40 nghìn người chết
Trên thế giới hiện có khoảng 1,3 tỷ người hút thuốc lá. Tại các nước phát triển, tỷ lệ hút thuốc lá đang giảm đi trong những thập kỷ qua, ngược lại, tại các nước đang phát triển, việc sử dụng thuốc lá có xu hướng gia tăng. Việt Nam vẫn là một trong 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất trên thế giới...
Theo ước tính từ cuộc Điều tra hút thuốc ở người trưởng thành (từ 15 tuổi trở lên) năm 2015 (GATS 2015), tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới là 45,3% ở nữ giới là 1,1% , tổng cộng có trên 15 triệu người lớn hiện đang hút thuốc lá, thuốc lào.
Điều tra tình hình hút thuốc lá ở thanh thiếu niên (GYTS) Việt Nam thấy 60,7% học sinh bắt đầu hút thuốc lá khá sớm (7-13 tuổi). 53,5% người không hút thuốc (28,5 triệu người lớn) phơi nhiễm với khói thuốc tại nhà 36,8 % ngươì không hút thuốc, làm việc trong nhà (5,9 triệu người lớn) phơi nhiễm với khói thuốc tại nơi làm việc (2015).
Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 40.000 ca tử vong liên quan đến sử dụng thuốc lá. Tại Việt Nam, mỗi năm sử dụng thuốc lá giết chết hơn 40.000 người.
Điều này có nghĩa là mỗi ngày có hơn 100 người chết vì những bệnh do hút thuốc gây nên. Con số này sẽ tăng lên thành 70.000 người một năm vào năm 2030.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tử vong do các bệnh không lây nhiễm hiện đang chiếm tới 73% tổng số ca tử vong do bệnh tật và thương tích tại Việt Nam, trong đó, sử dụng thuốc lá là một trong những nguyên nhân chính gây ra các bệnh không lây nhiễm. Năm 2015, người dân Việt Nam đã chi mua thuốc lá số tiền là 31 nghìn tỷ đồng.
Ngoài tổn thất do chi mua thuốc hút, tổng chi phí điều trị và tổn thất do mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm cho 5 nhóm bệnh (ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa-hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ) do hút thuốc gây ra là hơn 23 nghìn tỷ đồng một năm.
Thuốc lá gây tim mạch như nào?
Hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ hàng đầu dẫn đến làm tăng nguy cơ mắc và tử vong do các bệnh lý tim mạch như xơ vữa động mạch, bệnh lý mạch vành, bệnh lý mạch máu não, bệnh động mạch ngoại biên, rối loạn nhịp tim, phình tách động mạch chủ. Các nguy cơ này tăng lên tỷ lệ thuận với khối lượng thuốc hút và thời gian hút thuốc.
Nghiên cứu tại Mỹ cho thấy nguy cơ mắc bệnh lý mạch vành ở những người đang hút thuốc thay đổi từ 1,24 lần đối với những người hút dưới 10 điếu thuốc/ngày, đến 1,56 lần với những người hút thuốc từ 10-20 điếu/ngày và 1,76 đối với người hút từ 20-40 điếu/ngày, cao nhất là 1,94 lần với những người hút từ 40 điếu thuốc/ngày trở lên.
Nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch thậm chí nhồi máu cơ tim cấp tăng ngay cả khi chỉ hút với số lượng rất ít dưới 5 điếu thuốc mỗi ngày. Dù chỉ hút 1 điếu thuốc mỗi ngày cũng làm tăng nguy cơ bệnh mạch vành lên 50% và tăng nguy cơ đột quỵ lên 25% so với những người không hút thuốc.
Các nghiên cứu cho thấy tỷ lệ nhồi máu cơ tim tăng cao gấp 6 lần ở nữ giới và gấp 3 lần ở nam giới hút từ 20 điếu thuốc mỗi ngày so với những người không hút thuốc.
Những bệnh nhân đã có bệnh mạch vành, nếu tiếp tục hút thuốc sẽ tăng nguy cơ bị nhồi máu cơ tim tái phát và tăng nguy cơ tử vong bao gồm nguy cơ đột tử vì bệnh tim mạch.
Những bệnh nhân đã cai thuốc sau khi bị nhồi máu cơ tim, nguy cơ nhồi máu cơ tim tái phát sẽ giảm đi theo thời gian. Những bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim đã can thiệp mạch vành, nếu tiếp tục hút thuốc sẽ có nguy cơ tử vong cao hơn đáng kể so với những người đã cai thuốc.
Ảnh hưởng trực tiếp của hút thuốc lên sự phát triển các mảng xơ vữa động mạch đã được nhiều nghiên cứu báo cáo. Nguy cơ xơ vữa động mạch ở người hút thuốc tăng cao hơn 50% so với những người không hút thuốc, đối với những người hút thuốc thụ động nguy cơ bị xơ vữa động mạch tăng hơn 20% so với những người không hút thuốc thụ động.
Việc cai thuốc càng sớm sẽ giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, giảm nguy cơ tử vong vì các bệnh lý tim mạch. Đồng thời ở những bệnh nhân đã mắc bệnh động mạch vành việc cai thuốc sẽ giúp giảm nguy cơ biến cố mạch vành.