Thời gian gần đây đã xuất hiện khá nhiều nhận định, đánh giá về viễn cảnh một cuộc chiến tranh toàn diện nổ ra giữa Quân đội Mỹ và Iran trong trường hợp những mâu thuẫn hiện tại không được giải quyết và còn bị đẩy đi xa hơn đến mức mất kiểm soát.
Trong số những ý kiến được đưa ra, đa phần đều cho rằng Mỹ sẽ phải hứng chịu thiệt hại nặng nề khi đối đầu lực lượng vũ trang Iran có quân số hàng trăm ngàn người, được trang bị hàng ngàn xe tăng, thiết giáp, hàng trăm máy bay và tỏ ra cực kỳ quyết tâm.
Tuy nhiên bên cạnh đó cũng có quan điểm khác cho rằng Washington sẽ giải quyết xong Tehran "trong một nốt nhạc", thậm chí còn dễ dàng và nhanh chóng hơn nhiều so với trường hợp Iraq hồi năm 1991 trong Chiến dịch Bão táp sa mạc nổi tiếng.
Hình ảnh Quân đội Iran ngày nay được xem như hình chiếu Quân đội Mỹ hàng chục năm trước
Tại thời điểm trước khi cuộc Chiến tranh Vùng Vịnh nổ ra, Quân đội Iraq được đánh giá là lực lượng cực kỳ đáng gờm khi có nhiều đơn vị thiện chiến với hơn 1 triệu quân, tương đương 69 - 71 sư đoàn, 10.000 xe tăng và xe bọc thép, 3.000 khẩu pháo lớn. Xe tăng Iraq khi đó thậm chí còn có hỏa lực mạnh hơn liên quân chủ yếu chỉ sử dụng các phiên bản mang pháo 105 mm.
Không quân Iraq có 700 máy bay chiến đấu với nhiều loại tiêm kích, cường kích hiện đại bậc nhất (như MiG-25, Su-24) và một hệ thống chỉ huy kiểm soát phòng không hiện đại với những tổ hợp tên lửa đất đối không cực kỳ đáng gờm, bao gồm S-125 pechora, 2K12 Kub... cùng 7.000 khẩu pháo phòng không các loại.
Ngoài ra không thể bỏ qua kho tên lửa đạn đạo Scud (tầm bắn 600 - 700 km) mang đầu đạn thường hoặc hóa học, sinh học. Bên cạnh đó còn xuất hiện thông tin nước này đang chuẩn bị sản xuất vũ khí hạt nhân tương tự những gì diễn ra tại Iran ngày nay.
Vậy nhưng chỉ trong một thời gian rất ngắn, liên quân do Mỹ dẫn đầu đã khiến cho lực lượng vũ trang hùng mạnh của Iraq gần như đã bị xóa sổ, họ làm được điều này chủ yếu nhờ triển khai phương thức tác chiến ưu việt cùng sức mạnh áp đảo về không lực.
Xe tăng chiến đấu chủ lực M1 Abrams của Lục quân Mỹ
So sánh với Quân đội Iran vào thời điểm hiện tại, theo số liệu thống kê của Global Fire Power, Tehran có 523 ngàn quân thường trực đi kèm 350 ngàn quân dự bị, được trang bị 1.634 xe tăng, 2.345 xe thiết giáp, 570 pháo tự hành, 2.128 pháo xe kéo và 1.900 pháo phản lực phóng loạt.
Không quân Iran có 142 tiêm kích, 89 máy bay vận tải, 126 trực thăng với 12 chiếc máy bay lên thẳng vũ trang. Trong số này phần lớn là tiêm kích F-14 Tomcat, F-4 Phantom II và F-5 Tiger II do chính Mỹ sản xuất đã quá lạc hậu, chất lượng thậm chí kém xa Không quân Iraq cách đây gần 30 năm.
Kho tên lửa đạn đạo của Iran có lẽ là yếu tố đáng nói nhất, tuy nhiên chúng rất khó phát huy tác dụng đối với những đơn vị viễn chinh có độ cơ động cao và lại được bảo vệ bởi vô số tổ hợp phòng không cực kỳ hiện đại.
Xe tăng, xe bọc thép của Iraq bị bắn cháy trên "xa lộ tử thần"
Tương quan lực lượng như trên có lẽ quá khó để Iran có thể hy vọng đủ sức đẩy lui một cuộc tấn công toàn diện trên bộ của Mỹ khi hiện tại chất lượng và độ vượt trội về công nghệ của Washington còn có khoảng cách lớn hơn nhiều so với Iraq trong quá khứ.
Lực lượng vũ trang Iran cũng bị nhận xét là không thực sự thiện chiến, phương thức tiến hành chiến tranh đơn điệu, chủ yếu chỉ trông chờ vào ưu thế của hỏa lực. Điều này đã được thấy rõ trên chiến trường Syria mà điển hình là Sư đoàn bộ binh cơ giới số 4 do họ huấn luyện và trang bị.
Nếu gặp phải đối thủ vượt trội về sức mạnh như liên quân do Mỹ dẫn đầu thì quân đội đông đảo nhưng thiếu hiện đại của Iran có thể sẽ tan rã trong thời gian cực kỳ nhanh chóng.
Phương tiện thiết giáp của Iraq bị tiêu diệt trên "xa lộ tử thần"