Syria có S-300: Đạn đã lên nòng, những hành động bất chấp cảnh báo đều là ngu ngốc

Ngọc Huy |

Với sự tinh quái của người Do Thái, Israel thừa hiểu, "sát thủ" S-300 tới Syria là để đối phó với ai, đâu là mục đích của Moscow đằng sau hành động này.

Sau thông báo chính thức buộc tội vụ việc máy bay trinh sát điện từ IL-20 bị bắn rơi ngoài khơi Syria là do lỗi của Israel, chiều 24-9, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu đã ra tuyên bố chính thức sẽ cung cấp các tổ hợp tên lửa phòng không S-300 cho Syria trong vòng 2 tuần tới.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga thừa nhận, năm 2013, Moscow đã hủy hợp đồng cung cấp S-300 cho Syria vì yêu cầu từ Israel và tình huống hiện tại cho thấy hành động trên của Nga là sai lầm. Điều này thể hiện rõ ràng, Moscow không cho phép ai vi phạm luật chơi đã ấn định với Nga và kẻ vi phạm sẽ phải trả giá.

Tuyên bố của ông S. Shoigu rõ ràng là một "cú tát nảy lửa" không chỉ đối với Israel, mà còn là cả Mỹ và phương Tây.

Với S-300 chốt chặn, cùng hàng loạt biện pháp kỹ thuật như gây nhiễu định vị vệ tinh và tín hiệu radar cảnh giới trên không ở không phận Syria, vùng trời quốc gia Cận Đông này sẽ không còn là "chốn không người, tự do ra vào" đối với các quốc gia kể trên như trước đây.

Nếu mọi việc diễn ra đúng kế hoạch, thì đây sẽ là thành công lớn của Nga tại Trung Đông và thế cờ của Moscow đã định tại Syria càng vững chắc.

Syria có S-300: Đạn đã lên nòng, những hành động bất chấp cảnh báo đều là ngu ngốc - Ảnh 1.

Tên lửa phòng không S-300.

Thiết lập vùng cấm bay?

Một điều có thể thấy rõ rằng hệ thống phòng không Syria dù đã được Nga hỗ trợ và nâng cấp, nhưng phần lớn vẫn là trang bị cũ thời Liên Xô đã có tuổi đời hàng thập kỷ sẽ không đáp ứng được khả năng bảo vệ quốc gia Cận Đông này một cách hiệu quả.

Vấn đề này dù đã được khắc phục phần nào bởi sự hiện diện của các đơn vị phòng không hiện đại của Nga, nhưng hệ thống phòng không Syria cần có trang bị ít nhất là tương đối hiện đại và có thể tương tích tốt với các hệ thống của Nga.

Sự không tương thích giữa hai bên càng thể hiện rõ qua vụ việc máy bay IL-20 bị bắn rơi. Dù lỗi là của Israel, nhưng hệ thống phòng không Syria không có mã nhận diện "địch-ta" của phương tiện Nga.

Điều này lộ ra một vấn đề nguy hiểm trong công tác phối hợp hai bên nhất là khi xảy ra các đợt không kích quy mô lớn.

Và các vấn đề đã được giải quyết với sự kiện máy bay IL-20 gặp nạn, dù là sự cố đau thương, nhưng Nga đã có lý do để tái trang bị cho hệ thống phòng không Syria bằng các tổ hợp vũ khí phòng không hiện đại S-300 với tầm bắn có thể lên tới 250km.

Việc cung cấp S-300 cho Syria có thể được thực hiện theo hợp đồng hai bên đã ký năm 2009. Và điều gì sẽ xảy ra khi Syria có S-300? Nếu đúng theo thỏa thuận với Nga ký năm 2009, Syria sẽ sở hữu tới 5 tổ hợp S-300.

Chúng sẽ đủ để bao quát toàn bộ lãnh thổ quốc gia Cận Đông này, thậm chí là còn tràn sang không phận nhiều quốc gia trong khu vực, trong đó có Israel. Với S-300, hệ thống phòng không Syria coi như được thay máu với khả năng chiến đấu vượt trội so với trước đây.

Syria có S-300: Đạn đã lên nòng, những hành động bất chấp cảnh báo đều là ngu ngốc - Ảnh 3.

Tên lửa phòng không S-300 sẽ đối đầu trực tiếp với các loại tiêm kích tàng hình F-35 hay F-22 do Mỹ chế tạo.

Cùng với S-300, tại Syria sẽ sớm hiện diện các hệ thống tác chiến điện tử có khả năng gây nhiễu tín hiệu định vị vệ tinh, tín hiệu radar cảnh giới đường không.

Dù những thông tin về chúng vẫn cần được kiểm chứng, nhưng những trang bị như thế đã là quá đủ để Syria có được "không phận tương đối an toàn" trước các mối đe dọa từ trên không từ Israel, Mỹ và phương Tây.

Giới hoạch định chiến lược Mỹ và đồng minh chắc chắn sẽ phải thay đổi chiến lược tác chiến ở Syria nếu không muốn phi công Mỹ nếm thử "bài ca SAM" trên không phận Syria. Điều này cũng tương tự với Israel.

Như vậy, dù không nói ra, Nga đã kín hở thiết lập vùng cấm bay trên toàn không phận Syria. Hiệu quả của vùng cấm bay này sẽ cần thời gian để kiểm chứng, nhưng chắc chắn không phận Syria sẽ không phải là "chốn không người" như xưa.

S-300 tới Syria, nhưng Nga không ép Israel vào đường cùng

Có một điểm đáng chú ý trong tuyên bố của ông S. Shoigu trong tuyên bố chuyển giao S-300 cho Syria đó là các tổ hợp vũ khí phòng không được chuyển giao sẽ được tích hợp vào hệ thống điều khiển tự động hóa hợp nhất của Nga tại Syria.

Theo lý giải của phía Nga, việc này giúp tăng hiệu quả hoạt động của S-300, công tác phối hợp giữa phòng không Nga và Syria và đặc biệt là tránh kịch bản IL-20 bị bắn rơi lặp lại. Tuy nhiên, thông điệp thực sự trong tuyên bố của Nga có lẽ sẽ khác. Tuyên bố của ông S. Shoigu mang ý nghĩa xoa dịu Israel nhiều hơn.

Trong quá khứ, Tel Aviv từng tuyên bố sẽ triệt hạ bất kỳ tổ hợp S-300 nào trong tay Syria. Với trình độ tác chiến của binh sĩ, sĩ quan Syria, có lẽ S-300, S-400 hay hiện đại hơn nữa cũng sẽ tan xác dưới đòn không kích và chiến thuật tác chiến đường không lão luyện của Israel.

Syria có S-300: Đạn đã lên nòng, những hành động bất chấp cảnh báo đều là ngu ngốc - Ảnh 4.

Tên lửa phòng không S-300 sắp có mặt ở Syria.

Với tuyên bố của ông S. Shoigu, S-300 được chuyển cho Syria, nhưng quyền điều khiển lại nằm trong tay Nga. Ngoài ra, với sự tinh quái của người Do Thái, Israel thừa hiểu, S-300 tới Syria là để đối phó với ai, ai là mục tiêu chính và mục đích của Moscow đằng sau hành động này.

Những vấn đề trên kết hợp với "sự cố" máy bay IL-20 có thể xoa dịu những cái đầu nóng ở Tel Aviv về việc Syria sở hữu S-300.

Cùng với đó, tuyên bố của ông S. Shoigu cũng là câu trả lời cho vấn đề, Nga chuyển giao số lượng lớn S-300 cho Syria trong vòng 2 tuần thì ai sẽ là người vận hành các tổ hợp vũ khí phòng không hiện đại này?

Nga liệu có quá mạo hiểm danh tiếng của S-300 trong tay Syria? Khi các tổ hợp được vận hành tự động hóa trong hệ thống chỉ huy và điều phối hợp nhất, vai trò của binh lính, sĩ quan Syria có lẽ chỉ là bấm nút phóng đạn hoặc cơ động trận địa.

Nói cách khác, S-300 chuyển giao tới Syria sẽ là "cánh tay nối dài" của phòng không Nga bao trùm toàn bộ không phận quốc gia Cận Đông này.

Với động thái chuyển giao S-300 cho Syria sau vụ việc máy bay IL-20 gặp nạn và trước đó là biến "thù thành bạn" sau sự kiện Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Su-24M2…, có thể thấy Chính quyền Nga dưới thời Tổng thống Vladimir Putin xử lý vấn đề tại Syria linh hoạt và hiệu quả như thế nào.

Moscow không cho phép ai vi phạm luật chơi hay qua mặt Nga. Kẻ vi phạm sẽ phải trả giá! Gấu Nga có thể bị đòn, nhưng biết biến đau thương thành lợi thế và ai là người chiến thắng cuối cùng mới là điều quyết định.

Và sự thật thường thấy, đòn trả đũa của Nga thường đến muộn, nhưng hiệu quả. Điều này thật đúng với tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu: "Những hành động bất chấp cảnh báo của Nga đều là ngu ngốc".

Nga phô diễn sức mạnh tên lửa S-300

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại