triển các nguồn dự trữ khí đốt thiên nhiên ngoài khơi của Cộng hòa Síp.

Với mỗi động thái của Thổ Nhĩ Kỳ, các quốc gia Ai Cập, Israel, Síp, Hy Lạp càng nhận được sự hỗ trợ quân sự từ Pháp, Italy, Mỹ - những quốc gia đều có những khoản đầu tư kinh tế đáng kể vào phát triển nguồn khí đốt ở Đông Địa Trung Hải.

Tâm bão địa chính trị ở Đông Địa Trung Hải và “lằn ranh đỏ” của Thổ Nhĩ Kỳ - Ảnh 3.

Ảnh minh họa: AP.

Giữa tháng 8, Thổ Nhĩ Kỳ đã điều các tàu hải quân hộ tống tàu khai thác khí đốt Oruc Reis tới vùng biển tranh chấp. Hy Lạp cũng triển khai nhiều tàu chiến để giám sát động thái của các tàu Thổ Nhĩ Kỳ đồng thời đặt quân đội vào mức báo động cao nhất.

Nước này tuyên bố sẽ bảo vệ chủ quyền bằng mọi biện pháp, kể cả quân sự. Căng thẳng hai bên tiếp tục leo thang khi Ankara thông báo gia hạn chương trình thăm dò địa chấn ở vùng biển tranh chấp, dự kiến ban đầu kết thúc vào ngày 24/8.

Tiếp đó, Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp liên tục đưa ra những cảnh báo cứng rắn về những xung đột sẽ xảy ra do các hoạt động thăm dò tài nguyên và kế hoạch tập trận ở khu vực Đông Địa Trung Hải.

Trên thực tế, dù Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ đều thể hiện những động thái cứng rắn gồm cả những hành động phô trương quân sự nhưng tất cả các bên bao gồm cả EU vẫn có những lý do riêng để kiềm chế sự leo thang hiện nay và tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng này.

Dù ủng hộ Hy Lạp, cả Ai Cập và Israel đều không có khả năng bị lôi kéo vào cuộc chiến với Thổ Nhĩ Kỳ ở Đông Địa Trung Hải. EU bày tỏ sự ủng hộ rõ ràng đối với các thành viên Hy Lạp và Síp, nhưng bản thân Liên minh châu Âu vẫn bị chia rẽ về cách xử lý cuộc khủng hoảng hiện nay. Sáu quốc gia ở Địa Trung Hải chia đều về quan điểm ủng hộ.

Cụ thể, Hy Lạp, Síp, Pháp ủng hộ hành động mạnh tay để chống Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, Italy, Malta và Tây Ban Nha - các nước chia sẻ lợi ích thương mại quan trọng với Thổ Nhĩ Kỳ ở trung tâm và Tây Địa Trung Hải thì vẫn thể hiện thái độ kiềm chế nhất định.

Việc Đức trở thành Chủ tịch luân phiên của EU từ tháng 7/2020 được coi là điểm then chốt có thể phá vỡ sự bế tắc. Mặc dù Đức không thể hiện rõ ràng việc phản đối Pháp về chính sách đối với Địa Trung Hải, nhưng quan điểm của Đức là giữ Thổ Nhĩ Kỳ càng gần EU càng tốt.

Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ đang tiến tới bờ vực của xung đột. Do đó, nếu nước này đi quá xa, EU cũng như Mỹ sẽ hoàn toàn nghiêng về phía Hy Lạp.

Ranh giới đỏ hiện nay mà Thổ Nhĩ Kỳ không thể vượt qua là đảo Crete, có vùng biển phía Nam được cho là có trữ lượng dầu và khí đốt khá lớn.

Mặc dù được quốc tế công nhận là vùng lãnh hải của Hy Lạp, nhưng bản đồ Ankara-Tripoli của Thổ Nhĩ Kỳ lại chỉ định khu vực này cho Libya. Nếu Thổ Nhĩ Kỳ gửi tàu thăm dò dầu khí đến gần bờ biển phía nam của đảo Crete thì tất cả những nỗ lực giải quyết khủng hoảng sẽ đổ vỡ.

Cho đến nay Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa vượt qua ranh giới đó nhưng khả năng việc Thổ Nhĩ Kỳ có triển khai thăm dò vùng biển Crete để coi đây như một lá bài đàm phán là hoàn toàn có cơ sở.

Bất kỳ động thái gây leo thang nào giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp đều cần có bên thứ ba đủ khả năng tiến hành dàn xếp Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp ngồi vào bàn đàm phán nghiêm túc.

Do đó, dấu hiệu đáng kỳ vọng nhất cho khu vực là những nỗ lực mang tính xây dựng gần đây của Mỹ với đồng minh NATO này cùng với những cam kết của Đức sẽ tạo nên những hy vọng mới giải quyết được khúc mắc hiện nay của các bên.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại