Mới đây, các bác sĩ Trung tâm Phẫu thuật sọ mặt và tạo hình - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội) đã tạo lại "bản sao" dương vật cho một bệnh nhân nam 36 tuổi (ở Hà Nội) bị cắt mất bản gốc do ung thư.
Giải nỗi khổ cho đàn ông "tiểu ngồi"
Theo bệnh nhân này, 5 năm trước, "cậu nhỏ" của anh thường xuyên chảy dịch, viêm loét nhưng anh tự điều trị do nghĩ bị viêm nhiễm thông thường. Tuy nhiên, khi đến khám tại bệnh viện, anh được thông báo bị ung thư đã di căn và phải cắt bỏ toàn bộ bộ phận sinh dục bao gồm dương vật, bìu, tinh hoàn...; sau đó xạ trị.
Ê-kíp bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thực hiện ca phẫu thuật tái tạo “cậu nhỏ” cho bệnh nhân 36 tuổi.Ảnh: KIM ANH
Việc phẫu thuật cũng làm mất đi phần bao quy đầu - bộ phận nhạy cảm cảm thụ chức năng sinh dục, đồng thời khi đi tiểu sẽ bị rỉ nước do miệng sáo không còn đóng mở như bình thường. Chất lượng cuộc sống của bệnh nhân bị giảm sút nghiêm trọng do những bất tiện về sinh hoạt cá nhân, đời sống tình dục cũng không thể duy trì.
Bệnh nhân nhập viện điều trị tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Các bác sĩ đã hội chẩn và phẫu thuật tạo hình dương vật mới, khắc phục các khiếm khuyết.
PGS-TS Vũ Ngọc Lâm, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật sọ mặt và tạo hình - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết với bệnh nhân này, kíp mổ đã lấy vạt da vùng cẳng tay để tạo hình cả thân dương vật, ống niệu đạo, quy đầu. Độ cứng của dương vật được tạo bằng thanh sụn sườn tự thân.
Việc tạo hình dương vật bằng vạt da mỡ vi phẫu là một trong những kỹ thuật phức tạp nhất, do phải thực hiện rất nhiều bước khác trong cùng một cuộc phẫu thuật. Mục đích của phẫu thuật là tạo được dương vật mới có hình thể giống với dương vật thật nhưng quan trọng hơn là phải thực hiện được chức năng tiết niệu, sinh dục.
Với trường hợp của bệnh nhân này, sau phẫu thuật 2 tuần, anh có thể đứng tiểu, điều mà suốt 5 năm qua anh không thể làm được. Tái khám sau hơn một tháng phẫu thuật, bệnh nhân có sức khỏe ổn định. Chức năng sinh dục cũng dần phục hồi do anh đã tìm lại được sự tự tin với "cậu nhỏ" mới của mình…
Trước đó, tại Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội), 2 kíp phẫu thuật từng trải qua 10 giờ để tạo hình dương vật cho nam bệnh nhân 17 tuổi (ở Hải Phòng). Mười năm trước, khi cầm gậy nhôm chơi dưới đường dây điện cao thế, cậu bé bị phỏng điện nên buộc phải cắt cụt dương vật đến tận gốc, chỉ còn lại bìu và tinh hoàn. Sau tai nạn đó, cậu bé phải chấp nhận tiểu ngồi với nhiều mặc cảm, tự ti.
Để sao y bản chính "cậu nhỏ" cho nam thanh niên này, các bác sĩ đã phẫu tích lấy vạt da và mỡ ở mặt ngoài đùi, chia thành 2 phần, một phần làm thân dương vật, phần còn lại tạo bao quy đầu. Sau đó, lót niêm mạc miệng ở phía trong tạo ống niệu đạo rồi cuộn lớp mỡ và da đùi ra phía ngoài. Khi "cậu nhỏ" thành hình sẽ được chuyển đến vị trí của dương vật bị khiếm khuyết ghép nối. Mạch máu và thần kinh nuôi "cậu nhỏ" được nối với mạch máu và thần kinh vùng bẹn đùi. Toàn bộ quá trình phẫu thuật nối ghép này được thực hiện dưới kính hiển vi.
Ba tuần sau ca phẫu thuật, bệnh nhân đã có thể đứng tiểu và có cảm giác tốt từ "cậu nhỏ" mới được tạo hình.
"Bản sao" có đầy đủ chức năng
Phương pháp tạo hình dương vật hiện được một số cơ sở y tế triển khai nhằm điều trị những trường hợp khiếm khuyết dương vật do bẩm sinh; bị cắt cụt do ung thư, tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt; bị súc vật cắn; thậm chí là những quý ông bị cắt mất dương vật vì ghen tuông mà không thể nối được bản gốc...
Bác sĩ Nguyễn Đình Quân, Phó trưởng Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và phục hồi chức năng - Bệnh viện Da liễu Trung ương, cho biết đối với những trường hợp chỉ cắt 1/3 hoặc nửa dương vật vẫn có thể duy trì được chức năng, kể cả tiểu tiện hoặc quan hệ tình dục, duy trì nòi giống. Nhưng đối với những trường hợp xâm lấn sâu hoặc ung thư phải cắt cụt toàn bộ dẫn đến chức năng bị hỏng hoàn toàn.
"Nhiều người thậm chí phải nằm tiểu chứ không thể ngồi vì nước tiểu không có áp lực để tạo thành dòng. Việc quan hệ tình dục đương nhiên cũng không thể và vấn đề lớn nữa là liên quan tâm lý của bệnh nhân. Khi bị cắt cụt "cậu nhỏ", đa số đàn ông cảm thấy mất tự tin và vui sống, có khi đi vào nhà vệ sinh công cộng cũng không dám. Tái tạo dương vật là một biện pháp giúp đấng mày râu chẳng may gặp nạn có thể trở lại cuộc sống bình thường" - bác sĩ Quân nói.
Theo bác sĩ Quân, sau khi lấy các vạt da tự thân để chế tạo dương vật, bác sĩ sẽ nối lại với mỏm cụt. Ca phẫu thuật thành công "cậu nhỏ" mới không chỉ giải quyết vấn đề thẩm mỹ mà còn sở hữu đầy đủ các chức năng thực sự là tiểu tiện và quan hệ tình dục. Với những bệnh nhân được nối, tạo hình nếu tinh hoàn còn bình thường thì có khả năng sinh sản.
Các bác sĩ cho biết cũng như tất cả các ca phẫu thuật khác, tái tạo dương vật vẫn có nhiều rủi ro, nguy cơ nhiễm trùng dù tỉ lệ bệnh nhân bảo đảm chức năng tiểu tiện, cương cứng tốt, quan hệ tình dục được sau khi tạo hình dương vật… là khá cao.
Kỹ thuật tiến bộ cải thiện chức năng những cậu nhỏ "bản sao"
PGS-TS Vũ Ngọc Lâm khuyến cáo bất kỳ dấu hiệu viêm loét, chảy dịch của da dương vật đều cần được khám sớm tại các cơ sở y tế để có thể điều trị kịp thời. Trong trường hợp ung thư dương vật bắt buộc phải phẫu thuật cắt bỏ thì cũng không phải hoàn toàn mất hy vọng vì kỹ thuật mới có thể tạo hình lại dương vật.
Bác sĩ Nguyễn Đình Quân cho biết hiện các chuyên gia cũng nghiên cứu được một số phương pháp để tăng độ căng cứng cho dương vật tái tạo như đặt thanh silicon hoặc đặt hệ thống hỗ trợ bằng silicon. Cụ thể, khi quan hệ tình dục thì bơm nước vào cho căng lên và khi "xong nhiệm vụ" thì xả ra.
"Đây là kỹ thuật khó đòi hỏi bác sĩ có chuyên môn, tay nghề cao để thực hiện các kỹ thuật nối vi phẫu. Bệnh viện cũng phải có trang thiết bị tốt để bảo đảm an toàn cho một cuộc phẫu thuật kéo dài 7-10 giờ, thậm chí lâu hơn" - bác sĩ Quân thông tin.