Sự thật về thụt tháo đại tràng thải độc, "tống" mầm bệnh thần kỳ: BS Việt tại Mỹ cảnh báo

Bác sĩ Trương Hoàng Hưng |

Có cần thụt tháo đại tràng khi bị táo bón? Dưới đây là cảnh báo của BS Nhi khoa Trương Hoàng Hưng, BS giảng dạy lâm sàng tại Đại học Công Nghệ Texas (Hoa Kỳ) về vấn đề này.

Khung đại tràng. Nguồn: science.com

Khung đại tràng. Nguồn: science.com

Táo bón là thứ trong đời chắc ai cũng trải qua ít nhất một lần, là chuyện mà nhiều trẻ con phải đi khám bệnh, nhưng cũng là thứ hay bị coi nhẹ nhất vì "chỉ là chuyện bình thường thôi mà".

Thế nhưng, các vấn đề về sức khoẻ tiêu hoá là điều vô cùng quan trọng cần phải giải quyết triệt để, đặc biệt là tình trạng táo bón. Táo bón không chỉ ảnh hưởng rất lớn tới sức khoẻ của người bệnh mà còn làm giảm nghiêm trọng chất lượng cuộc sống của họ. 

Vì sao lại bị táo bón?

Toàn bộ các cơ quan của hệ tiêu hoá đều tham gia vào quá trình tiêu hoá thức ăn. Trước hết, hàm răng có nhiệm vụ như một cái máy nghiền, nghiền nhỏ thức ăn. Dạ dày như một cái máy trộn, tiết thêm acid để tiêu hoá thức ăn. Tiếp đến, thức ăn được chuyển tới ruột non. Tại đây, thức ăn được phân giải, tiêu hóa và các các chất dinh dưỡng như protein, đường, chất béo, vitamin, … sẽ được hấp thu vào thành ruột, thành năng lượng đi nuôi cơ thể.

Thức ăn di chuyển từ ruột non sang ruột già nhờ sự co bóp của cơ thành ruột (hay còn được gọi là nhu động ruột).

Sự thật về thụt tháo đại tràng thải độc, tống mầm bệnh thần kỳ: BS Việt tại Mỹ cảnh báo - Ảnh 1.

Khung đại tràng. Ảnh minh hoạ.

Sự co bóp này rất quan trọng để giúp hệ tiêu hoá hoạt động trơn tru. Tuy nhiên, một khi nhu động ruột hoạt động kém đi sẽ gây ra tình trạng táo bón, hoặc hoạt động quá mức sẽ gây ra tiêu chảy. 

Sau khi ruột non hấp thu hết chất dinh dưỡng, một hỗn hợp sệt lỏng sẽ được đưa tới ruột già. Đây là hỗn hợp phân sơ khai gồm các chất cặn bã của thức ăn sau khi hấp thu, chất bã, chất xơ, nước,...

Lúc này ruột già (hay còn gọi là khung đại tràng) sẽ hấp thu nước ra khỏi dung dịch phân này và di chuyển dung dịch xuống hố chậu trái. Dung dịch phân sẽ ngày càng khô lại, mất nước, cứng hơn và tạo thành khối ở cuối ruột già bên trái, theo hình dạng của đại tràng.

Khi phân tích tụ, đầy ứ vùng cuối ruột già (trực tràng) làm căng trực tràng, gây kích thích hệ thần kinh ruột và báo hiệu cho cơ thể biết đã đến lúc cần phải "giải phóng" chỗ phân này.

Đây là quá trình tiêu hoá tự nhiên của cơ thể. Tuy nhiên, khi chúng ta không ăn đủ chất xơ, quá trình hình thành phân sẽ lâu hơn, phân nằm trong đại tràng lâu hơn, khô hơn và cuối cùng dẫn tới táo bón. Đặc biệt, khi cơ thể không đủ nước, tình trạng táo bón sẽ càng trầm trọng hơn. 

Cảnh báo tình trạng lạm dụng thụt tháo đại tràng

Thụt tháo đại tràng là thủ thuật đưa nước hoặc dung dịch chuyên dụng qua hậu môn vào đại tràng để làm mềm hoặc lỏng phân và kích thích thành ruột, đẩy phân ra ngoài. Thủ thuật này được thực hiện với mục đích hỗ trợ chẩn đoán và điều trị một số bệnh lý thường gặp tại phần đại trực tràng, trong đó có táo bón. 

Tuy nhiên, hiện nay, một vấn đề đáng báo động là nhiều người lạm dụng thụt tháo đại tràng với hy vọng "thải độc cơ thể", đẩy mầm bệnh ra ngoài. Thậm chí, có người còn thụt đại tràng 2 lần/ngày với mục đích này.

BS Trương Hoàng Hưng cho rằng đây là việc làm nguy hiểm. Theo đó, BS Hưng cho biết táo bón là một tình trạng hết sức bình thường. Khi chúng ta không tiêu thụ đủ chất xơ, nước hoặc sử dụng một số loại thuốc làm giảm nhu động ruột, hoặc sau một đợt bệnh có sốt, ho gây mất nước thì hoàn toàn có thể bị táo bón. Việc chúng ta cần làm là bổ sung chất xơ và nước, xin tư vấn của bác sĩ để được đổi thuốc điều trị nếu tình trạng táo bón kéo dài. 

Để nhận biết mình có bị thiếu nước hay không, BS Hưng mách cách nhìn màu nước tiểu. Theo đó, nước tiểu trắng là uống đủ nước, nước tiểu sẫm màu hơn có thể là do thiếu nước. 

Sự thật về thụt tháo đại tràng thải độc, tống mầm bệnh thần kỳ: BS Việt tại Mỹ cảnh báo - Ảnh 2.

Rau xanh và trái cây có nhiều chất xơ hoà tan, cực tốt cho tiêu hoá, giúp phòng tránh táo bón. Ảnh minh hoạ.

Ngoài ra, BS Hưng cho rằng tư thế ngồi đại tiện cũng cần được chú ý. Theo đó, tư thế ngồi đầu gối cao hơn hông sẽ giúp việc đại tiện dễ dàng hơn. 

BS Trương Hoàng Hưng tốt nghiệp Đại học Y Dược TP HCM năm 2000, sau đó làm nội trú Nhi khoa tại Đại học Y Dược TP HCM và Đại học Công Nghệ Texas (TTU). Hiện, bác sĩ Hưng đang hành nghề BS Nhi khoa và BS giảng dạy lâm sàng tại TTU, Texas, Hoa Kỳ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại