Tại sao không dỡ bỏ hàng hóa để giải cứu siêu tàu kẹt ở kênh đào Suez?

Trương Mạnh Kiên |

Ever Given đã thoát kẹt ở kênh đào Suez, nhưng tại sao không dỡ bỏ hàng hóa trên tàu ngay từ đầu để giải cứu con tàu dễ dàng hơn?

Ever Given vào ban đêm.

Ever Given vào ban đêm.

Khán giả của Ever Given

Một ngôi làng nhỏ ở Ai Cập đang được ngồi hàng ghế đầu theo dõi “bộ phim” giải cứu con tàu mắc cạn đang chặn dòng giao thương 10 tỷ USD mỗi ngày của thương mại toàn cầu.

Ever Given, con tàu container khổng lồ chắn giữa kênh đào Suez cao ngất ngưởng so với ngôi nhà gạch đầy bụi của bà Umm Gaafar, một cư dân của ngôi làng. Suốt 5 ngày nay, sự ầm ĩ của con tàu khiến cho người ta không thể không tập trung vào nó.

Gaafar nhìn con tàu từ con đường đất gập ghềnh và nghĩ về những đồ vật mà chiếc Ever Given có thể đang chở trong những chiếc thùng container. TV màn hình phẳng? Tủ lạnh cỡ lớn, máy giặt hay quạt trần? Cả bà và những người hàng xóm trong làng Manshiyet Rugola, với dân số 5.000 người, đều không có bất cứ thứ gì như vậy ở nhà.

"Tại sao họ không lấy một trong những thùng chứa đó ra?", Umm Gaafar, 65 tuổi tự đùa với mình. “Có thể có những thứ tốt trong đó. Có lẽ nó đủ nuôi sống cả ngôi làng”.

Ever Given là tàu thuộc sở hữu của Nhật Bản. Việc con tàu mắc kẹt cũng đang liên lụy đến 300 tàu chở hàng khác hiện đang chờ đi qua kênh đào Suez, một trong những huyết mạch vận tải biển quan trọng nhất thế giới.

Xe ô tô kéo, dầu, gia súc, máy tính xách tay, nhiên liệu, kim loại, ngũ cốc, quần áo, giày dép, giấy vệ sinh, đồ chơi, thiết bị y tế và nhiều hơn nữa. Những con tàu này mang hàng hóa đến mọi nơi trên thế giới và kênh đào là con đường nhanh nhất cho chúng đi từ châu Á, Trung Đông đến châu Âu và bờ biển phía Đông của Mỹ.

“Tất cả thương mại bán lẻ toàn cầu đều di chuyển trong các container, không thì cũng 90% trong số đó. Vì vậy, mọi thứ đều bị tác động. Hãy gọi tên bất kỳ thương hiệu nào, và chúng sẽ được dán trên một trong những chiếc thùng trên tàu”, Alan Murphy, người sáng lập Sea-Intelligence, một công ty phân tích và dữ liệu hàng hải cho biết.

Quá trình giải cứu con tàu sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào khả năng của đội cứu hộ, bao gồm dọn sạch cát, bùn, đá nơi Ever Given bị mắc kẹt và giảm tải trọng của con tàu đủ để giúp nó nổi trở lại, trong lúc có sự trợ giúp của tàu kéo.

Các nhà phân tích cho biết cơ hội tốt nhất cho các nỗ lực này là khi thủy triều lên, điều sẽ nâng mực nước của kênh lên khoảng 45cm.

Theo thông tin mới nhất, tàu Ever Given đã được giải cứu thành công hôm 29/3, hiện đang chờ các bước tiếp theo để giúp con tàu lưu thông trở lại.

Tuy nhiên, từ trước khi quá trình giải cứu thành công, đã có những câu hỏi đặt ra là tại sao không giảm tải bớt những chiếc container trên tàu để giúp quá trình giải phóng Ever Given dễ dàng hơn?

Tại sao không dỡ bỏ hàng hóa để giải cứu siêu tàu kẹt ở kênh đào Suez? - Ảnh 2.

Tàu container Ever Given nhìn từ một ngôi làng dọc theo kênh Suez.

Giảm tải container

Khi một con tàu mắc cạn, việc tăng sức nổi để có thể ra khơi đòi hỏi phải giảm tổng trọng lượng hoặc tăng lượng nước xung quanh tàu. Giải pháp thứ hai đã được đội cứu hộ thực hiện bằng cách lấy đi cát (tức là nạo vét), cũng như dựa vào yếu tố tự nhiên như đợi thủy triều lên.

Nhưng với giải pháp thứ nhất sẽ gặp nhiều khó khăn. Với một số phép toán nhanh, WIRED ước tính rằng 25.000 tấn hàng hóa sẽ cần phải được chuyển khỏi Ever Given , hoặc lượng nước tương đương được thêm vào xung quanh con tàu, để nâng nó lên khoảng 1 mét.

Tuy nhiên, mức nổi đó thậm chí là chưa đủ để giúp con tàu được giải phóng, trong khi việc dỡ hàng khỏi tàu là một quá trình chậm chạp và phức tạp.

25.000 tấn hàng hóa tương đương khoảng mười bể bơi Olympic, hoặc ước tính khoảng 600 container.

Về hàng hóa, những thứ dễ lấy ra khỏi tàu nhất là nước và nhiên liệu. Việc dỡ container khó hơn vì cần có cần cẩu cũng như có không gian để triển khai chúng, trong khi không có bất kỳ cơ sở hạ tầng cần thiết nào dọc theo đoạn kênh này.

Trong trường hợp xấu nhất, từng container có thể được nâng lên khỏi tàu bằng máy bay trực thăng, nhưng các quan chức kênh đào hy vọng họ sẽ không phải sử dụng lựa chọn đó .

Chiến lược chính đang được tập trung vào việc tạo thêm không gian cho nước bao quanh con tàu. Chính vì vậy, các tàu nạo vét đã loại bỏ cát và bùn khỏi mũi tàu trong suốt vài ngày qua.

Tính đến cuối tuần vừa rồi, sau 5 ngày mắc kẹt, các tàu nạo vét đã loại bỏ lượng cát tương đương với tám bể bơi Olympic. Ngoài ra, tàu có lượng giãn nước 9.000 tấn đã được tháo ra để giảm trọng lượng.

Khi CSCL Indian Ocean- một con tàu có kích thước tương tự - mắc cạn gần cảng Hamburg vào năm 2016, người ta cũng phải mất gần sáu ngày để thông thương sông Elbe.

“Lý do rất đơn giản, đây là một con tàu rất lớn bởi vậy rắc rối của nó cũng rất lớn”, Richard Meade, tổng biên tập của Lloyd's List, một ấn phẩm tình báo hàng hải có trụ sở tại London, nói.

Các nhà phân tích cho biết, trong trường hợp con tàu tiếp tục mắc kẹt trong tuần này, ngành vận tải biển có thể vẫn linh hoạt được, nhưng chuỗi cung ứng và người tiêu dùng có thể bắt đầu thấy sự bất tiện.

Một số tàu đã quyết định không chờ đợi nữa, quay ra khỏi Suez để đi một chặng đường dài quanh mũi phía Nam của châu Phi, một hành trình có thể kéo dài thêm hàng tuần và tốn thêm 26.000 USD mỗi ngày cho chi phí nhiên liệu.

Nhưng đó là câu chuyện của những công ty kinh doanh hay hãng tàu lớn, còn với những người dân của làng Manshiyet Rugola, được nhìn thấy tàu mắc kẹt và những hoạt động cứu hộ không phải là điều mà họ được thấy thường ngày.

Cho đến trước khi Ever Given xuất hiện, các tháp nhà thờ Hồi giáo là những công trình kiến ​​trúc cao nhất xung quanh ngôi làng.

"Khi sáng lên vào ban đêm, nó giống như tàu Titanic", Nadia, người hàng xóm của bà Umm Gaafar, nói với New York Times.

Dân làng và các nhà phân tích đều có cùng câu hỏi về việc tại sao Ever Given lại rơi vào tình huống oái oăm như vậy. Nhà điều hành con tàu khẳng định vì gió lớn, tuy nhiên các tàu khác trong cùng đoàn đã đi qua mà không xảy ra sự cố. Những con tàu trước đây trong các trận bão cũng vậy.

Ahmad al-Sayed, 19 tuổi, một nhân viên bảo vệ gần ngôi làng cho biết: “Chúng tôi đã thấy những cơn gió tồi tệ hơn, nhưng chưa từng có chuyện như vậy xảy ra trước đây”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại