Tác dụng bất ngờ của những cái ôm

Giang Lê |

Những hành động âu yếm, ôm ấp là liều thuốc tự nhiên tuyệt vời cho những người mắc chứng trầm cảm.

Về nhà sau một ngày căng thẳng ở công sở với nhiều lo toan ngổn ngang, thứ bạn cần nhất là gì?

Nằm trong vòng tay người bạn đời, vuốt ve nhau và chuyện trò thủ thỉ. Chính xác, đó là thứ sẽ gạt phăng nỗi lo toan của bạn, theo khoa học.

Âu yếm, ôm ấp, vuốt ve, bạn không nghĩ những hành động này có liên quan mật thiết đến chứng trầm cảm và lo âu, nhưng những nghiên cứu khoa học gần đây đã tìm ra mối liên quan này.

Thậm chí, rất chặt chẽ và trực tiếp. Những hành động âu yếm là liều thuốc tự nhiên tuyệt vời cho những người mắc chứng trầm cảm.

"Hormon âu yếm"

Khoa học chỉ ra rằng nguyên nhân nằm ở oxytocin, một loại hormon mà não sẽ tự động sản sinh bất cứ khi nào bạn đang thực hiện hành vi âu yếm, ôm ấp và các hành vi gần gũi khác về mặt cơ học.

Tác dụng tích cực của oxytocin đối với tinh thần của con người không phải là mới, nhưng gần đây, khoa học mới chứng minh được rằng hormon có thể được sản sinh và mang lại tác động lâu dài nhờ những hành vi của chính con người.

Thậm chí, việc một đứa bé được bố mẹ thường xuyên âu yếm sẽ giúp nó tránh khỏi bị trầm cảm khi lớn lên.

Vì vậy, oxytocin còn được gọi là "hormon âu yếm". Một trong những nghiên cứu về loại hormon này được đăng trên tạp chí y học Psychoneuroendocrinology.

Nghiên cứu này thực hiện trên hai nhóm người. Một nhóm được cung cấp oxytocin qua phương pháp xịt mũi, nhóm còn lại thì không.

Kết quả, nhóm được cung cấp oxytocin có khả năng vượt qua các vấn đề tâm lý tốt hơn nhóm kia.

Mặc dù vậy, một nghiên cứu sau đó cũng chứng minh rằng cách tiếp nhận oxytocin hóa học (thông qua xịt mũi) kia sẽ làm tăng tính hung hăng trong con người.

Vì vậy, cách tốt nhất để sản sinh oxytocin chính là thông qua con đường tự nhiên: âu yếm và gần gũi với những người thân yêu.

Tác dụng bất ngờ của những cái ôm - Ảnh 1.

Cơ chế của ôm ấp

Nếu bạn đang trầm cảm hoặc lo âu, âu yếm sẽ không chỉ giúp sản sinh oxytocin làm bạn thấy khá hơn, mà còn giúp bạn kết nối với những người xung quanh.

Điều này rất quan trọng với cuộc sống của bạn. Một trong những thách thức lớn nhất khi điều trị cho các bệnh nhân trầm cảm chính là sự tách biệt. Đó là khía cạnh phản ứng tự nhiên của căn bệnh.

Bởi, những người trầm cảm luôn có xu hướng chống lại giao tiếp và tước bỏ các kết nối. Họ không muốn kêu gọi sự giúp đỡ từ người khác, dù họ rất cần.

Các nhà tâm lý tiết lộ rằng bạn có thể nhận ra dấu hiệu trầm cảm từ một người thân của mình từ cách họ có thái độ tự tách mình ra khỏi những người thân.

Nếu bị trầm cảm, bạn sẽ muốn ngủ một mình (lấy lý do mệt mỏi, đau đầu, cảm lạnh, vì bạn đời ngáy quá to...), nhưng tốt nhất không nên xây dựng thói quen đó.

Nếu chưa sẵn sàng để nói về chứng trầm cảm, hãy ôm ấp, âu yếm người bạn đời của mình và trò chuyện với họ về những chủ đề khác.

Người bạn đời sẽ nhận ra những dấu hiệu không ổn và sẵn sàng giúp bạn vượt qua bằng cách âu yếm và gần gũi nhiều hơn.

Còn ngược lại, nếu phỏng đoán bạn đời của mình trầm cảm hay lo âu, bạn sẽ nhận ra khi họ nói chỉ muốn ở một mình.

Đôi khi, hãy dành cho họ khoảng không cần thiết, sau đó trở lại và âu yếm họ, ôm lấy họ mà không cần phải trò chuyện quá nhiều.

Nếu bạn sống một mình thì sao?

Tác dụng bất ngờ của những cái ôm - Ảnh 2.

Ngày nay khá nhiều người lựa chọn cuộc sống độc thân. Nếu không thường xuyên có người để âu yếm, bạn nên tìm đến những người bạn là thú cưng. 

"Người yêu không có nhưng... chó thì phải có một con" – câu nói đùa trên mạng đó thực ra lại rất có lý.

Chó, mèo là những thú cưng phổ biến, những bộ lông mượt mà của chúng cũng là lý do bạn muốn ôm ấp chúng nhiều hơn.

Tình yêu của thú cưng dành cho bạn cũng là một dạng tình yêu không điều kiện. Chúng sẽ trở thành lý do bạn muốn dậy sớm vào mỗi sáng (để dắt chúng đi dạo) và trở về nhà sau một ngày mệt nhừ (vì biết chúng đang đói).

Một cách khác để có thêm kết nối là giữ liên lạc và thường xuyên kể cho bạn bè, người thân về cuộc sống của mình.

Với người trầm cảm, điều này khá khó, nhưng hãy cố gắng mở lòng để nhận được cái ôm động viên trìu mến. Được ôm, được cảm thấy an toàn trong vòng tay người khác cũng khiến cơ thể sản sinh oxtytocin.

Và ngược lại, hãy cho đi những cái ôm để người khác cũng nhận được... oxtytocin giống như mình. Bởi đến cuối đời, bạn sẽ tiếc là đã không ôm nhiều hơn.

*Theo Life Hack

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại