Trung Quốc phô diễn sức mạnh quân sự
Trung Quốc dường như vừa khiến thế giới "thức tỉnh" bằng màn phô diễn sức mạnh quân sự được đánh giá là lớn nhất trong lịch sử nhân lễ kỷ niệm 70 năm ngày quốc khánh.
Cuộc duyệt binh hoành tráng là bằng chứng cho thấy rõ một mối đe dọa nghiêm trọng mà Trung Quốc đang đặt ra không chỉ với các nước láng giềng châu Á mà còn đối với chính nước Mỹ.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chủ trì buổi lễ duyệt binh với ý đồ rõ ràng nhằm biểu dương sức mạnh quân sự bằng tuyên bố "không một lực lượng nào có thể làm lung lay vị thế của quốc gia vĩ đại này".
Theo đánh giá của một số chuyên gia quốc phòng - quân sự, những vũ khí mà Trung Quốc đem ra giới thiệu ngày 1/10 vừa qua bộc lộ mối đe dọa với Mỹ lớn hơn rất nhiều so với những gì Triều Tiên từng thể hiện và có thể ngang ngửa với thách thức đến từ Nga.
Bảng danh sách các vũ khí thu hút sự chú ý đặc biệt xuất hiện trong lễ kỷ niệm 70 năm ngày quốc khánh của Trung Quốc gồm có:
Tên lửa Dong Feng 17 (DF-17), loại phương tiện phóng lướt siêu vượt âm có thể phóng đi nhiều đầu đạn phân hướng độc lập (MIRV) tấn công mục tiêu rất khó phát hiện và đánh chặn. Một số nhà phân tích gọi đây là mối đe dọa tới sự ổn định trong khu vực vì tốc độ của DF-17 khiến đối phương có rất ít thời gian để xác định xem có đáp trả bằng vũ khí hạt nhân hay không.
Hay như tên lửa đạn đạo liên lục địa Dong Feng 41 (DF-41) có tầm bắn 9.300 và cũng là loại vũ khí tấn công xa nhất của Trung Quốc đủ sức vươn tới nước Mỹ lục địa trong vòng 30 phút.
Tên lửa đạn đạo DF-17 trong lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm ngày quốc khánh Trung Quốc hôm 1/10/2019. Ảnh: AP
Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng đã cho trình diễn loại tên lửa chiến lược phóng từ tàu ngầm JL-2, loại vũ khí tiêu chuẩn trang bị cho các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của nước này, cũng như tên lửa hành trình CJ-100.
Ngoài ra, Trung Quốc còn phô diễn 2 phiên bản tên lửa mà nhiều chuyên gia quốc phòng gọi đó là những "sát thủ tàu sân bay": DF-21D và DF-26.
Dòng tên lửa này có thể giúp Trung Quốc đạt được sức mạnh thách thức thế cân bằng quyền lực ở châu Á bằng cách biến các nhóm tác chiến tàu sân bay cũng như nhiều loại tàu chiến hải quân khác của Hải quân Mỹ thành "những vũ khí lỗi thời".
Nếu xung đột bùng phát, Trung Quốc có thể sử dụng số tên lửa "sát thủ tàu sân bay" cho đòn tấn công đầu tiên. Phóng đi từ khoảng cách 1.900 dặm, các tên lửa DF-21D và DF-26 có thể bay ở vận tốc gấp 20 lần tốc độ âm thanh, tấn công mục tiêu bằng một sức mạnh hủy diệt.
Nhờ tốc độ di chuyển nhanh lại có khả năng cơ động tránh được các hệ thống đánh chặn của Mỹ, số tên lửa này của Trung Quốc có thể đánh chìm các tàu chiến Hải quân Mỹ đang tuần tra ở tận quần đảo Guam.
Ngay cả khi chưa cần tấn công thì những tên lửa với sức mạnh như vậy mà Trung Quốc đang sở hữu cũng có một tác động vô cùng to lớn bởi chúng có thể đóng vai trò như công cụ răn đe buộc các tàu chiến Mỹ phải tránh xa bờ biển Trung Quốc cũng như những khu vực tranh chấp như Biển Đông hay Eo biển Đài Loan.
Nhờ vậy, rất có thể Bắc Kinh sẽ giành chiến thắng trong một cuộc xung đột tương lai bằng cách không để cho Washington tới trợ giúp cho đồng minh trong trường hợp cần thiết.
Tên lửa hiện đại nhất Trung Quốc cũng sẽ bị TT Trump "đánh tan nát"?
Tuy nhiên, mọi việc đâu đơn giản như thế! Tin tức tốt lành là chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump hiện nay đã hiểu và nắm bắt được rất rõ mối đe dọa quân sự đang ngày càng gia tăng từ Trung Quốc và đã triển khai các kế hoạch mạnh mẽ để bảo vệ lợi ích của Mỹ cũng như đồng minh, đối tác thân cận ở khu vực châu Á.
Một ví dụ rõ ràng nhất dễ nhận thấy là Tổng thống Trump đã quyết định rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF), một thỏa thuận Mỹ ký trước đây với Nga nhưng đồng thời cũng là rào cản để Washington phát triển các tên lửa nhằm đối phó với Trung Quốc.
Tên lửa hành trình theo cấu hình thông thường phóng từ mặt đất rời bệ phóng trên đảo San Nicolas ở ngoài khơi bờ biển California ngày 18//8/2019. Ảnh: BQP Mỹ
Trên thực tế, Mỹ đã và đang thử nghiệm các hệ thống tên lửa mới hoàn toàn có khả năng đánh bại Trung Quốc trong một cuộc xung đột tiềm ẩn.
Chưa hết, Tổng thống Trump còn gia tăng chi tiêu ngân sách quân sự, đảo ngược những khoản cắt giảm nghiêm trọng dưới thời chính quyền Barack Obama tiền nhiệm.
Thêm nữa, Washington cũng đang tập trung phát triển các thế hệ tàu ngầm vũ trang tên lửa đạn đạo và tấn công mới để đảm bảo rằng tất cả các đồng minh của Mỹ có được sự bảo vệ và đáp trả một khi bị Trung Quốc tấn công.
Một "đòn hiểm" khác không thể không kể tới đó chính là cuộc chiến tranh thương mại hiện nay do chính quyền Donald Trump phát động nhằm làm cho sự trỗi dậy quân sự của Trung Quốc sẽ phải chịu tác động rất lớn từ sự sụt giảm tăng trưởng kinh tế.
Trước khi Tổng thống Trump lên nắm quyền, ở châu Á có một thông lệ cho rằng sự trỗi dậy về kinh tế của Trung Quốc là không thể đánh chặn và rằng thương mại không công bằng chỉ là thứ gì đó mà người ta phải chấp nhận khi muốn làm ăn với Trung Quốc.
Thế nhưng, quan niệm trên đã không còn chỗ đứng khi chính quyền Donald Trump tỏ rõ quyết tâm chống lại các thỏa thuận thương mại không công bằng và không cho phép Trung Quốc lợi dụng các chính sách thương mại dạng này để "đỡ đầu" cho các tham vọng quân sự của mình.
Cận cảnh lực lượng tên lửa chiến lược Trung Quốc trong lễ duyệt binh kỷ niệm 70 Quốc khánh nước này.