Tại sao phương Tây khiếp sợ tác chiến điện tử của Nga?

Trung Phạm |

Phương Tây vẫn không tin rằng trong 10 năm qua, việc Nga sử dụng các thiết bị tác chiến điện tử ở Georgia năm 2008 và ở Syria năm 2018 đã thực sự làm thay đổi hoàn toàn tình hình.

Những cỗ máy tác chiến điện tử "siêu đẳng" của Nga

Kể từ khi tiến hành chương trình cải cách các Lực lượng Vũ trang Nga vào cuối năm 2008 cho đến nay, Moscow đã phát triển một năng lực quân sự thông thường rất đáng nể. Trong số những bước tiến vượt bậc này phải kể tới khả năng tác chiến điện tử (EW) của Nga.

Ví dụ sinh động nhất minh chứng cho khả năng này chính là những gì Nga đã thực hiện trong cuộc xung đột với Georgia vào tháng 8/2008 và chiến dịch quân sự ở Syria từ tháng 9/2015.

Bên cạnh đó, những tiến bộ về phát triển công nghệ máy bay không người lái (UAV) và các cuộc tập trận chiến thuật không quân, lục quân gần đây ở Quân khu Trung tâm và Quân khu miền Đông cũng đã thể hiện rất rõ năng lực tác chiến điện tử của Nga.

Đại tá đã nghỉ hưu Anatoly Tsyganok, thành viên của Trung tâm Nghiên cứu Chính trị - Quân sự Nga đánh giá: "Phát động một cuộc chiến tranh mà không kiểm soát được phổ điện từ là đồng nghĩa với thất bại".

Ôn Tsyganok cũng cho biết thêm: "Phương Tây vẫn không tin rằng trong 10 năm qua, việc Nga sử dụng các thiết bị tác chiến điện tử trong cuộc chiến ở Georgia năm 2008 và ở Syria năm 2018 đã thực sự thay đổi hoàn toàn tình hình".

Tuy nhiên, Đại tá Tsyganok nhấn mạnh rằng: "Nga sẽ không tiết lộ đầy đủ các khả năng tác chiến điện tử của mình (cả tấn công và phòng thủ) để kẻ thù không thể nhận thức được hết khả năng đó".

Tại sao phương Tây khiếp sợ tác chiến điện tử của Nga? - Ảnh 1.

Hệ thống tác chiến điện tử Palantin EW. Ảnh: BQP Nga

Theo tiết lộ của Đại tá Tsyganok, việc Nga sử dụng nghệ thuật tác chiến điện tử để hỗ trợ cho các chiến dịch quân sự ở Syria đã phát huy được hiệu quả rất cao, nhất là vai trò của một số phương tiện tác chiến điện tử chủ đạo mà Quân đội Nga đã sử dụng.

Trước hết phải kể tới dòng máy bay trinh sát, tình báo và do thám (ISR) Tu-214R. Đây là phương tiện chỉ được Nga triển khai thực hiện nhiệm vụ trong một thời gian khá ngắn vào tháng 2/2016.

Tu-214R mang theo các thiết bị EW để do thám và chế áp sóng vô tuyến, có khả năng chặn thu và gây nhiễu nhiều dạng tín hiệu radio, từ điện thoại di động cho tới các hệ thống radar và EW đặt trên mặt đất hay trên máy bay.

Ngoài ra, các máy bay trinh sát Il-20M1 và máy bay ném bom Su-34, khi được biên chế tổ hợp tác chiến điện tử Khibiny, chúng có thể can thiệp được cả các máy bay trang bị radar tầm xa.

Thời kỳ đầu phát động chiến dịch quân sự ở Syria, Nga đã thiết lập tại đây một hệ thống tình báo điện tử rộng lớn có khả năng quét sóng vô tuyến từ những phương tiện chiến đấu của khủng bố và phiến quân.

Tại sao phương Tây khiếp sợ tác chiến điện tử của Nga? - Ảnh 2.

Với thiết bị gây nhiễu điện thoại di động, các UAV của Nga có thể can thiệp hệ thống thông tin đối phương từ khoảng cách 135 dặm. Ảnh: BQP Nga

Syria - môi trường tác chiến điện tử "hung hăng nhất hành tinh"!

Đại tá Tsyganok cũng đặc biệt nhấn mạnh tới việc triển khai các hệ thống tác chiến điện tử Krasnukuk-4 ở Syria, loại được thiết kế để chế áp radar máy bay và máy bay không người lái.

Krasnoyha-4 có khả năng ngăn chặn đối tượng được bảo vệ không bị phát hiện bởi radar đối phương ở phạm vi từ 150 -300 km, đồng thời cũng có thể gây thiệt hại cho các phương tiện liên lạc và EW của đối phương.

Bằng cách kết hợp nhiều hệ thống EW khác nhau với các tổ hợp phòng không như Pantsir-S1, Quân đội Nga đã đánh trả hiệu quả các đợt tấn công bằng máy bay không người lái của đối phương ở Syria. Chỉ tính riêng trong năm 2019, Nga đã đánh chặn được 54 UAV của kẻ thù.

Gần đây, một cuộc tập trận cấp chiến thuật với sự tham gia của các lực lượng tác chiến điện tử ở Buryatia thuộc Quân khu miền Đông, Nga đã sử dụng tổ hợp Borisoglebsk-2 hiện đại để thực hiện các cuộc tấn công điện tử phức tạp vào các trung tâm chỉ huy và kiểm soát (C2) của một kẻ thù giả định.

Các đơn vị EW Nga được cho là đã sử dụng một hình thức tác chiến điện tử mới, chế áp các kênh liên lạc, chuyển tiếp vô tuyến và thông tin vệ tinh, trong đó có cả các kênh điều khiển và truyền dữ liệu của máy bay trinh sát và tấn công không người lái.

Mặc dù nhiều tiến bộ của Nga trong lĩnh vực tác chiến điện tử thuần túy dựa trên các hệ thống kể trên đã được nghiên cứu và phát triển từ thời Liên Xô nhưng chính Syria đã tạo cơ hội để Moscow thử nghiệm các vũ khí EW.

Đánh giá một cách tổng quan, Đại tá Tsyganok cho rằng EW sẽ đóng một vai trò rất quan trọng trong chiến tranh hiện đại. Ông ủng hộ việc phát triển khả năng tác chiến điện tử bí mật hoặc tàng hình kết hợp với xâm nhập không phận đối phương và thực hiện các hoạt động EW ở khoảng cách ngắn.

Nhiều thông tin cho thấy, Nga đã sử dụng các hệ thống tác chiến điện tử của mình để theo dõi và chế áp hoạt động của liên minh quân sự chống khủng bố IS do Mỹ đứng đầu ở Syria.

Đại tá Brian Sullivan, Chỉ huy Nhóm tác chiến Lữ đoàn Số 3, Sư đoàn Sơn cước Số 10 của Mỹ từng cho biết, đơn vị của ông phải đối diện với "một môi trường tác chiến điện tử dày đặc" khi triển khai ở miền Bắc Syria thời gian từ tháng 9/2017 đến tháng 8/2018.

Còn Tướng Raymond Thomas, Chỉ huy Bộ tư lệnh Các chiến dịch Đặc biệt (SOCOM) cũng đã phải thốt lên hồi tháng 4/2018 rằng "Mỹ đang hoạt động ở môi trường tác chiến điện tử hung hăng nhất hành tinh" và rằng "kẻ thù kiểm tra chúng ta hàng ngày bằng cách khóa hệ thống thông tin, vô hiệu hóa hoạt động của các máy bay trinh sát EC-130" ở Syria.

Những tuyên bố trên phần nào đó cho thấy mức độ nghiêm trọng từ mối đe dọa về khả năng tác chiến điện tử mà Nga triển khai tại Syria.

Video giới thiệu khả năng tác chiến điện tử của Nga

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại