Tàu hộ vệ tên lửa cỡ nhỏ Karakurt - Dự án 22800 được xem là "nắm đấm thép" của lực lượng tác chiến ven bờ Hải quân Nga những năm đầu thế kỷ 21. Theo cấu hình đã công bố, con tàu được vũ trang cực mạnh với tên lửa chống hạm siêu âm Kalibr, tổ hợp phòng không Pantsir-M và đặc biệt điểm nhấn là 4 mảng radar quét chủ động (AFAR) tương tự hệ thống Aegis của Mỹ.
Tuy nhiên khi chiếc đầu tiên mang tên Mytishchi (tên cũ Uragan) hạ thủy thì nỗi thất vọng tràn trề là cảm giác chung được nhắc tới, khi con tàu thiếu cả radar AFAR lẫn module Pantsir-M. Mọi hy vọng sau đó được đặt vào chiếc thứ hai Sovetsk với mong muốn con tàu sẽ có cấu hình mạnh hơn.
Tấm ảnh chụp chiếc Sovetsk khi còn mang tên Typhoon ở trong nhà máy cho thấy tại phần thượng tầng của nó đã xuất hiện các lỗ chờ trên tháp radar, dấu hiệu con tàu sẽ được trang bị đủ cả 4 mảng radar AFAR tạo ra góc quan sát đầy đủ 360 độ, đồng thời còn có tùy chọn cho tổ hợp Pantsir-M phía sau.
So sánh phần thượng tầng hai tàu tên lửa Karakurt đầu tiên của Hải quân Nga
Mặc dù vậy khi chiếc Sovetsk tiến hành chạy thử vào đầu tuần này thì những hy vọng mong manh còn lại đều đã tiêu tan khi tháp radar của nó vẫn bị bỏ trống và hỏa lực phòng không vẫn chỉ vỏn vẹn với 2 khẩu pháo bắn nhanh AK-630M mà thôi.
Hiện tại chưa rõ những khó khăn nào đã khiến người Nga cắt giảm cấu hình vũ khí trang bị của hai tàu đầu tiên đi như vậy, có lẽ không phải do vấn đề tài chính hay kỹ thuật vì hai tàu tiếp theo hạ thủy ngay sau đó mang tên Odintsovo (tên cũ Shkval) và Kozelsk (tên cũ Shtorm) vẫn đầy đủ sức mạnh như thiết kế.
Nếu nguyên nhân chính là vì Hải quân Nga quá sốt ruột trong việc tăng cường số lượng tàu mặt nước cho hạm đội, dẫn tới việc thúc ép nhà máy phải nhanh chóng hoàn thành những chiếc Karakurt đầu tiên khi chưa thử nghiệm xong hệ thống thì thật là tính toán sai lầm.
Chiếc Sovetsk neo đậu bên cạnh tàu Odintsovo, có thể nhận thấy rất rõ sự khác biệt trên tháp radar
Hy vọng rằng sau một thời gian hoạt động, hai chiếc Karakurt đầu tiên sẽ được nâng cấp hỏa lực phòng không bằng cách thay thế pháo AK-630M bằng module Pantsir-M, tương tự như những gì đã được thực hiện trên chiếc Molniya Dự án 1241.1 thông qua việc lắp đặt tổ hợp Palma.
Ngoài cải tiến trên thì người Nga vẫn có thể học tập Hải quân Israel khi họ nâng cấp chiếc Sa'ar 5 của mình với 4 mảng radar AFAR, trong khi ban đầu con tàu chỉ mang radar nhìn vòng thông thường. Hơn thế nữa, thiết kế gốc của tàu Karakurt cũng cho phép công việc được tiến hành một cách thuận tiện hơn.
Hạ thủy tàu tên lửa tàng hình cỡ nhỏ Typhoon - Chiếc thứ hai thuộc lớp Karakurt - Dự án 22800