Chuyện ít người biết về các giáo viên dạy thực hành bắn trên xe tăng thiết giáp Việt Nam

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt |

Có lẽ, một trong những nghề chịu áp lực nặng nề và căng thẳng vào loại nhất là nghề giáo viên thực hành bắn và sử dụng vũ khí trên xe tăng, xe thiết giáp.

Gian khổ, vất vả có thừa

Trong số các khoa giáo viên của Trường sĩ quan Tăng Thiết giáp có một khoa nghe tên khá lạ với người ngoài- đó là Khoa Vũ khí và Bắn (VK&B). Nhiệm vụ của khoa là dạy cho học viên nắm được cấu tạo, nguyên lý làm việc và thành thạo trong khai thác sử dụng các loại vũ khí trên xe.

Tuy nhiên, trong thực tế, vũ khí trên xe không chỉ có pháo, súng đại liên mà còn tên lửa, súng tiểu liên, súng ngắn, lựu đạn... nên anh em giáo viên khoa này thường tự trào là Khoa Vũ khí và bắn và phóng và ném và...

Khoa VK&B có 3 bộ môn chính: "Binh khí", "Lý thuyết- Quy tắc bắn" và "Thực hành". Bộ môn "Binh khí" có nhiệm vụ cung cấp cho học viên những kiến thức về cấu tạo, nguyên lý làm việc cũng như quy trình, quy tắc bảo quản, bảo dưỡng các loại vũ khí.

Bộ môn "Lý thuyết- Quy tắc bắn" thì hoàn toàn thiên về lý thuyết, bao gồm các môn học về lý thuyết đường đạn, lý thuyết xác suất và vận dụng nó vào tính toàn hiệu quả bắn và trọng tâm là quy tắc bắn: quyết định phần tử bắn đầu tiên như thế nào? Sửa bắn ra sao?... để tiêu diệt mục tiêu trong thời gian nhanh nhất, với số đạn tiêu hao ít nhất.

Chuyện ít người biết về các giáo viên dạy thực hành bắn trên xe tăng thiết giáp Việt Nam - Ảnh 1.

Xe Tăng, thiết giáp của Lữ đoàn 26 tham gia hội thi kỹ thuật Tăng thiết giáp Quân khu 7. Ảnh: báo QK7.

Còn bộ môn "Thực hành" là bộ môn chuyên đảm nhiệm huấn luyện các nội dung thực hành sử dụng vũ khí. Cụ thể là dạy cho học viên biết bắn pháo, bắn súng đại liên, bắn cao xạ 12,7 mm,... nghĩa là biết sử dụng thành thạo mọi loại vũ khí trên xe theo quy tắc bắn đã được học. Ngoài ra là thực hành bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa vũ khí.

Trong khi giáo viên các bộ môn "Binh khí", "Lý thuyết- Quy tắc bắn" thường xuyên được lên lớp trên giảng đường, "mưa không đến mặt, nắng không đến đầu", nếu có phải ra thực xe cũng chỉ là chỉ trỏ, giới thiệu các chi tiết, bộ phận của vũ khí thì "giảng đường" của các thày bộ môn "Thực hành" chính là thao trường, trường bắn...

Vậy là, dù trời nắng hay mưa, dù nóng đổ mồ hôi hay rét cắt da cắt thịt... cứ có giờ là các thày lại đóng vào mình bộ "quần áo công tác" thần thánh đã đi vào thơ ca: "cách 3 cây số vẫn hăng mùi dầu" để lên đường ra thao trường, bãi tập.

Quy trình huấn luyện của các bài luyện tập thì thường là: giới thiệu động tác, làm mẫu thị phạm, tổ chức cho học viên luyện tập, theo dõi những sai sót để uốn nắn kịp thời, cuối cùng là hội thao, kiểm tra và nhận xét kết luận. Chính vì vậy, các thày giáo phải là những người có tay nghề thực hành giỏi, động tác thao tác chuẩn xác nhất.

Còn nếu là thực hành bắn đạn thật thì công tác chuẩn bị công phu và vất vả hơn nhiều: phải hợp đồng với đơn vị bảo đảm xe, pháo; hợp đồng với trường bắn bố trí bia bảng, tổ chức báo bia, tổ chức canh gác; hợp đồng với đơn vị học viên các nội dung cần chuẩn bị... Tất cả mọi công việc chuẩn bị phải hoàn thành trước giờ nổ súng.

Khi mọi công việc chuẩn bị đã xong, thày sẽ "hạ khoa mục"- tức là nêu rõ mục đích, yêu cầu, điều kiện bắn và đặc biệt là các quy tắc đảm bảo an toàn. Kiểm tra học viên đã hiểu rõ,nắm chắc vấn đề thì phân công lên các xe bắn rồi trở về sở chỉ huy và những phút giây căng thẳng bắt đầu.

Từ giây phút phát ra khẩu lệnh: "Tiến, phát hiện mục tiêu- tiêu diệt" là bắt đầu mở to hai mắt, tập trung tinh lực theo dõi mọi động thái diễn ra trên thao trường để có cách xử trí cho phù hợp.

Chỉ đến khi tất cả các xe đã đánh pháo cao, báo cáo: "Hoàn thành nhiệm vụ!" mới trút được hơi thở phào nhẹ nhõm và lại chuẩn bị tinh thần cho đợt bắn tiếp theo.

Ơn Giời, nếu xe pháo, thiết bị trường bắn... không hỏng hóc gì thì buổi tập bắn có thể sẽ kết thúc đúng giờ. Nếu có sự cố xảy ra thì có khi kéo từ sáng tới chiều, còn bắn đêm sẽ thâu luôn đến sáng.

Nói tóm lại, đó là một nghề hết sức vất vả! Và ai đến thăm Khoa VK&B, thấy anh nào đen đen, bẩn bẩn lại ăn to, nói lớn... thì chắc đến 99% là giáo viên "Thực hành".

Chuyện ít người biết về các giáo viên dạy thực hành bắn trên xe tăng thiết giáp Việt Nam - Ảnh 2.

Xe tăng T-62 có trong trang bị của Binh chủng Tăng-Thiết giáp.

Đối mặt với nguy hiểm và những kỹ năng thượng thừa

Không chỉ vất vả, gian khổ... nghề giáo viên thực hành bắn còn phải đối mặt với vô số tình huống nguy hiểm liên quan đến mạng sống của mình cũng như của những người khác. Mà những tình huống này thì muôn hình vạn trạng và xảy đến cũng vô cùng bất ngờ.

Có khi đang bắn thì một đàn bò ở đâu không biết chạy túa vào trường bắn rồi ung dung gặm cỏ ngay khu vực bố trí bia. Cỏ ở đây chả tốt hơn ở bên ngoài vì đất thường xuyên được xới xáo mà. Vậy là phải dừng bắn để ổn định tình hình. Chả lẽ lại bắn chết bò của dân!

Tai hại hơn, không biết hiệp đồng thế nào, vẫn còn xe chưa bắn xong đã thấy mấy chú báo bia nhấp nhổm chạy ra. Vậy là một mặt lên đài vô tuyến điện lệnh cho xe: "Ngừng bắn!", một mặt dùng tín hiệu báo cho tổ báo bia quay về cứ là rối rít hết cả lên.

Lại còn vấn nạn dân chúng vào nhặt mảnh đạn khi bắn pháo nữa mới kinh. Chả biết mỗi kg sắt vụn bán được bao nhiêu nhưng một số bà con xung quanh trường bắn bất chấp mọi quy định, cứ thấy pháo các xe quay lên cao là ào ngay vào khu vực bia để moi mảnh đạn- nhất là những bài tập bắn trên xe BMP-1(đạn pháo 73mm có đuôi bằng nhôm).

Chuyện ít người biết về các giáo viên dạy thực hành bắn trên xe tăng thiết giáp Việt Nam - Ảnh 3.

Họ đâu có biết rằng, rất có thể đợt bắn chưa kết thúc, các xe đánh pháo cao là tạm dừng để xử lý một tình huống nào đó mà thôi.

Và cũng đã có lần sự việc đáng tiếc đã xảy ra. Lại phải dừng bắn, lập biên bản rồi giải trình đây đó song rồi cũng qua bởi họ cố tình vi phạm, chẳng trách ai được!

Sự căng thẳng còn được đẩy lên một cảnh giới mới khi chỉ huy hành tiến bắn có sử dụng máy ổn định. Xe máy thiết bị thì đã cũ, học viên thì ít được luyện tập thực hành... nên có vô số nguyên nhân để đưa pháo ra khỏi phạm vi bắn cả về hướng và tầm.

Và khi một viên đạn pháo đã nổ trong khi pháo đang ở ngoài phạm vi bắn mà không tận mắt quan sát thấy điểm nổ thì các thày lại khăn gói, quả mướp đi tìm điểm nổ để giải quyết hậu quả (nếu có). Cũng may, suốt mấy chục năm tồn tại của Trường bắn CL đã có không ít vụ đạn bay qua khối chắn song chưa lần nào gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Vẫn chưa hết, đã không ít lần pháo còn quay thẳng về sở chỉ huy trong khi đạn đã lên nòng. Lúc đó thì chỉ biết thụp xuống sau bàn chỉ huy và cầu cho em nó đừng nhỡ tay chạm vào nút cò. Hoặc nếu không phải chỉ huy chính thì "tẩu vi thượng sách".

Vụ này, bắn đêm còn đáng sợ hơn vì giữa màn đêm đen kịt, học viên hoàn toàn mất phương hướng. Lúc đó trong thị trường kính ngắm của pháo thủ thì ngọn đèn trên nóc sở chỉ huy so với ngọn đèn chiếu sáng mục tiêu có khác gì nhau đâu. Ấy thế nhưng cũng chưa có viên đạn nào trúng sở chỉ huy!

Có lẽ nhờ trải qua những tình huống như vậy, các giáo viên thực hành bắn thường có bản lĩnh già dặn hơn, phản xạ cũng tốt hơn và khi cần có những kỹ năng thượng thừa không phải ai cũng làm được.

Chẳng hạn, kỹ năng xuống thang dốc. Sở chỉ huy Trưởng bắn xe tăng CL cao phải gần chục mét, có cái cầu thang vừa hẹp, vừa dốc nhưng đã từng có mấy giáo viên chỉ chưa đầy 1 giây đã tụt xuống tới mặt đất (!).

Vất vả, gian khổ và nguy hiểm như thế song hầu như không có ai chán nghề, bỏ nghề cả. Cùng với thời gian, họ vẫn lầm lũi với công việc của mình. Và gương mặt của họ dường như đẹp hơn lên khi sau mỗi phát bắn của học viên, một mục tiêu đổ xuống!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại