Phải chăng Moscow đã có những bước vận động hành lang mạnh mẽ hay những gói hỗ trợ hậu hĩnh cho các quốc gia đặt mua vũ khí Nga ở Ấn Độ và Bắc Phi?
Có lẽ là không! Sức hút của vũ khí Nga nằm ở giá thành, tính năng kỹ thuật, khả năng sẵn sàng chia sẻ công nghệ và không đòi hỏi các điều kiện chính trị từ phía Moscow.
Chính các yếu tố này đã giúp Nga bước chân vào được nhiều thị trường vốn là truyền thống của Mỹ, mà Washington không thể nào ngăn cản. Những đòn đánh liên tiếp của Nga đang khiến Mỹ tối tăm mặt mũi.
Giá thành và hiệu năng ưu thế hơn
Xét ở yếu tố giá thành, các sản phẩm quân sự của Nga luôn rẻ hơn, thậm chí nhiều lần so với sản phẩm cùng phân khúc của Mỹ.
Có rất nhiều ví dụ minh chứng cho điều này như: Xe tăng T-90 chỉ có giá 2-4 triệu USD, trong khi đó dòng xe tăng Abrams xuất khẩu lên tới hơn 5 triệu USD hoặc hơn nữa hay giá thành của mỗi tổ hợp S-400 Triumf vào khoảng hơn 500 triệu USD, còn PAC-3 Patriot có giá không dưới 1 tỷ USD…
Nga là đối tác cung cấp cho Ấn Độ nhiều loại xe tăng hiện đại như T-90S, T-90MS,...
Đây chính là một trong những điều kiện quan trọng làm nên lợi thế của vũ khí Nga trên thị trường vũ khí quốc tế. Ngoài ra, Moscow còn tạo điều kiện cho bên mua hàng khả năng thanh toán linh hoạt, thậm chí là cho vay tài chính hoặc bằng các sản phẩm thế mạnh của quốc gia nhập khẩu.
Không chỉ có giá thành cạnh tranh, vũ khí Nga còn có tính năng ưu việt, phù hợp với điều kiện khí hậu rất tốt trong tầm giá. Khi nói về vũ khí Liên Xô và Nga, một trong những yếu tố có thể nói đến là dã chiến, dễ sửa chữa và khả năng tác chiến đã được kiểm chứng trên chiến trường.
Mọi nghi ngại về khả năng tác chiến của vũ khí Nga gần đây đã bị xóa tan với những màn thể hiện ấn tượng ở chiến trường Syria.
Khả năng sống sót cao của xe tăng T-90, hiệu suất tác chiến cao của máy bay Su-34, Su-35S và Su-30SM hay S-400 đã làm nhiều quốc gia trước đây còn nghi ngại quyết tâm đặt mua vũ khí Nga.
Không khó để thống kê hiện trên thế giới đã có tới 13 quốc gia đặt mua tổ hợp S-400 và con số này sẽ còn tăng thêm trong thời gian sắp tới. Tại sao Ấn Độ, Morocco, Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập… lại bất chấp sức ép từ Mỹ để mua S-400?
Tên lửa phòng không S-400 Nga ngày càng đắt khách.
Câu trả lời đơn giản về mặt kỹ thuật là S-400 là tổ hợp vũ khí phòng không toàn diện, Mỹ và phương Tây không có sản phẩm nào có khả năng cạnh tranh.
Những màn thể hiện không mấy ấn tượng của tổ hợp vũ khí phòng không tỷ đô tại Saudi Arabia hay nhiều vụ tai nạn bắn nhầm đồng đội trong quá khứ của Patriot đã khiến nó không thể nào cạnh tranh lại với S-400.
Bản thân giới chức quân sự Mỹ cũng đánh giá cao S-400, khi nhận xét sự phổ biến của tổ hợp vũ khí phòng không Nga sẽ đe dọa tới hiệu quả tác chiến của máy bay chiến đấu tàng hình F-22 hay F-35 trong tương lai.
Chuyên gia quân sự Mỹ Kevin Brand nhận xét về S-400: "Đây là tổ hợp có thể sử dụng nhiều loại đạn tên lửa, gồm tên lửa tầm xa, tầm trung và thậm chí cả tầm ngắn tùy vào nhu cầu của quốc gia sở hữu".
Điều này cũng tương tự với xe tăng T-90 hay các dòng tên lửa bờ đối hải…
Bên cạnh đó, một yếu tố không thể bỏ qua là Nga sẵn sàng chia sẻ công nghệ sản xuất vũ khí, kể cả vũ khí tiên tiến với các quốc gia có nhu cầu trên cơ sở phân chia giá trị tài chính và công nghệ.
Yếu tố này giúp giải thích một phần việc tại sao Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ hay Algeria với nguồn ngân sách dồi dào vẫn chọn mua vũ khí Nga, cái cốt lõi là họ được tiếp cận công nghệ nguồn tân tiến và cơ hội chuyển hóa chúng vào các sản phẩm vũ khí nội địa trong tương lai.
Có ít nhất 13 quốc gia đã và đang bày tỏ sự quan tâm lớn tới việc mua tên lửa S-400 Nga.
Không ràng buộc về chính trị
Một trong những thế mạnh xuất khẩu vũ khí của Nga chính là việc không ràng buộc cái yếu tố chính trị. Điều này trái ngược với các hợp đồng vũ khí của Mỹ và phương Tây.
Có thể lấy ví dụ rõ ràng khi Thổ Nhĩ Kỳ không thể nhập phụ tùng cho xe tăng Leopard-2 hay Ai Cập với dây chuyền lắp ráp máy bay chiến đấu F-16 Fighting Falcon, xe tăng M1A1 Abrams… hay nguồn cung vũ khí cho Saudi Arabia bị gián đoạn do lệnh cấm từ châu Âu.
Không một quốc gia nào mong muốn tiềm lực quốc phòng bị tổn hại hay suy yếu bởi những quyết định từ đâu đó trên thế giới. Và điều này sẽ không xảy ra với nguồn vũ khí từ Nga.
Không những thế, vũ khí Nga còn mang lại những lợi chính trị rõ ràng hơn cả tính năng kỹ thuật mà nó mang lại.
Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập đã đa dạng hóa được nguồn cung vũ khí, trang bị quân sự, giảm sự lệ thuộc, cũng nhưu gây sức ép lên Mỹ và phương Tây phải chia sẻ các loại vũ khí hiện đại nhất; củng cố quan hệ với Nga, cường quốc đang khôi phục ảnh hưởng tại Cận Đông cũng mang lại những lợi ích chính trị đáng kể trong khu vực.
Đối với Ấn Độ, sau những lần hợp tác bất thành với Mỹ và phương Tây, New Delhi cũng nhận ra rằng, Nga chính là nguồn cung cấp công nghệ quân sự hàng đầu cho nước này.
Đồ họa mô phỏng tiêm kích FGFA dành cho Ấn Độ.
Minh chứng rõ ràng nhất là sự thắt chặt quan hệ giữa hai bên với hợp đồng cung cấp S-400, nâng cấp xe tăng T-90 và có thể nối lại chương trình phát triển máy bay chiến đấu thế hệ mới FGFA.
Bản thân Mỹ, khi nhận ra rằng các đối tác mua vũ khí truyền thống chuyển sang mua vũ khí Nga cũng đang phải tìm cách thích nghi.
Những "trường hợp ngoại lệ" của Đạo luật Chống các đối thủ Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA) như Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập đã chứng minh điều đó.
Phương thức mua hàng cùng lúc của cả Nga và Mỹ để tránh bị áp dụng CAATSA là quy chế Washington đang áp dụng cho Ấn Độ và có thể mở rộng cho nhiều đối tác khác.
Hợp đồng Nga xuất khẩu tên lửa S-400 cho Ấn Độ đã chính thức có hiệu lực.