Tại sao không nên phun hóa chất khử khuẩn? Nhóm chuyên gia chỉ ra 4 lý do và đề xuất phương pháp thay thế hiệu quả hơn

Nhóm nghiên cứu chống dịch COVID toàn cầu |

Theo các chứng cứ khoa học hiện nay, so với phương pháp phun xịt thì lau khử khuẩn hiệu quả diệt khuẩn cao hơn và an toàn hơn, theo nhóm chuyên gia.

Phun khử khuẩn tại Hà Nội.

Phun khử khuẩn tại Hà Nội.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 đã và đang diễn tiến phức tạp, việc thực hành phương pháp khử khuẩn như thế nào là an toàn và hiệu quả được xem là một mối quan tâm lớn. Hai phương pháp được đặc biệt chú ý là phương pháp làm sạch và lau chùi khử khuẩn, và phương pháp phun sương hóa chất khử khuẩn. Cả hai phương pháp này đều đang được Việt Nam và các nước trên thế giới sử dụng trong chiến dịch phòng chống sự lây nhiễm COVID-19.

Việc chọn lựa phương pháp nào dựa vào chủ yếu 2 yếu tố là tính hiệu quả của của phương pháp và cân nhắc về vấn đề sức khỏe và an toàn. Trong đó, tính hiệu quả của phương pháp tùy thuộc vào 4 yếu tố: hóa chất sử dụng, nồng độ, thời gian tiếp xúc và độ che phủ.

Trên thế giới, các nước như Hàn Quốc và Italy đã từng tổ chức những đoàn xe xịt hoá chất khử khuẩn, nhưng sau đó họ phải sớm bỏ chiến dịch này vì không hiệu quả mà tốn tiền. Các nước như Anh, Australia, Mỹ, và châu Âu và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) cũng đều không khuyến cáo việc này.

Giáo sư Y khoa Nguyễn Văn Tuấn tại Đại học New South Wales cũng đã từng viết một bài bàn luận về tính không hiệu quả của phương pháp phun hóa chất khử khuẩn.

Tại Việt Nam, biện pháp phòng dịch này cũng ghi nhận nhiều quan điểm trái chiều từ các chuyên gia và người dân kể từ ngày áp dụng - gần 2 năm từ khi Việt Nam xuất hiện làn sóng dịch COVID-19 đầu tiên. Đến đợt dịch thứ 4 này (từ ngày 27/4/2021), chúng ta lại chứng kiến việc triển khai biện pháp này mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Từ cuối tháng 7, TP HCM đã đẩy nhanh tốc độ phun khử khuẩn trong cộng đồng nhằm hạn chế sự lây nhiễm dịch bệnh COVID-19. Không chỉ tại TP HCM, nhiều địa phương trên cả nước cũng tiến hành việc phun khử khuẩn như một biện pháp nhằm ngăn chặn diễn biến xấu của tình hình dịch bệnh.

Nhưng vào ngày 02/08/2021, Bộ Y tế đã ban hành quyết định số 6212/BYT-MT về việc vệ sinh khử khuẩn phòng, chống dịch COVID-19. Trong đó, quy định rõ không thực hiện phun hóa chất, chế phẩm diệt vi khuẩn để diệt vi rút SARS-CoV-2 tại những khu vực ngoài trời và cũng không phun trực tiếp vào người hoặc sử dụng buồng khử khuẩn phun hóa chất. Việc Bộ Y tế ban hành quyết định cụ thể về việc ngừng phun khử khuẩn thể hiện sự học hỏi kinh nghiệm từ các nước trên thế giới cũng như sự tiếp nhận ý kiến từ các chuyên gia trong ngành Y tế.

Tại sao không nên phun hóa chất khử khuẩn? Nhóm chuyên gia chỉ ra 4 lý do và đề xuất phương pháp thay thế hiệu quả hơn - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Tại sao không nên sử dụng phương pháp phun hóa chất khử khuẩn?

Thứ nhất, theo tổ chức y tế thế giới (WHO), đường phố, vỉa hè không phải là nơi chứa vi-rút SARS-CoV-2. Phần lớn các ca lây nhiễm xảy ra trong nhà chứ không phải ngoài trời. Một tổng quan về nơi lây nhiễm công bố trên tập san Journal of Infectious Diseases hôm 24/2/2021 cho thấy tuyệt đại đa số ca lây nhiễm xảy ra trong nhà.

Theo một nghiên cứu được thực hiện tại Trung Quốc, tỷ lệ lây nhiễm trong nhà là 7322/7324, còn lây nhiễm ngoài trời chỉ 2/7324.

Hay ở một nghiên cứu khác, nguy cơ lây truyền SARS-CoV-2 thấp hơn ở môi trường ngoài trời và tỷ lệ lây truyền trong nhà cao hơn (18,7 lần) so với lây truyền ngoài trời.

Thứ hai, virus lây truyền qua những giọt bắn từ người sang người.

Virus đi ra theo các dịch tiết từ đường hô hấp của bệnh nhân. Khi người đó ho, hắt hơi tạo thành những giọt bắn li ti trong không khí, lơ lửng trong môi trường kín xung quanh vài ba tiếng. Ngoài ra, nó có thể lắng đọng lên các bề mặt xung quanh, hoặc từ tay bệnh nhân 2-3 ngày; hoặc ở trên các vật dụng trong nhà có thể đến 9 ngày.

Tùy thuộc vào điều kiện nhiệt độ thì thời gian sống của vi rút sẽ có sự thay đổi. Theo đó, việc lây nhiễm xảy ra nếu chúng ta chạm vào các vật dụng này mà không rửa tay sau đó, rồi vô tình đưa vào miệng, lên mắt, mũi.

Chính vì vậy, WHO không khuyến cáo sử dụng phương pháp phun khử trùng trong bất kì tình huống nào. Áp dụng phương pháp này không giúp làm giảm khả năng lây lan vi rút của người bị bệnh qua các giọt nhỏ li ti hoặc qua tiếp xúc. Ngay cả khi ai đó bị nhiễm COVID-19 đã được phun khử khuẩn, nhưng khi họ bắt đầu nói, ho hoặc hắt hơi, họ vẫn có thể lây lan vi rút.

Thứ ba, cũng theo WHO, việc sử dụng phương pháp phun khử khuẩn lên các bề mặt môi trường cũng có thể bỏ sót các bề mặt được che chắn bởi đồ vật, vải gấp hoặc bề mặt có thiết kế phức tạp. Trong những trường hợp này, việc thực hiện khử khuẩn nên được thực hiện bằng một miếng vải hoặc khăn lau đã ngâm trong chất khử trùng.

Thứ tư, việc sử dụng hóa chất gây hại cho con người. Trong Quyết định 5188/QĐ-BYT của Bộ Y tế về "Hướng dẫn phòng và kiểm soát lây nhiễm SARS-COV-2 trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh" có nêu việc sử dụng Cloramin B làm chất khử khuẩn.

Cloramin B là chất tạo ra Clo hoạt tính khi pha với nước. Hàm lượng Clo cần phải có để khử khuẩn là từ 500mg/L trở lên. Tuy nhiên, hàm lượng Clo gây kích thích hệ hô hấp là 1-5mg/L trong không khí.

Theo một nghiên cứu được thực hiện ở Lithuania với mục đích ước tính nồng độ hóa chất khử trùng trong môi trường lao động, trong quá trình khử trùng và 20-30 phút sau khi khử trùng, nồng độ thiết lập của chất khử trùng được thử nghiệm vượt quá nồng độ tối đa có thể chấp nhận. Bên cạnh đó, WHO và Trung tâm kiểm soát Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) cũng đã chỉ ra rằng phương pháp phun khử trùng có thể gây hại về mặt thể chất và tâm lý.

Tác động độc hại của việc phun hóa chất đối với cá nhân có thể dẫn đến kích ứng mắt và da, co thắt phế quản do hít phải, và các tác dụng tiêu hóa có thể xảy ra như buồn nôn và nôn. Đồng thời, việc này cũng làm lãng phí các nguồn tài nguyên quan trọng trong phòng chống dịch hay trong những tình huống cấp bách khác, và cũng có thể gây hại đến môi trường.

Thay vì phun xịt nơi công cộng, chúng ta phải làm gì để phòng chống dịch?

Lau chùi khử khuẩn

Theo các chứng cứ khoa học hiện nay, so với phương pháp phun xịt thì lau khử khuẩn hiệu quả diệt khuẩn cao hơn và an toàn hơn. Do đó, chúng tôi đề nghị Ban phòng chống dịch chính phủ và Bộ Y tế (BYT) ban hành hướng dẫn lau khử khuẩn của chúng tôi cho các ban chống dịch địa phương.

Tháng 9/2020, CDC đã đưa ra một hướng dẫn chi tiết về việc làm sạch và khử khuẩn ở các khu vực cộng đồng, địa điểm làm việc, kinh doanh, trường học và nhà ở. Theo đó, thường xuyên lau rửa thông thường bằng xà phòng và nước sẽ làm giảm lượng vi-rút trên bề mặt và đồ vật, làm giảm nguy cơ phơi nhiễm.

Nếu sử dụng các hóa chất khử khuẩn, các hóa chất này phải được BYT phê chuẩn trong phòng chống dịch COVID-19. Nếu không có hóa chất khử khuẩn theo BYT, có thể dùng chất khử khuẩn thay thế như sau: 1/3 cốc thuốc tẩy pha với khoảng 3,7 lít nước hoặc dung dịch cồn 70%. Điều quan trọng là phải thường xuyên khử trùng các bề mặt và đồ vật bị nhiều người chạm vào (như tay nắm cửa, bàn, công tắc đèn, nhà vệ sinh…). Việc lau chùi khử khuẩn này cũng đã và đang được áp dụng tại các nước châu Âu, Mỹ, Úc…

Ngoài lau chùi khử khuẩn, chúng ta cũng cần thực hiện các biện pháp phòng chống dịch khác:

Thứ nhất, thực hành giãn cách xã hội, đeo khẩu trang và tuân thủ các biện pháp vệ sinh phòng ngừa đúng cách, như rửa tay thường xuyên và sử dụng dung dịch sát trùng tay chứa cồn (chứa ít nhất 60% cồn) nếu không có xà phòng và nước. Hạn chế tập trung nơi đông người, tụ họp, thường xuyên rửa tay, sát khuẩn mỗi khi ra ngoài.

Thứ hai, thường xuyên mở cửa sổ, cửa thông thoáng khí, có thể sử dụng quạt (nếu ở một mình). Sử dụng bộ lọc HEPA đúng cách (nếu cần thiết).

Lưu ý: Không sử dụng điều hòa.

Thứ ba, tuân theo các khuyến cáo của BYT về việc giao nhận hàng hóa, cũng như khi tham gia ăn uống, vui chơi tại các nhà hàng, trung tâm thương mại.

Nhóm tác giả:

BS Lê Thị Bích Trang ( Khoa Y, Đại học Y Dược TP HCM, TP HCM)

Hoàng Thủy Tiên (Khoa Dược, Đại học Kỹ thuật Y – Dược Đà Nẵng, Đà Nẵng)

Triệu Đức Thảo My (Khoa Y, Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, TP HCM)

Lê Hữu Hiếu (Khoa Y, Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, TP HCM)

TS. Trần Thị Thùy Linh (Viện Nghiên cứu Khoa học Cơ bản và Ứng dụng, Đại học Duy Tân, TP HCM)

PGS.TS.BS Nguyễn Tiến Huy (Khoa Y, Trường Bệnh Nhiệt Đới và Sức Khỏe Toàn Cầu, Đại học Nagasaki, Nhật Bản)

Tài liệu tham khảo:

https://vnexpress.net/khu-khuan-trong-nha-4335176.html?fbclid=IwAR2hQhJ-Z0tdg5ueHh5r2oV2KpvPh3KWPiJXh6HZ0LGkBzYr4S3HArfaJoM

https://covid19.gov.vn/quan-doi-khu-khuan-toan-sai-gon-quy-mo-lon-nhat-tu-truoc-den-nay-1717420279.htm

https://cand.com.vn/Xa-hoi/Dai-ta-Tu-Minh-Son-Neu-phun-khu-khuan-khong-co-tac-dung-thi-chung-toi-thuc-hien-lam-gi-i621592/?fbclid=IwAR0dfPFldxndaYPZZeW7R_R3E5hQs4nxIG9fu4gT9MYngqM71hIu0h7R-zw

https://emoh.moh.gov.vn/publish/attach/getfile/408517

https://onlinelibrary.wiley.com/doi/full/10.1111/ina.12766?fbclid=IwAR0T4X3Ss2L1f1l9TcSOHIb4vw-v4RPTMfG9XgdBL6Fh1vo15qNT31Iu3Cc

https://vnexpress.net/khu-khuan-trong-nha-4335176.html?fbclid=IwAR2hQhJ-Z0tdg5ueHh5r2oV2KpvPh3KWPiJXh6HZ0LGkBzYr4S3HArfaJoM

https://esnetwork.ca/briefings/indoor-versus-outdoor-transmission-of-covid-19/

https://www.who.int/emergencies/diseases/novel-coronavirus-2019/question-and-answers-hub/q-a-detail/coronavirus-disease-covid-19-how-is-it-transmitted

https://www.researchgate.net/publication/287690878_Allergy_to_chemical_disinfectants_of_medical_staff_handling_disinfection_in_the_operating_theatres_of_hospitals_in_Lithuania?fbclid=IwAR19t47E-xlYn3Idj3wwruR9WEzWv4k0ZsiQNZAIoZzvQOHvQwp3TKlxOI0

https://www.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/php/eh-practitioners/sprayers.html

https://www.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/community/pdf/Reopening_America_Guidance.pdf

https://vietnamese.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/prevent-getting-sick/disinfecting-your-home.html?fbclid=IwAR3ADPMFZubeYzgj7dNF0bQgWoZYtpaDpnZw-xV_hS5Kfw98HKp2XT3M1Dc

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại