Tại sao bác sĩ Việt Nam bị hành hung ngày càng nhiều?

TS. Nguyễn Khánh Hòa |

Gần đây, tần suất bạo hành nhân viên y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh ở Việt Nam ngày càng nhiều, có những vụ hết sức nghiêm trọng, thậm chí người nhà bệnh nhân giết chết bác sĩ.

Bạo hành nhân viên y tế là một vấn đề nhức nhối không chỉ ở Việt Nam mà còn xảy ra ở nhiều nước trên thế giới.

Những năm gần đây, tần suất bạo hành nhân viên y tế xảy ra tại các cơ sở khám chữa bệnh ngày càng nhiều, nhiều vụ hết sức nghiêm trọng và đã có trường hợp người nhà bệnh nhân giết chết bác sĩ.

Rõ ràng, tình trạng bạo hành nhân viên y tế ngày càng gia tăng là yếu tố gây tâm lý căng thẳng rất lớn đối với công tác khám chữa bệnh của nhân viên y tế.

Luật bảo vệ sức khỏe nhân dân của Việt Nam cũng đã quy định "Nghiêm cấm hành vi làm tổn hại đến sức khoẻ, tính mạng, danh dự, nhân phẩm của thầy thuốc và nhân viên y tế trong khi đang làm nhiệm vụ".

Tuy nhiên, luật này không ngăn chặn hiệu quả nạn bạo hành nhân viên y tế. Đa số các cơ sở khám chữa bệnh của nhà nước gần như chưa có biện pháp hiệu quả đề phòng cũng như bảo vệ nhân viên y tế tránh được hiện tượng bạo hành.

Tại sao bác sĩ Việt Nam bị hành hung ngày càng nhiều? - Ảnh 1.

1. Thực trạng bạo hành nhân viên y tế tại Việt Nam

Bạo hành nhân viên y tế gồm nhiều hình thức khác nhau từ việc chửi mắng, sỉ nhục đến các hành vi bạo lực, đe dọa sử dụng bạo lực, biểu tình, đòi tiền bồi thường cho đến tống tiền nhân viên y tế.

Tại Việt Nam, hiện tại dường như chưa có nghiên cứu nào công bố cụ thể các hình thức bạo hành, số lượng cũng như nguyên nhân gây nên hiện tượng bạo hành nhân viên y tế.

Tất cả thông tin chỉ được phản ánh bằng một số vụ việc điển hình trên báo chí mà phần lớn người dân đổ lỗi cho nhân viên y tế có cử chỉ, hành vi gây bức xúc cho bệnh nhân cũng như người nhà bệnh nhân.

Có thể kể ra một số vụ việc nghiêm trọng như:

- Tháng 8 năm 2011, bác sĩ Hoàn tại bệnh viện đa khoa huyện Vũ Thư, Thái Bình đã bị em trai bệnh nhân dùng dao bấm đâm tử vong khi đang giải thích cho người nhà bệnh nhân về trường hợp tử vong của thân nhân họ.

- Tháng 8 năm 2015, mẹ của một bệnh nhi đã đánh vào vai một nữ bác sĩ khi đang thăm khám cho con của mình chỉ vì bức xúc do con không được vào viện điều trị vì sốt nhẹ.

- Ngày 5/1 năm 2017, một bác sĩ đang tiến hành kiểm tra vết thương cho bệnh nhân thì bị chính bệnh nhân đó đạp mạnh vào bụng.

Đa số các trường hợp bạo hành nhân viên y tế thường được cho qua, thậm chí còn không bị xử phạt hành chính với lý do gia đình bệnh nhân bức xúc với thái độ của nhân viên y tế. Chỉ khi có hậu quả nặng nề như trường hợp bác sĩ bị đâm chết thì người bạo hành mới bị khởi tố.

Tại sao bác sĩ Việt Nam bị hành hung ngày càng nhiều? - Ảnh 2.

Sau khi bị bạo hành, hầu hết nhân viên y tế cũng không đôi co nhiều và có thể vẫn phải tiếp tục công tác khám, chữa bệnh cho chính bệnh nhân đó hoặc các bệnh nhân khác.

Tôi chưa thấy tổ chức nào thuộc công đoàn, Tổng hội Y học phát biểu hay đưa ra thông cáo nhằm bảo vệ quyền lợi hay ngăn chặn hiện tượng bạo hành.

Bệnh viện, chính quyền hay cơ quan quản lý của Bộ y tế cũng mới quy trách nhiệm cho nhân viên y tế chưa cư xử đúng mực, gây nên bức xúc cho người bệnh và vẫn tiếp tục phát động các phong trào tăng cường y đức, lập đường dây nóng phản ánh bức xúc của bệnh nhân.

Bộ trưởng Bộ Y tế thậm chí còn yêu cầu nhân viên trong ngành phải thực hiện công việc như người làm dịch vụ, phải cúi chào bệnh nhân.

Trong khi đó, nạn bạo hành nhân viên y tế không chỉ xảy ra ở riêng tại Việt Nam và cách ngăn chặn bạo hành của nhiều nước không chỉ nhằm vào việc tăng áp lực cũng như đổ lỗi cho bản thân nhân viên y tế.

2. Bạo hành nhân viên y tế tại một số quốc gia trên thế giới

Ở Mỹ, chỉ trong hai năm (2010-2011), có tới hơn 150 vụ bắn súng trong bệnh viện, 29% xảy ra ở phòng cấp cứu, 28% số nạn nhân là các bác sĩ, điều dưỡng và những nhân viên y tế khác.

Gần đây nhất, tháng 1/2015, một người đàn ông đã vào bệnh viện ở bang Massachusetts và bắn chết bác sĩ phẫu thuật tim, người đã điều trị cho mẹ ông ta và bà đã tử vong trước đó hơn một tháng.

Theo thăm dò của Scientific American năm 2014, 80% điều dưỡng Mỹ báo cáo đã bị bạo hành, dưới dạng đấm, đá, cào, cắn, phun nước miếng, đe dọa và quấy rối.

Tại Canada, nước có nền y tế phát triển và y tế được coi là ngành dịch vụ công với bảo hiểm y tế toàn dân, nạn bạo hành nhân viên y tế cũng xảy ra ở tỉ lệ cao.

Có tới 1/3 nhân viên y tá (29%) làm việc trực tiếp với bệnh nhân ở các phòng khám cấp cứu từng bị bạo hành bằng các hình thức đánh đập, ném đồ vật vào người, 44% từng bị bạo hành về mặt tinh thần (sỉ nhục, chửi mắng hoặc đe dọa).

Thực trạng bạo hành đối với nhân viên y tế của một số nước cho thấy vấn nạn này không chỉ đến do thái độ, hành vi của nhân viên y tế mà còn do các yếu tố tâm lý, bệnh tật của bệnh nhân hoặc của người nhà bệnh nhân.

3. Thiếu hụt tổ chức trung gian hòa giải hay giải quyết mâu thuẫn giữa nhân viên y tế và bệnh nhân

Một trong những hình thức bạo hành đối với nhân viên Y tế hay gặp ở Việt Nam là tình trạng bắt đền.

Dù các bác sĩ đã cố gắng cứu chữa nhưng có thể có sai sót hoặc xảy ra tai biến y khoa, gia đình và người thân của bệnh nhân tìm đủ mọi lý do từ thái độ, hành vi của nhân viên y tế để cố gắng quy kết lỗi lầm cho họ rồi bắt đền.

Có nhiều trường hợp gia đình còn đòi bác sĩ, bệnh viện bồi thường những khoản tiền lớn. Gần đây một bác sĩ bị gia đình bệnh nhân kiện đòi bồi thường 23,6 tỉ do bệnh nhân bị tai biến trong quá trình thực hiện công tác chữa bệnh.

Điều đáng nói chính là không có tổ chức trung gian về chuyên môn cũng như luật pháp đứng ra giải quyết, mà bác sĩ và gia đình bệnh nhân trực tiếp mời luật sư cũng như tham gia quá trình kiện tụng.

Hàng loạt các vụ việc bác sĩ hoặc bệnh viện bị gia đình bệnh nhân vây kín, bắt đền. Đa số các trường hợp bệnh viện phải phối hợp với bác sĩ hoặc bản thân bác sĩ phải tự bỏ tiền ra để đền bù chỉ vì muốn yên ổn mặc dù lỗi lầm không phải hoàn toàn từ phía nhân viên y tế.

Một số trường hợp như bác sĩ Võ Xuân Sơn kể lại còn cố tình tống tiền phòng khám cũng như bác sĩ điều trị khi xảy ra tai biến.

Tại các nước như Mỹ, Australia và Canada, khi xảy ra tai biến y khoa, nhân viên y tế có thể bị xử lý về mặt chuyên môn, có thể bị sa thải, nhưng hoàn toàn được bảo vệ về mặt tài chính cũng như thân thể.

Họ không phải chịu chuyện bị người nhà bệnh nhân bao vây, đuổi đánh hoặc gây áp lực về mặt tinh thần để phải bỏ tiền ra dàn xếp.

Tất cả các mâu thuẫn về mặt bồi thường đều do tổ chức trung gian là các cơ quan bảo hiểm đứng ra thương lượng và giải quyết. Bác sĩ và bệnh nhân hoặc gia đình của bệnh nhân không phải tiếp xúc với nhau.

Nếu phải xảy ra kiện tụng, nhân viên y tế cũng chỉ phải có trách nhiệm phục tùng yêu cầu của tòa án. Bên cạnh đó, hiệp hội nghề nghiệp và công đoàn cũng là các tổ chức bảo vệ quyền lợi của nhân viên y tế trong cả trường hợp bị bạo hành lẫn khi xảy ra sai sót dẫn tới kiện tụng.

Công đoàn và hiệp hội nghề nghiệp sẽ là những nhân tố đại diện cho nhân viên y tế tham gia vào quá trình kiện tụng tại tòa án.

Tại sao bác sĩ Việt Nam bị hành hung ngày càng nhiều? - Ảnh 3.

4. Thiếu hụt các biện pháp phòng chống bạo hành nhân viên y tế tại Việt Nam

Tại Canada, chỉ 1 vụ bạo hành gây thương tích cho nhân viên Y tế tại một bệnh viện thuộc bang Bristish Columbia, chính quyền bang đã ngay lập tức đầu tư 2 triệu USD để nâng cấp hệ thống bảo vệ nhân viên y tế bao gồm xây dựng phòng cách ly, cải tiến hệ thống cửa, chuông báo động, tăng cường nhân viên bảo vệ.

Chính vì vậy, rất hiếm có hiện tượng bạo hành gây thương tích nặng hoặc chết người cho nhân viên y tế ở Canada mà chủ yếu là các vụ bạo hành mang tính chất chửi bới, sỉ nhục y, bác sĩ.

Và đương nhiên, để ngăn chặn các hành vi này xảy ra, tất cả các nhân viên y tế được đều hướng dẫn về cách hành xử, dấu hiệu dẫn tới bạo hành phương thức xử lý để tránh các tình huống như vậy một cách thành thục.

Đây cũng là phần học bắt buộc trong chương trình đào tạo của tất cả các cơ sở đào tạo nhân viên y tế, đặc biệt là y tá và điều dưỡng.

Tại Mỹ, bên cạnh các biện pháp phòng chống bạo hành như ở Canada, chế tài xử phạt với đối tượng gây bạo hành cũng được quy định hết sức cụ thể.

Theo điều luật của Mỹ mới được cập nhật gần đây, tất cả hành vi tấn công nhân viên y tế đều bị trừng phạt.

Theo đó, các hành vi tấn công gây thương tổn thân thể cho nhân viên y tế được xếp vào tội phạm mức độ 3, bị phạt tù từ 3 đến 5 năm, phạt tiền đến 15.000 USD.

Các hành vi tấn công nhân viên y tế khác bị xếp vào tội phạm mức độ 4, phạt tù đến 18 tháng và phạt tiền đến 10.000 USD. Ngoài ra, những hành vi bạo hành nhân viên y tế đơn lẻ sẽ bị giam giữ đến 6 tháng và phạt tiền đến 1.000 USD.

Mặc dù bạo hành nhân viên y tế xảy ra ở nhiều nơi, nhiều tuyến nhưng cho đến nay tại Việt Nam, dường như chưa có nghiên cứu đáng kể nào để thống kê số lượng, mức độ nghiêm trọng, nguyên nhân và hậu quả của các hình thức bạo hành nhân viên y tế.

Chính vì thiếu những thông tin như thế, các nhà quản lý y tế chỉ nghĩ đến một số giải pháp tạm thời, chủ yếu là ràng buộc trách nhiệm cho nhân viên y tế.

Đó là siết chặt việc thực hiện các quy định về y đức, yêu cầu nhân viên y tế niềm nở, cúi chào bệnh nhân, yêu cầu nhân viên y tế tăng cường, tích cực hơn nữa trong việc thực hiện các hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân, tạo đường dây nóng để phản ánh thái độ không đúng của nhân viên y tế.

Trong khi đó, các chương trình đào tạo y tá, điều dưỡng cũng như bác sĩ cũng chú trọng vào đào tạo lý thuyết về y đức mà gần như bỏ trống phần xử lý tình huống ngăn chặn và tự bảo vệ khi có bạo hành.

5. Hình sự hóa và luật hóa các vi phạm về đạo đức làm tăng cao mâu thuẫn giữa bệnh nhân và nhân viên y tế

Điển hình của vấn đề này chính là việc khởi tố bác sĩ phụ sản ở Quảng Trị do "vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc về nghề nghiệp".

Nếu là vi phạm đạo đức nghề nghiệp hay quy tắc nghề nghiệp thì hoàn toàn không có quyền khởi tố, chỉ khi bác sĩ này vi phạm luật khám chữa bệnh thì mới bị khởi tố.

Chính sự nhập nhằng giữa đạo đức nghề nghiệp và luật pháp cũng là nguyên nhân gây bức xúc giữa người dân và nhân viên y tế.

Vi phạm quy tắc nghề nghiệp hay vi phạm đạo đức nghề nghiệp đều nằm trong phạm trù quy phạm đạo đức, việc xử phạt các hành vi này giới hạn trong một tổ chức, một vùng hay một cơ quan mà không thuộc phạm trù xử lý của quy phạm pháp luật.

Chỉ khi các hành vi của người vi phạm nằm trong vùng của vi phạm pháp luật thì mới bị xử lý về pháp luật hay bị khởi tố.

Người dân hiểu chưa đúng về các quy định của y đức, dẫn tới quy chụp tất cả các hành vi vi phạm y đức của nhân viên y tế là không thể chấp nhận được, là phạm luật và cần phải xử lý bằng pháp luật, phải khởi tố, phải gây áp lực để bác sĩ đi tù.

Ngay cả một số cơ quan truyền thông và mạng xã hội cũng quy chụp cho các hành vi vi phạm đạo đức y học là tội phạm, là sát nhân dẫn tới thổi phồng các sai sót của người thầy thuốc, đẩy cao mâu thuẫn giữa thầy thuốc và bệnh nhân dễ dẫn tới các hành vi bạo hành bột phát từ phía bệnh nhân.

Tại sao bác sĩ Việt Nam bị hành hung ngày càng nhiều? - Ảnh 4.

6. Một số giải pháp có thể làm tại Việt Nam để giảm tình trạng bạo hành nhân viên y tế

- Xây dựng các phòng cách ly để tạo môi trường không bạo lực trong quá trình khám, chữa bệnh, đặc biệt là các phòng khám cấp cứu.

Những trường hợp cấp cứu do tai nạn, do đánh nhau hoặc bệnh nhân nặng, nhất thiết chỉ có nhân viên y tế xử trí bệnh nhân, tuyệt đối tránh sự hiện diện và can thiệp của người thân. Khi nào tình trạng bệnh nhân ổn định, thân nhân mới được phép vào thăm hoặc chăm sóc.

- Xác định cụ thể hơn các hành vi bạo hành nhân viên y tế trong luật chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, không chỉ viết chung chung: " 3- Nghiêm cấm hành vi làm tổn hại đến sức khoẻ, tính mạng, danh dự, nhân phẩm của thầy thuốc và nhân viên y tế trong khi đang làm nhiệm vụ.".

Cần quy định rõ loại hình bạo hành nào là vi phạm hành chính, loại hình nào là vi phạm pháp luật và có chế tài xử lý với mỗi mức độ vi phạm.

- Xác định cụ thể hơn các hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp, mức độ xử lý đối với cán bộ y tế.

Phân biệt rõ hơn các hành vi vi phạm pháp luật của nhân viên y tế cũng như mức độ xử lý, tuyên truyền rộng rãi cho dân chũng phân biệt thế nào là vi phạm đạo đức y tế, thế nào là vi phạm luật khám chữa bệnh để tránh việc đánh đồng gây kích động.

- Loại bỏ các quy định về y đức không còn phù hợp.

Ví dụ điều 7: Không được rời bỏ vị trí khi làm nhiệm vụ, theo dõi, xử trí kịp thời các diễn biến của bệnh nhân. Điều này trùng lắp với mục 3, điều 25 của Luật chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân: "3- Nghiêm cấm hành vi vô trách nhiệm trong cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh làm tổn hại đến sức khoẻ, tính mạng, danh dự, nhân phẩm của người bệnh".

Rời bỏ vị trí khi làm nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe phải được coi là hành vi vô trách nhiệm và vi phạm luật vì vậy phải xử lý như vi phạm luật, không phải là vi phạm đạo đức.

- Tăng cường đào tạo thực tế hoặc xử lý tình huống để giúp nhân viên y tế nhận biết, phòng và tránh khi có dấu hiệu của bạo hành sắp xảy ra với mình.

Tóm lại:

Vấn nạn bạo hành nhân viên y tế không chỉ xảy ra ở Việt nam mà còn xảy ra ở nhiều nước trên thế giới. Nhưng tình trạng này ở Việt Nam có xu hướng ngày càng gia tăng.

Nguyên nhân của vấn nạn này không chỉ nằm ở một phía là thái độ, hành vi của nhân viên y tế mà còn nằm ở tâm lý, nhận thức cũng như tình trạng bệnh tật của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.

Thiếu hiểu biết, không phân biệt rạch ròi giữa các quy định về đạo đức, pháp luật trong nhân dân cũng như trong cả giới báo chí, nhân viên y tế làm tăng cao mâu thuẫn giữa bệnh nhân và nhân viên y tế.

Thiếu hụt các biện pháp bảo vệ nhân viên y tế cũng như chế tài xử phạt người gây bạo hành cho nhân viên y tế làm cho tình trạng bạo hành nhân viên y tế ngày càng tăng và nghiêm trọng ở Việt Nam.

Chưa có tổ chức trung gian nào đứng ra hòa giải hoặc thương lượng để đảm bảo quyền lợi cho cả nhân viên y tế và bệnh nhân dẫn tới phía bệnh nhân thiệt thòi khi có tai biến và phía nhân viên y tế liên tục bị bạo hành sau tai biến y khoa.

Thay đổi luật pháp, tăng cường các biện pháp phòng ngừa, nâng cao trình độ người dân cũng như đào tạo nhân viên y tế các phương thức ngăn ngừa, phòng tránh bạo hành hoặc thậm chí thoát hiểm cho nhân viên y tế khi có bạo hành là những biện pháp cần thiết để giảm thiểu vấn nạn bạo hành.

Nguồn tin tham khảo

1. http://vnexpress.net/tin-tuc/goc-nhin/bao-hanh-nhan-vien-y-te-3268851.html

2. http://www.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=1&_page=3&mode=detail&document_id=4354

3. http://dantri.com.vn/ban-doc/vu-doi-boi-thuong-236-ty-dong-benh-vien-khang-dinh-yeu-cau-khong-co-co-so-20161223081820855.htm

4. http://www.baomoi.com/dao-duc-va-phap-luat/c/11727053.epi

5. James P. Phillips, M.D. Workplace Violence against Health Care Workers in the United States. N Engl J Med 2016; 374:1661-1669 April 28, 2016 DOI: 10.1056/NEJMra1501998.

6. http://healthydebate.ca/opinions/zero-tolerance-workplace-violence-health-care-call-action .

7. Kelly N. Stevenson, Susan M. Jack, Linda O’Mara and Jeannette LeGris. Registered nurses’ experiences of patient violence on acute care psychiatric inpatient units: an interpretive descriptive study. BMC Nursing (2015) 14:35. DOI 10.1186/s12912-015-0079-5.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại