Súc miệng có phòng được COVID-19 và các bệnh đường hô hấp khác hay không?

zknight |

Ở Nhật Bản, súc miệng là một phương pháp được chính phủ khuyến khích trong mùa lạnh và mùa cúm. Nhưng hiện chưa có bằng chứng cho thấy nó có tác dụng với COVID-19.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục lây lan mạnh, người dân đã tìm kiếm mọi cách để có thể phòng bệnh cho bản thân mình và gia đình. Từ khử trùng nhà cửa bằng đèn UV, diệt khuẩn khẩu bằng máy sấy tóc, xịt cồn lên cơ thể và ăn tỏi… có rất nhiều lời khuyên sai lầm về virus corona đã bị Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) bác bỏ.

Nhưng còn việc súc miệng thì sao? Liệu nó có thể giúp bạn phòng ngừa được virus corona mới hay không? Những khuyến cáo súc miệng đã dựa trên những logic nào? Hiện có bằng chứng y tế nào cho thấy súc miệng có hiệu quả phòng ngừa COVID-19 và các bệnh đường hô hấp khác hay không?

Súc miệng có phòng được COVID-19 và các bệnh đường hô hấp khác hay không? - Ảnh 1.

Cho tới thời điểm này, phải khẳng định một điều rằng chưa hề có bất kể một thử nghiệm ngẫu nhiên, có kiểm soát trên quy mô lớn nào xác nhận sự hiệu quả của việc súc miệng bằng nước muối, giấm hay bất kỳ dung dịch nào khác có tác dụng ngăn ngừa bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên và dưới do virus corona hay bất kỳ loại virus hoặc vi khuẩn nào gây ra.

Nghĩa là chúng ta chưa có bằng chứng và tiêu chuẩn vàng khoa học để khẳng định sự hiệu quả của phương pháp này.

Chỉ có một số nghiên cứu trên quy mô nhỏ cho thấy rằng súc miệng có thể tiêu diệt được vi khuẩn. Nhưng hiệu quả của nó trong việc ngăn ngừa và điều trị thì vẫn chưa được chứng minh trong các thử nghiệm nghiêm ngặt.

Bất chấp sự thiếu hụt bằng chứng ấy, súc miệng hiện vẫn là một biện pháp vệ sinh phổ biến ở nhiều quốc gia. Ở Đông Á, đặc biệt là Nhật Bản, súc miệng được chính phủ khuyến khích mạnh mẽ, cùng với các biện pháp vệ sinh khác như rửa tay, đeo khẩu trang và giữ khoảng cách xã hội trong mùa lạnh và mùa cúm thông thường.

Mặc dù vậy, các chuyên gia y tế cho biết không phải ai cũng nên súc miệng, chẳng hạn như những bệnh nhân có vấn đề về cổ, đột quỵ, bị mất trí nhớ và trẻ em dưới 8 tuổi.

Sự phổ biến của thói quen súc miệng tại Nhật Bản đã giải thích tại sao hầu hết các nghiên cứu chứng minh tác dụng của nó với các bệnh đường hô hấp trên và dưới được thực hiện bởi các nhà khoa học nước này. Trong đó, phát hiện hấp dẫn nhất phải kể đến tác dụng của dung dịch súc miệng không cần kê đơn pididone-iodine.

Súc miệng có phòng được COVID-19 và các bệnh đường hô hấp khác hay không? - Ảnh 2.

Pididone-iodine đã được người dân Nhật Bản sử dụng trong nhiều thập kỷ để điều trị viêm họng. Trong một nghiên cứu thử nghiệm nhỏ được thực hiện tại nước này năm 2002, 23 bệnh nhân mắc bệnh hô hấp mạn tính đã được yêu cầu súc miệng 4 lần trở lên mỗi ngày bằng dung dịch pididone-iodine.

Các nhà khoa học nhận thấy so với khoảng thời gian trước khi họ thực hành biện pháp vệ sinh này, súc miệng thường xuyên trong vài tháng đến 2 năm với dung dịch pididone-iodine đã giúp giảm khoảng 50% tỷ lệ nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính.

Súc miệng bằng dung dịch pididone-iodine giúp giảm nhiễm trùng do một số vi khuẩn khá độc trong đó có Pseudomonas, Staph (bao gồm MRSA) và Haemophilus.

Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cũng cho thấy lợi ích tiềm năng từ việc súc miệng. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng nghiên cứu trong phòng thí nghiệm không phải bao giờ cũng chứng minh được kết quả trên bệnh nhân thực.

Một nghiên cứu trong phòng thí nghiệm gần đây của Đức tuyên bố dung dịch súc miệng chứa pididone-iodine có thể loại bỏ hơn 99% các virus corona gây ra SARS và MERS (họ hàng rất gần với Covid-19 hiện tại). Tuy nhiên, đáng nói là nó lại được tài trợ bởi một nhà sản xuất dung dịch súc miệng.

Một nghiên cứu trong phòng thí nghiệm trước đây của Nhật Bản đã tiết lộ rằng các sản phẩm nước súc miệng chứa pididone-iodine có tác dụng vượt trội hơn các loại thuốc súc miệng sát trùng thông thường khác chứa chlorhexidine gluconate và benzalkonium clorua, trong việc vô hiệu hóa nhiều loại virus gây bệnh phổ biến như coxsackie, rhovovirus, adenovirus, rotavirus, influenza.

Tuy nhiên, nghiên cứu trên người là cần thiết để xác nhận nước súc miệng hiệu quả dành cho bệnh nhân hay không.

Súc miệng có phòng được COVID-19 và các bệnh đường hô hấp khác hay không? - Ảnh 3.

Một lưu ý quan trọng là tại nhiều nước như Hoa Kỳ, bạn không thể tìm mua được nước súc miệng pididone-iodine. Đa phần nó chỉ được sản xuất dưới dạng thuốc sát trùng da, và nếu bạn lấy nó để súc miệng có thể gây hại nghiêm trọng.

Vì vậy, trong bối cảnh các tin tức chưa được kiểm chứng lan truyền mạnh như hiện nay, điều quan trọng là mọi người tuyệt đối không súc miệng bằng pididone-iodine sát trùng da và mọi sản phẩm khác không được sản xuất dưới dạng nước súc miệng.

Tại Canada, một loại nước súc miệng pididone-iodine được bán dưới tên Betadine. Tuy nhiên, một số người đã báo cáo bị dị ứng với iốt và iốt có thể gây ra vấn đề ở những bệnh nhân có bệnh tuyến giáp là đối tượng cũng không nên dùng loại nước súc miệng này.

Đối với các loại nước súc miệng khác không chứa pididone-iodine, hiện có rất ít bằng chứng cho thấy chúng có lợi ích kháng khuẩn đáng kể.

Ví dụ, nước súc miệng Listerine đã được chứng minh là có hoạt tính kháng virus trong các nghiên cứu trong ống nghiệm. Một số chủng virus khi tiếp xúc 30 giây với nước súc miệng đã bị bất hoạt, mặc dù các nghiên cứu này không thử nghiệm nó trên virus corona.

Một nghiên cứu lâm sàng gần đây thực hiện tại Anh với sự tham gia của 66 bệnh nhân cho thấy: Sử dụng dung dịch nước muối tự pha để rửa mũi và súc miệng cũng có thể làm giảm đáng kể tỷ lệ mắc cúm và cảm lạnh. Trên thực tế, một số bệnh cảm lạnh thông thường là do mắc virus corona, mặc dù đó là các chủng corona ít nguy hiểm hơn nhiều so với SARS-CoV-2 đang lưu hành.

Súc miệng được coi là một thực hành vệ sinh đơn giản hơn so với rửa mũi, bởi rửa mũi đòi hỏi phải sử dụng bình vô trùng để bơm dung dịch qua vùng mũi xoang của bạn.

Trong nghiên cứu tại Anh, dung dịch nước muối đã được tự pha theo công thức một muỗng cà phê muối với một cốc nước, cho ra dung dịch có nồng độ xấp xỉ 3%. Và những người tham gia đã súc miệng tới 6 lần một ngày.

Một nghiên cứu trong phòng thí nghiệm khác cũng của nhóm khoa học Anh phát hiện ra một cơ chế hoạt động tiềm năng của dung dịch nước muối. Theo đó, các tế bào vùng cổ họng sau khi súc miệng đã nạp thêm clo từ dung dịch muối để tạo ra một hợp chất có đặc tính chống virus.

Một số nghiên cứu nhỏ lẻ khác đã đề xuất nước trà xanh hoặc dung dịch có chứa catechin , hoạt chất của trà xanh hoặc giấm táo có tác dụng chống virus. Tuy nhiên, những nghiên cứu này cũng mới chỉ được thực hiện trong phòng thí nghiệm, vì vậy không rõ nó có tác dụng thực trên bệnh nhân hay không.

Và tất nhiên, cần phải nhắc lại là không có nghiên cứu nào chứng minh tác dụng của các loại nước súc miệng này với chủng SARS-CoV-2 đang lưu hành hiện tại.

Một nghiên cứu thậm chí còn cho rằng súc miệng bằng nước lọc thông thường cũng có thể hữu ích trong việc giảm tỷ lệ nhiễm trùng đường hô hấp trên, mặc dù một nghiên cứu sau đó không lặp lại được kết quả đó.

Súc miệng có phòng được COVID-19 và các bệnh đường hô hấp khác hay không? - Ảnh 4.

Nói tóm lại, khi đứng trước lựa chọn có nên súc miệng hay không, bạn cần phải cân nhắc về những lợi ích và rủi ro của nó. Các rủi ro lớn nhất là bạn sử dụng phải các sản phẩm pididone-iodine sát trùng da, và chúng thực sự nguy hiểm.

Những bệnh nhân có vấn đề về cổ, đột quỵ, bị mất trí nhớ và trẻ em dưới 8 tuổi cũng có thể bị sặc và nuốt phải nước súc miệng. Ngoài ra, súc miệng thường xuyên có thể đem lại một số lợi ích làm giảm nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên và dưới, mặc dù tác dụng của nó trên virus SARS-CoV-2 chưa được xác nhận.

Súc miệng có phòng được COVID-19 và các bệnh đường hô hấp khác hay không? - Ảnh 5.

Tham khảo Nytimes


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại