Năm 1960, tại Đại hội thể thao Rome, vận động viên đua xe đạp người Đan Mạch tên Knud Enemark Jensen bị ngã khỏi xe đạp và tử vong ngay sau đó. Kết quả khám nghiệm cho thấy nguyên nhân cái chết của Jensen là chất amphetamine. Cũng chính chất này đã gây ra sự mất tập trung ở anh trong khi thi đấu.
Rất nhiều vận động viên đã bị đột quỵ trong khi thi đấu vì sử dụng doping. Nguồn: Knud Jensen
Báo chí thể thao viết: Cái chết của Jensen đã khiến thế giới ngỡ ngàng trước việc sử dụng chất kích thích ở các vận động viên ưu tú. Vài năm sau đó, các liên đoàn thể thao đã cấm sử dụng các loại thuốc tăng cường để đoạt thành tích cao trong thi đấu.
Thế nhưng trong những năm qua, việc các vận động viên việc tìm đến thực phẩm bổ sung giúp nâng cao hiệu suất vận động nhằm đạt được một mục tiêu vận động nào đó không phải hiếm.
Doping - nhạy cảm quá! Tôi có "thực phẩm bổ sung"
Trong tiếng Việt, doping được quen dùng để chỉ việc sử dụng các chất kích thích, còn dope là các chất kích thích. Các tác giả mô tả việc sử dụng doping là "sử dụng một chất hoặc phương pháp có khả năng gây nguy hiểm cho sức khỏe của vận động viên nhưng cũng có khả năng nâng cao thành tích của họ" như được định nghĩa trong "Tuyên bố Lausanne" của Ủy ban Olympic Quốc tế về Doping trong thể thao.
Để né khỏi hai từ nhạy cảm trên, nhiều chất kích thích mới được dán những cái nhãn rất vô hại như "thực phẩm bổ sung" hay "viên vitamin tổng hợp" để qua mặt người trong cuộc và giới chức trách.
Một quảng cáo dùng thực phẩm bổ sung trong thể thao. Nguồn ghi trên ảnh
Mới đây nhất, vào cuối tháng 01/2022, một bài báo trình bày quan điểm (position paper) do Hiệp hội Tim mạch Châu Âu xuất bản trên Tạp chí Tim mạch Dự phòng Châu Âu đã cảnh báo về tác động xấu của một số chất bổ sung và thuốc đến sức khỏe tim mạch của vận động viên.
Sử dụng chất kích thích trong thể thao
Cơ quan Phòng chống Doping Thế giới (WADA) đã đưa ra danh sách các chất và thuốc mà vận động viên không được phép sử dụng trong thể thao. Tuy nhiên, thường phải mất một khoảng thời gian khá lâu WADA mới được cảnh báo về việc vận động viên sử dụng chất bổ sung hoặc một loại thuốc mới nào đó.
Nguyên nhân là gì?
GS. Bernard Cheung, một chuyên gia về bệnh tim mạch, giải thích "danh sách các chất bị cấm không thể theo kịp các loại thuốc mới được tạo ra để lách luật".
Doping có thể tăng nguy cơ đau tim, huyết khối, suy tim, nhịp tim bất thường và xơ vữa động mạch vành
Ngoài ra còn có các nguy cơ. Các nguy cơ này xảy ra khi các vận động viên sử dụng các chất đồng hóa (anabolic agent) để giúp cải thiện khối lượng cơ, hoặc sử dụng chất kích thích để cải thiện sức bền và tăng cường chức năng nhận thức. TS. Edo Paz - một chuyên gia về tim mạch đồng thời là Phó Chủ tịch Y tế tại K Health lưu ý ""Những chất này dẫn đến hàng loạt các vấn đề nguy hiểm liên quan đến tim như cao huyết áp, tắc nghẽn động mạch tim, đau tim, nhịp tim bất thường, đột tử, các bệnh về cơ tim và suy tim".
Vẫn theo nghiên cứu trên, việc sử dụng các loại thuốc phổ biến được kê đơn như thuốc chẹn beta (thuốc điều trị các bệnh tim mạch), thuốc chống kết tập tiểu cầu (ức chế sự hình thành cục máu đông, từ đó giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ) và thuốc tác động lên thần kinh như benzodiazepine (một nhóm thuốc an thần) có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tim mạch NẾU các vận động viên không sử dụng đúng cách.
Mặc dù các loại thuốc trên thường xuyên được kê đơn điều trị bệnh, nhưng người sử dụng vẫn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ về những tác dụng phụ không mong muốn khi dùng thuốc trong thời gian tập luyện thể thao.
Các chất bổ sung dinh dưỡng hợp pháp hoặc có nguồn gốc tự nhiên thì chắc là an toàn chứ?
WADA cho phép vận động viên sử dụng một số chất bổ sung dinh dưỡng. Tuy nhiên, ngay cả các chất bổ sung hợp pháp cũng có thể tiềm ẩn nguy cơ gây các vấn đề về tim mạch, đặc biệt nếu không sử dụng đúng cách.
Ví dụ, nhiều vận động viên sử dụng các chất bổ sung như vitamin và khoáng chất, nhưng tác dụng phụ vẫn sẽ xảy ra khi lạm dụng hoặc không tuân thủ các khuyến cáo về liều lượng.
Caffeine, nicotine và một số chất bổ sung nguồn gốc thực vật (được WADA cho phép) vẫn có thể gây ra các vấn đề về tim đối với người sử dụng như làm tăng nhịp tim, tăng huyết áp và tăng nguy cơ nhịp tim bất thường-tác giả lưu ý.
Ngoài ra, một số nhà sản xuất còn pha trộn chất cấm vào các chất bổ sung. Bên cạnh đó, nhiều chất bổ sung khác vẫn cần được thử nghiệm thêm để chúng ta có thể hiểu đầy đủ các tác động của chúng đối với tim mạch.
Ngay cả khi sản phẩm nào đó được dán nhãn "tự nhiên", "chiết xuất từ thực vật tự nhiên" khác nhau cũng có thể gây ra nguy cơ sức khỏe nghiêm trọng, và các vận động viên thậm chí có thể có nguy cơ vi phạm các quy tắc chống doping."(trích bài báo).
Các vận động viên cần phải thận trọng và cân nhắc kỹ để tránh không lạm dụng các chất này, ví dụ sử dụng quá liều lượng.
Theo tiến sĩ Cheung, hầu hết các vận động viên không muốn lạm dụng thuốc, nhưng bởi họ thường còn trẻ và đôi khi nhận được lời khuyên không tốt từ những người có kinh nghiệm hơn như đồng nghiệp và huấn luyện viên nên họ đã thử sử dụng.
Khuyến khích rèn luyện lành mạnh
Các tác giả lưu ý rằng các nhà khoa học cần nghiên cứu tác động đến sức khỏe tim mạch của một số phương pháp mới, ví dụ việc uống peptide tổng hợp.
Tiến sĩ Paolo Emilio Adami, một trong những tác giả của bài báo, nói rằng điều quan trọng nhất rút ra từ bài báo này là mọi vận động viên cần phải chịu trách nhiệm cho hành động của mình.
"Bài học quan trọng nhất là các vận động viên luôn phải chịu trách nhiệm về bất kỳ chất (hay thuốc) nào họ sử dụng. Điều này cũng áp dụng cho chất bổ sung tự nhiên. Do đó, chỉ nên sử dụng nếu được các chuyên gia dinh dưỡng chuyên nghiệp khuyên dùng ".
"Sự thiếu hiểu biết", như trích dẫn trong bài báo, "không được chấp nhận như một lời bào chữa khi có kết quả xét nghiệm dương tính với doping. Với những người đã mắc bệnh tim mạch, luôn phải hỏi ý kiến bác sĩ thể thao hoặc bác sĩ tim mạch trước khi sử dụng bất kỳ chất hỗ trợ hoặc chất bổ sung nào".
Dự án "Thực phẩm Cộng đồng" https://thucphamcongdong.vn/ cung cấp kiến thức khoa học thường thức, chính xác, khách quan và đáng tin cậy về thực phẩm, dinh dưỡng và sức khoẻ cho người Việt với mong muốn lan tỏa tri thức, chung tay vì sức khỏe cộng đồng. Hệ thống kiến thức của Dự án được tổng hợp, biên phiên dịch và cập nhật thường xuyên từ nguồn thông tin khoa học uy tín, chuẩn xác bởi các nhà khoa học trong và ngoài nước đang làm việc trong lĩnh vực Công nghệ Thực phẩm và các ngành liên quan.
Tài liệu tham khảo:
https://www.medicalnewstoday.com/articles/performance-enhancing-supplements-experts-warn-of-cardiovascular-risk