Cụ thể các em đột nhiên có những biểu hiện như ngất, khóc thét, co cứng chân tay, sợ hãi, gọi hỏi không trả lời, kích động, đánh người, ngất xỉu ...
Thời gian mỗi cơn khoảng 3-5 phút, sau đó tăng dần lên 10-30 phút. Sau cơn kích động, các em ngủ lịm khoảng 10-20 phút và tỉnh lại, tiếp xúc bình thường. Đến thời điểm hiện tại có 18 em có biểu hiện như trên (2 nam, 16 nữ).
Rối loạn phân ly tập thể là gì?
Bác sĩ Nguyễn Mai Hương - phó trưởng khoa tâm thần, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết theo phân loại bệnh của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), rối loạn phân ly là hiện tượng mất một phần hoặc hoàn toàn sự hợp nhất giữ trí nhớ quá khứ, ý thức, đặc tính cá nhân với những cảm giác trực tiếp và sự kiểm soát vận động.
Đặc trưng của phân ly là những triệu chứng gợi ý bệnh lý của một cơ quan, bộ phận nào đó trong cơ thể, nhưng không tìm thấy được nguyên nhân bằng các phương pháp thăm khám lâm sàng và xét nghiệm. Rối loạn này gặp nhiều hơn ở trẻ em gái và phụ nữ trẻ.
Rối loạn phân ly tập thể là đồng loạt các trường hợp rối loạn phân ly trong một nhóm hoặc một tập thể như trường học, đám đông. Khi một người trong nhóm có biểu hiện của rối loạn phân ly, những người còn lại có xu hướng "bị lan truyền".
Do có nhiều người cùng xuất hiện những biểu hiện bất thường nên bệnh lý này thường gây ra những lo lắng, hoang mang, thậm chí hiểu nhầm trong dư luận và xã hội.
Rối loạn phân ly có triệu chứng như thế nào?
Theo bác sĩ Hương, các triệu chứng của rối loạn phân ly rất đa dạng, xuất hiện và kết thúc đều đột ngột thành từng cơn. Rối loạn phân ly có khuynh hướng thuyên giảm sau vài tuần, vài tháng, nhưng có thể tái phát trong trường hợp vẫn còn các sự kiện gây sang chấn.
Đặc điểm của triệu chứng phân ly là tính "chịu ám thị". Có nghĩa là khi có một tác nhân khác gây kích thích mạnh vào niềm tin hoặc đánh lạc hướng chú ý của người bệnh, các biểu hiện phân ly có thể giảm hoặc mất đi ngay.
Các rối loạn phân ly thường gặp như:
Rối loạn vận động: các động tác lắc đầu, gật đầu, co giật, múa vờn, run, tê liệt, vận động tay chân thiếu mục đích, rối loạn phát âm;
Rối loạn cảm giác: tăng hoặc giảm cảm giác đau quá mức (bệnh nhân thường kêu đau bụng, đau đầu, đau mỏi chân tay… nhưng không tìm được nguyên nhân gây đau);
Cơn kích động cảm xúc: cười, khóc, gào hét, cảm xúc hỗn độn, nói năng lộn xộn, sợ hãi vô cớ…
Sững sờ, ngất: bệnh nhận nằm hoặc ngồi bất động trong thời gian dài, không nói và không hoạt động, không có đáp ứng với các kích thích bên ngoài, có thể nhắm hoặc mở mắt, tuy nhiên không bị mất ý thức hoàn toàn;
Các rối loạn "lên đồng" và bị xâm nhập: bệnh nhân cư xử, nói năng như thể một người khác, hoặc như bị một lực lượng siêu nhiên nào đó điều khiển.
Trong trường hợp phân ly tập thể, các triệu chứng thường gặp là ngất, rối loạn vận động, co giật, cơn kích động cảm xúc.
Khi trẻ có những biểu hiện này, cần nhanh chóng tách riêng trẻ bị bệnh để tránh sự lan truyền. Đồng thời, trấn an các trẻ khác trong lớp, cải thiện môi trường học tập, giảm áp lực.
Nguyên nhân gây ra rối loạn phân ly
Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa xác định rõ những tổn thương não bộ gây ra rối loạn phân ly và rối loạn phân ly tập thể, vì vậy bệnh lý này còn được gọi là bệnh lý chức năng.
Các biểu hiện của bệnh thường phát sinh trong khoảng thời gian ngắn sau các sự kiện gây sang chấn, những vấn đề không giải quyết được gây căng thẳng. Đôi khi, các sang chấn nhỏ nhưng xảy ra thường xuyên cũng có thể là yếu tố thuận lợi cho phân ly, ví dụ như áp lực học tập, mối quan hệ bạn bè không tốt…
"Trong những trường hợp như vây, rối loạn phân ly xuất hiện như một cơ chế tự phòng vệ để bảo vệ cho những cá nhân, nhằm giảm bớt những cảm xúc tiêu cực như lo âu, bất lực, đồng thời tạo ra những lợi ích thứ phát như được quan tâm, được chăm sóc", bác sĩ Hương lý giải.
Bên cạnh đó, các yếu tố thuận lợi phát sinh rối loạn phân ly như về nhân cách (trẻ có nhân cách yếu, dễ xúc động); môi trường (gia đình quá bao bọc hoặc quá khắt khe, thay đổi môi trường liên tục); cơ thể (suy dinh dưỡng, nhiễm trùng hoặc trong giai đoạn dậy thì).
Rối loạn phân ly chủ yếu được điều trị bằng các liệu pháp tâm lý, kết hợp với nâng cao thể trạng và bồi dưỡng nhân cách, thiết lập môi trường phù hợp. Quá trình điều trị thường cần nhiều thời gian, đòi hỏi sự kiên trì của cán bộ y tế, gia đình và người bệnh.
Phòng bệnh cho trẻ
Để phòng bệnh cho trẻ, bác sĩ Hương khuyến cáo gia đình, nhà trường và xã hội tăng cường giáo dục, quản lý con em mình, xây dựng lối sống lành mạnh, tính đoàn kết, tính tập thể, biết khắc phục khó khăn tránh các stress tâm lí trong sinh hoạt, học tập.
Tăng cường các hoạt động ngoại khóa như: ca, múa, nhạc, đi dã ngoại, tập thể dục, chơi các môn thể thao và lao động tập thể…
Đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ và nghỉ ngơi hợp lý, giảm sức ép từ việc học tập. Trong một tập thể cần bố trí tỷ lệ nam, nữ hài hòa.