Từ lâu, rượu thuốc vốn được các quý ông truyền tai nhau là "thần dược" và rất được tận dụng trong đời sống hằng ngày. Đôi lúc, trên các bàn nhậu, các ông cùng nhau thể hiện "chất chơi" bằng những bình rượu với các thành phần như nhân sâm, rắn, sâu bọ, bò cạp,…
Tuy nhiên, nếu không hiểu đúng về thành phần mang đi ngâm rượu, các ông có thể trở thành kẻ bại trận khi người liệt, kẻ tử vong vì ngộ độc. Trong năm vừa qua, có rất nhiều trường hợp sau chén bạn, chén thù với các loại rượu ngâm, các ông phải gánh chịu hậu quả nặng nề.
Các loại củ, thảo dược được bán tràn lan vào mỗi dịp tết.
Uống rượu ngâm, người mất mạng kẻ bại liệt
Tháng 3/2016, sau khi uống rượu ngâm với một loại củ rừng, ông N.V.K (SN 1956) và ông B.V.L (SN 1947) cùng ngụ tỉnh Cao Bằng thì cả hai có chung triệu chứng khó chịu, buồn nôn, choáng váng, khó thở. Tuy đã được gia đình đưa đi cấp cứu, nhưng ông L. tử vong ngay sau đó, còn ông K. bị ngộ độc nặng, mất nhiều ngày điều trị tại bệnh viện mới hồi phục.
Tháng 6/2016, ông N.V.T (SN 1965, ngụ xã Cư Wy) và ông N.V.V (SN 1969, ngụ xã Cư AMung) cùng nhau uống rượu rễ cây do ông V. ngâm. Khoảng 30 phút, ông T. bị ngộ độc, ông chóng mặt, buồn nôn và lên cơn co giật.
Ông V. lấy xe máy chở ông T. tới Trạm y tế xã cấp cứu nhưng chỉ ít phút sau ông T. trở nặng và tử vong. Sau đó, ông V. cũng lên cơn co giật, nôn ói và được đưa lên bệnh viện huyện cấp cứu nhưng may mắn sống sót.
Nghĩ rằng tự ngâm rượu uống tết sẽ vừa an toàn vừa có thể tăng bản lĩnh đàn ông, các ông đang tự mình uống độc dược mà không biết.
Bên cạnh đó, rất nhiều trường hợp ngộ độc rượu tập thể đã xảy ra khi các quý ông đua nhau uống các loại rượu được cho là tốt cho sức khỏe, cường dương, tráng kiện. Có người uống quá nhiều nên bị ngộ độc , dẫn đến suy gan, suy thận cấp phải lọc máu nhiều ngày mới qua khỏi.
Ngoài ra, ở các tỉnh thành trên cả nước, rất nhiều trường hợp ngộ độc tập thể do uống rượu tự ngâm tại nhà. Thế nhưng, các ông chỉ nghĩ rằng do người ngâm mua nhầm rượu giả, không chấp nhận thành phần ngâm rượu phản ứng hoặc có độc tính.
Theo ThS BS. Võ Ngọc Quốc Minh – Khoa Nội tiêu hóa Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM thì rượu bia ngoài việc gây ra nghiện hay ngộ độc cấp tính, còn có những tác hại khác như viêm gan mãn tính dẫn đến xơ gan ở những người uống rượu bia nhiều hoặc lâu năm.
Uống nhiều rượu gây viêm tụy cấp, tăng nguy cơ ung thư miệng và thực quản, ung thư gan, ung thư đại tràng, giảm sức đề kháng cơ thể nên những người nghiện bia rượu dễ bị nhiễm trùng, lao phổi hơn người bình thường.
Rất nhiều vụ ngộ độc rượu tập thể đã xảy ra sau chén bạn chén sầu.
Ngoài ra, rượu bia còn gây rối loạn về tâm thần kinh như rối loạn lo âu, trầm cảm, hoang tưởng, tâm trạng dễ bị kích động, bạo lực, thậm chí có những trường hợp ảnh hưởng đến tính mạng con người. Rượu bia còn là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến các tai nạn giao thông nghiêm trọng, tác hại rất lớn đối với xã hội.
Hầu hết những người bị ngộ độc rượu do uống quá nhiều trong một thời gian ngắn. Khác với thực phẩm cần thời gian để tiêu hóa, rượu được hấp thu rất nhanh. 20% rượu được hấp thụ trực tiếp từ dạ dày và có thể tới não trong chưa đầy một phút nếu người uống trong tình trạng đang đói.
Nghĩ là thần dược, không ngờ uống phải rượu độc
Với quan niệm rằng rượu giúp tăng bản lĩnh phòng the, các ông đã tự mình ngâm rất nhiều loại được cho là thần dược như mật gấu, nhộng, nhân sâm, nhung hươu, dược liệu… vào cùng 1 bình rượu gây ra nhiều tác dụng phụ. Nhiều độc tố đã được sản sinh trong quá trình ngâm rượu mà người sử dụng không hề hay biết.
BS Minh cho biết: "Rượu ngâm không hẳn là an toàn hay tốt cho sức khỏe hơn so với những loại rượu có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Nếu sử dụng các loại rễ cây, thảo dược, các loại động vật ngâm vào rượu mà không rõ thành phần hay công dụng, vẫn có nguy cơ gây ngộ độc cho cơ thể.
Nếu uống các loại rượu ngâm quá nhiều thì vẫn có thể bị nghiện rượu, ngộ độc rượu và các tác hại tương tự rượu bia thông thường.".
Theo BS Minh, nam giới chỉ nên uống dưới 2 chai bia, nữ giới uống dưới 1 chai bia mỗi ngày. ảnh BV ĐHYD.
Theo BS Minh, để uống rượu bia không ảnh hưởng đến sức khỏe thì nam giới chỉ nên uống dưới 2 chai bia hoặc 2 ly rượu vang mỗi ngày (2 đơn vị). Đối với nữ giới chỉ nên uống dưới 1 chai bia (1 đơn vị) mỗi ngày.
Ngoài ra còn tùy theo cơ địa từng người, người có nhiều men chuyển hóa ở gan sẽ ít bị say hơn so với người có ít men chuyển hóa. Do đó, cần uống rượu bia chừng mực trong khả năng của cơ thể, vừa sức và dừng lại đúng lúc.
Trước tình hình ngộ độc rượu gia tăng, ngày 23-1, Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế đã có khuyến cáo:
Trong dịp Tết, người dân không uống cồn công nghiệp và rượu có hàm lượng Methanol > 0,1% vì có thể gây mù mắt và tử vong.
Không uống rượu nồng độ từ 30 độ trở lên vượt quá 30ml/người/ngày.
Không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân.
Không uống rượu khi không biết đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng, khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị.
Sau khi uống rượu, nếu thấy xuất hiện tình trạng ngủ lịm, lơ mơ, kích thích quá nhiều… nên đưa bệnh nhân tới viện để được kiểm tra và xử lý kịp thời.