Súng AK bắn đạn NATO: Chiến lược khôn ngoan hay "sự lựa chọn ngu ngốc" của Nga?

Bảo Lam |

AK-308 sử dụng loại đạn 7,62x51mm NATO bảo đảm được tầm bắn hiệu quả và mức độ công phá so với các loại súng "đàn anh" như AK-101, AK-102, AK-108 sử dụng đạn 5,56x45mm.

Từ thất bại trong quá khứ của các loại "súng AK bắn đạn M16"

Tập đoàn “Kalashnikov” của Nga lần đầu tiên giới thiệu súng trường tấn công AK-308 vào năm 2018 tại triển lãm “Army-2018”.

Theo chuyên gia vũ khí người Mỹ Mark Episcosos, thoạt nhìn có thể cho rằng AK-308 là một biến thể của súng trường AK-12, tuy nhiên súng có một điểm mới biến AK-308 trở thành một "dự án dũng cảm" nhất của người Nga đó là sử dụng cỡ đạn 7,62x51mm NATO.

Súng AK bắn đạn NATO: Chiến lược khôn ngoan hay sự lựa chọn ngu ngốc của Nga? - Ảnh 1.

Súng trường tấn công AK-308 trên tay một nhân viên Kalashnikov trong một cuộc triển lãm.

Từ giữa thập niên 40, với tên gọi chung là súng trường Kalashnikov, đã có hơn 20 biến thể đã được nghiên cứu và chế tạo. Tuy nhiên, ngoại trừ 3 mẫu, tất cả đều sử dụng cỡ đạn của Liên Xô.

Nỗ lực đầu tiên để chế tạo loại vũ khí sử dụng đạn của NATO chính là những khẩu súng trường tấn công AK-101 và AK-102 bắn đạn 5,56x45mm (đạn tiêu chuẩn của súng trường tấn công AR15/M16 của Mỹ).

Điều đáng tiếc là các khẩu súng này không thu hút được nhiều quan tâm của khách hàng nước ngoài. Một biến thể tiếp theo, AK-108 bắn đạn 5,56x45 mm cũng không mang lại thành công.

AK-108 là một trong số 3 biến thể súng trường với hệ thống cân bằng tự động, và cả 3 đều bị chỉ trích bởi trong lượng nặng hơn mức cần thiết, kết cấu quá phức tạp và những vấn đề liên quan tới độ giật.

Hai thập kỷ đã trôi qua và tập đoàn “Kalashnikov” lại một lần nữa cố gắng tiếp cận thị trường nước ngoài.

Súng AK bắn đạn NATO: Chiến lược khôn ngoan hay sự lựa chọn ngu ngốc của Nga? - Ảnh 2.

Thiết kế của AK-107 và AK-108 đã nhận được khá nhiều chỉ trích.

"Làn gió mới" của AK-308?

AK-308 sử dụng loại đạn mạnh hơn và cũng là tiêu chuẩn của NATO là 7,62x51mm. Loại đạn này bảo đảm được tầm bắn hiệu quả và mức độ công phá so với các loại súng "đàn anh" sử dụng đạn 5,56x45mm

Do đạn có sức công phá mạnh hơn, lẽ dĩ nhiên AK-308 dài và nặng hơn AK-12. AK-308 cũng tích hợp các cải tiến như báng gập, trích khí cải tiến, cũng như sử dụng một phần thiết kế của súng máy RPK-74M.

Ý nghĩa lớn nhất của AK-308 là tính kinh tế, súng được định vị như để cạnh tranh với giá thấp hơn so với các khẩu súng trường tấn công phương Tây bắn đạn 7,62x51mm.

Súng AK bắn đạn NATO: Chiến lược khôn ngoan hay sự lựa chọn ngu ngốc của Nga? - Ảnh 4.

Các biến thể dựa theo công thái súng của AK-308.

Việc sử dụng những chi tiết sẵn có từ các khẩu súng trường khác được cho là sẽ giúp giá thành của AK-308 giảm. Tuy vậy, vẫn chưa rõ khả năng tương thích của súng với đạn của NATO có  phức tạp hay không.

Cũng như AK-101, AK-102, súng trường AK-308 sẽ không được trang bị cho lực lượng vũ trang Nga mà chỉ để xuất khẩu.

Rút kinh nghiệm từ các biến thể xuất khẩu trước đó với mục đích xuất khẩu sang nhiều nước, Kalashnikov AK-308 chú trọng vào một số khách hàng cụ thể, đó là Ấn Độ.

Mới đây, giới chức quân sự Ấn Độ đã tiết lộ ý định sẽ lựa chọn một súng trường tấn công mới sử dụng đạn 7,62x51mm NATO để thay thế cho các khẩu L1A1 SLR (biến thể của FN FAL) đã lỗi thời.

Điều đáng nói là vào đầu năm 2019, Ấn Độ đã chấp nhận đưa vào trang bị 790.000 súng trường AK-203, và nhiều khả năng quốc gia Nam Á này sẽ lựa chọn phương án tương tự AK-203 đó là thành lập một liên doanh với Nga để sản xuất AK-308 trong nước.

Ngoài Ấn Độ, AK-308 được cho là có những khách hàng tiềm năng khác như Brasil và Pakistan. Rõ ràng việc lựa chọn phát triển một biến thể súng trường với cỡ đạn 7,62x51mm NATO được cho là chiến lược kinh doanh "khôn ngoan" của Kalashnikov ở thời điểm hiện tại.

Video giới thiệu súng trường tấn công AK-308 của Kalashnikov.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại