Những thông tin về Su-57 xuất hiện trên các diễn đàn quân sự tại Nga và trên thế giới đã một lần nữa đưa dòng máy bay thế hệ mới của Nga và các sản phẩm cùng loại của Mỹ và phương Tây như F-22, F-35 lên bàn cân.
Những đánh giá của giới chuyên gia đã khẳng định, Nga đã có cách tiếp cận công nghệ hoàn toàn mới giúp Su-57 có ưu thế trước các đối thủ Mỹ và phương Tây ở cùng phân khúc máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5, cũng như hoài nghi về tính năng của F-22 và F-35 sau hàng loạt màn thể hiện thất vọng ở Syria hay lỗi kỹ thuật gần đây.
Khả năng tàng hình bị nghi ngờ
Trái ngược với các thông tin gợi mở từ Su-57, những nghi ngờ về khả năng hoạt động của máy bay tiêm kích thế hệ 5 đầu tiên của thế giới F-22 Raptor đang được công bố.
Có một điều gần như chắc chắn, việc sử dụng máy bay F-22 Raptor của Không quân Mỹ khác xa những tưởng tượng hay bức tranh hãng chế tạo Lockheed Martin vẽ ra về dòng máy bay thế hệ thứ 5 này.
Dù được quảng cáo là dòng máy bay chiến đấu hàng đầu thế giới, nhưng thực tế, F-22 không được Quân đội Mỹ triển khai tới bất kỳ địa điểm nào trên thế giới. Nhiệm vụ của F-22 chỉ đơn thuần là tuần tra trên biên giới giáp Mexico và bang Alaska.
Với nhiệm vụ đơn giản như vậy, dường như hàng tỷ USD dành cho quá trình phát triển F-22 đã trở nên phung phí, khi nó không được thực hiện nhiêm vụ chính của máy bay tiêm kích là giành ưu thế trên không.
Sau nhiều thập kỷ sử dụng, khả năng chiến đấu của máy bay F-22 vẫn đang bị nghi ngờ.
Quân đội Mỹ gần đây cũng từng sử dụng máy bay F-22 cho các nhiệm vụ chiến đấu tại Syria, nhưng dòng máy bay tiêm kích này lại chỉ được sử dụng cho các nhiệm vụ tấn công mặt đất.
Tại không phận quốc gia Cận Đông này, F-22 dường như đã mất khả năng tàng hình, khi bị các hệ thống trinh sát, dù là cổ lỗ của Syria phát hiện.
Không rõ có phải chữa cháy hay không, nhưng khoảng 1 năm sau khi hoạt động tại Syria, Quân đội Mỹ chính thức công bố nhiệm vụ của F-22 tại Syria.
Nó không được thực hiện nhiệm vụ thế mạnh và được lắp thêm các gương tăng phản xạ Luneburg để tăng khả năng bộc lộ trước các hệ thống trinh sát. Phía Mỹ giải thích, việc này là để che giấu khả năng tàng hình thực sự của F-22 trước các quốc gia đối thủ như Nga và Trung Quốc.
Ngoài ra, sau hàng thập kỷ hoạt động, nhiều câu hỏi về vấn đề kỹ thuật trên F-22 cũng phát sinh. Tại sao dòng máy bay được thiết kế cho nhiệm vụ tiêm kích, giành ưu thế trên không lại có khoang vũ khí trong thân rất hạn chế.
Các khoang vũ khí giấu trong thân của F-22 chỉ cho phép chứa 454kg vũ khí. Điều này khiến nó không thể mang được các loại vũ khí uy lực nhất. Để khắc phục, F-22 buộc phải mang vũ khí ở các giá treo bên ngoài dưới cánh và thân.
Tuy nhiên, cách khắc phục này lại khiến máy bay thế hệ thứ 5 của Mỹ giảm, thậm chí là mất ưu thế tàng hình trước các hệ thống trinh sát của đối phương.
Không chỉ có F-22, Mỹ và đồng minh hiện cũng gặp nhiều vấn đề với máy bay thế hệ 5 F-35 Lightning II.
Việc nhồi nhét yêu cầu tác chiến của cả hải-lục-không quân vào trong một thiết kế máy bay chiến đấu đa dụng, trong khi các giải pháp kỹ thuật chưa được hoàn thiện đã khiến F-35 gặp hàng loạt trục trặc kỹ thuật và chi phí phát triển bị đội cao tới mức khó chấp nhận.
Đến thời điểm hiện tại, dù chương trình phát triển F-35 được khởi động trước Su-57, nhưng có vẻ Nga với chương trình PAK FA (Su-57) lại về đích trước với các tiếp cận và giải pháp kỹ thuật tin cậy hơn.
Cách tiếp cận khác biệt của Su-57
Một trong những cách tiếp cận mới của Tập đoàn Sukhoi đó là phát triển Su-57 từ con số không. Đó là điều cần thiết để xây dựng nền tảng công nghệ hàng không mới của Nga và thoát khỏi hướng thiết kế, cũng như ảnh hưởng công nghệ hàng không từ thời Liên Xô.
Đánh giá về vấn đề này, lãnh đạo đơn vị thiết kế của Sukhoi, Mikhail Strelets cho biết, điểm khác biệt lớn của Su-57 là nó ra đời khi nền tàng công nghệ hàng không đã đủ để cho phép ra đời máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 đa nhiệm.
So với thiết kế đơn nhiệm giành ưu thế trên không của F-22, Su-57 có nhiều ưu thế hơn với dải nhiệm vụ thực hiện rộng.
Tập đoàn Sukhoi đã có cách tiếp cận kỹ thuật hoàn toàn từ con số không trên Su-57.
Đạn tên lửa không đối không tầm xa R-37M.
Theo lời ông Mikhail Strelets, phía Mỹ cũng đã nhận ra vấn đề ở thiết kế của máy bay F-22. Tuy nhiên, sức ép về chế tạo một máy bay tàng hình, nhưng lại có khả năng đa nhiệm trở lên "quá sức" với các nhà thiết kế Mỹ ở thập kỷ 1990.
Đối với Su-57, các thử nghiệm thực chiến ở Syria đã chứng minh các nhà thiết kế Nga đã có cách tiếp cận công nghệ đúng. Khoang chiến đấu lớn cho phép Su-57 sử dụng nhiều loại bom dẫn đường hạng nặng, cũng như sử dụng tên lửa hành trình X-59 Mk2 tấn công các mục tiêu ở khoảng cách tới 300km.
Cùng với việc phát triển Su-57, tổ hợp công nghiệp quốc phòng Nga cũng đồng thời phát triển các loại vũ khí chiến đấu không đối không tương ứng. Tên lửa R-37M với tầm bắn xa tới 300km và nhiều loại tên lửa không đối không thế hệ mới được ra đời tương ứng với Su-57.
Trong khi đó, F-22 vẫn phải sử dụng tên lửa cũ là AIM-120 AMRAAM với tầm bắn tối đa khoảng 200km, khi chương trình phát triển tên lửa AIM-152 AAAM tầm bắn 270km bị hủy bỏ.
Hạn chế duy nhất của Su-57 hiện tại là chương trình phát triển động cơ "Sản phẩm 30" mới đang trong quá trình hoàn thiện. Su-57 vẫn phải sử dụng động cơ AL-41F và vấn đề này sẽ sớm được giải quyết trong năm 2019, khi các nguyên mẫu động cơ "Sản phẩm 30" đang được thử nghiệm trên máy bay Su-57.
Tiềm năng nâng cấp rộng lớn
Trên Su-57, chuyên gia Nga đã giải quyết hàng trăm vấn đề kỹ thuật hàng không độc đáo và có giá trị sử dụng trong nhiều thập kỷ tới. Điều này tạo ra tiềm năng nâng cấp lâu dài, cũng như mở ra các giải pháp kỹ thuật mới như máy bay chiến đấu không người lái trong tương lai.
Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và an ninh thuộc Hội đồng Liên bang Nga, Victor Bondarev đánh giá, Su-57 hoàn toàn có thể phát triển thành biến thế không người lái.
Điều này có được nhờ hệ thống điện tử trên khoang của Su-57 được thiết kế mở. Kết cấu khung thân độc đáo cho phép khi bỏ cabinet của phi công, máy bay Su-57 tăng khả năng cơ động trên không tới độ quá tải trọng trường (G) tới cấp 9-10.
Tư duy thiết kế tác chiến ở tầm gần và trung, thay vì tầm xa như của Mỹ và phương Tây, giúp Su-57 có khả năng phản ứng và đáp ứng nhiệm vụ linh hoạt trong mọi điều kiện tác chiến.
Tư duy thiết kế đa nhiệm và mở cho phép Su-57 có tiềm năng nâng cấp rất lớn và lâu dài.
Ngoài ra, một yếu tố quan trọng khác trên Su-57 chính là sự kết hợp giữa các khí tài quang-điện tử đa dải tần cho phép phát hiện các mục tiêu tàng hình, tăng tầm giám sát và dẫn đường cho vũ khí tấn công chính xác mục tiêu ở nhiều kênh dẫn.
Hệ thống ra-đa mảng định pha chủ động (AESA), hệ thống chỉ thị mục tiêu H036 Belka và hàng loạt cảm biến tích hợp là minh chứng rõ ràng.
Một điểm khác biệt trong tư duy thiết kế của Su-57 so với F-35 là Tập đoàn Sukhoi tập trung hoàn thiện công nghệ trên biến thể duy nhất dành cho không quân, sau đó mới tính tới các phương án chỉnh sửa cho ra đời biến thể nâng cấp khác, thay vì đồng loạt phát triển các biến thể cùng lúc như trong chương trình phát triển F-35 của Mỹ.
Khi Su-57 hoàn tất, Sukhoi đang phát triển biến thể mới dành cho hải quân để thay thế cho các đơn vị Su-33/Mig-29K của Hải quân Nga.
Đánh giá về Su-57, ông Victor Bondarev cho rằng, máy bay thế hệ mới của Nga đã vượt qua thế hệ thứ 5 và đủ công nghệ để thực nghiệm dành cho máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo với tư duy không người lái.
Điều này tạo ra sự khác biệt và ưu thế của Su-57 so với các sản phẩm cùng loại của Mỹ, phương Tây, Trung Quốc và Nhật Bản.