Những ngày gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện thông tin chia sẻ của một phụ huynh về việc con gái 5 tuổi nhập viện Bạch Mai cấp cứu do uống trà sữa. Ngay sau đó, nhiều người tỏ ra hoang mang lo lắng vì trà sữa chính đồ uống ưa chuộng và quen thuộc của nhiều người hiện nay, trong đó chủ yếu là trẻ em và các bạn trẻ.
Trước thông tin trên, liên hệ với khoa Nhi (BV Bạch Mai) để tìm hiểu thông tin, các bác sĩ ở đây cho biết, có điều trị cho một bệnh nhi mẩn ngứa, nổi mề đay nhưng có phải do trà sữa hay không thì các bác sĩ không khẳng định.
Ths.BS Nguyễn Thành Nam - Phụ trách Khoa Nhi, BV Bạch Mai xác nhận, hiện tại Khoa Nhi đang điều trị cho bệnh nhi N.L.H (6 tuổi, ở Hoàng Mai, Hà Nội) vào viện ngày 11/4/2018 trong tình trạng mẩn ngứa ngoài da toàn thân, trên da nổi nhiều ban mề đay, tập trung thành các đám lớn.
Qua khám lâm sàng cùng các kết quả xét nghiệm, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị mày (mề) đay cấp và đã được điều trị theo đúng phác đồ (của Bộ y tế). Sau 1 tuần điều trị, hôm nay (17/4), sức khỏe của bệnh nhi đã ổn định và sẽ được xuất viện.
Cháu bé nhập viện do nổi mề đay cấp.
Trước câu hỏi của phóng viên về nguyên nhân dẫn đến tình trạng của bệnh nhân, BS. Tô Thị Hảo là người trực tiếp điều trị cho bệnh nhi nói: "Hiện chúng tôi không thể khẳng định vì không có bằng chứng khoa học chứng minh bệnh nhi bị phản ứng (ngộ độc) do uống trà sữa và thông tin trước đó bệnh nhi có uống trà sữa cũng chỉ là do người nhà kể lại".
Theo BS Hảo, mày (mề) đay là một bệnh ngoài da phổ biến do rất nhiều nguyên nhân gây ra như yếu tố gia đình, do cơ địa, do tác động của thời tiết, khí hậu, do dị ứng với một số thuốc hay thức ăn…
BS Hảo khuyến cáo, bậc phụ huynh cần cẩn thận khi cho con tiếp xúc với các vật dụng, thực phẩm mới, lạ, có nguy cơ gây dị ứng. Nhẹ thì trẻ bị nổi mẩn, mày đay cấp, đôi khi nặng trẻ có thể có các triệu chứng: khó thở, suy hô hấp và có thể tử vong. Đặc biệt những trẻ có tiền sử hen, dị ứng thời tiết hoặc gia đình có tiền sử dị ứng.
Trao đổi với chúng tôi về nguy cơ ngộ độc khi uống trà sữa, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - nguyên Trưởng Khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, trà sữa cũng như các loại thực phẩm, đồ uống khác, khi chế biến không hợp vệ sinh, có thể khiến người ăn bị ngộ độc, tiêu chảy, nôn trớ...
Đặc biệt đối với trẻ nhỏ sẽ có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ lâu dài. TS Dũng phân tích, nếu trẻ bị ngộ độc do trà sữa ngoài nguyên nhân do thành phần pha trà sữa không an toàn, không rõ nguồn gốc thì còn phụ thuộc vào nhiều nguyên nhân khác do nhiều khâu khác nhau như thời gian bảo quản quá lâu hay bị nhiễm vi khuẩn.
Các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài từ tay, chân người pha chế hay dụng cụ chế biến không đảm bảo cũng là nguyên nhân dẫn đến trẻ bị ngộ độc, dị ứng.
Xem thêm:
Bí mật của những hạt trân châu trong ly trà sữa