Các chiến binh Spetsnaz đầu tiên
Trên thực tế, Spetsnaz có lịch sử ra đời từ cách đây hơn một thế kỷ. Vào tháng 10/1915, trung úy Leonid Punin từ Trung đoàn 8 Phần Lan, đã nảy ra ý tưởng thành lập một đơn vị quấy phá và trinh sát có khả năng "phá vỡ hoạt động ở hậu phương quân đội Đức, khiến đối thủ rơi vào tình trạng hỗn loạn".
Các sĩ quan chỉ huy rất thích ý tưởng về một đơn vị bí mật có khả năng gieo rắc nỗi kinh hoàng đằng sau hàng ngũ kẻ thù, vì vậy họ đã chấp nhận đề xuất nói trên.
Về cơ bản, các đơn vị có nhiệm vụ tương tự như vậy đã từng tồn tại trước đây. Ví dụ, đội biệt kích do Denis Davydov lãnh đạo trong Chiến tranh năm 1812.
Tuy nhiên, binh sĩ của Punin là những đặc nhiệm đầu tiên trong lịch sử Nga được xác định chính thức là một biệt đội có sứ mệnh đặc biệt.
Mặc dù vậy, chiến tranh ngày càng khốc liệt hơn và đã thay đổi nhiều so với các cuộc chiến trong quá khứ. Để thực hiện một cuộc đột kích vào hậu tuyến của kẻ thù khi trước mặt là mặt trận đầy bom đạn và doanh trại địch được canh phòng cẩn mật là điều không hề đơn giản.
Đội đặc nhiệm của Punin đã phải học cách xâm nhập vào các cứ điểm của kẻ thù một cách lén lút và làm thế nào để có thể tung ra những đòn đánh chí mạng, khiến kẻ thù phải chịu tổn thất lớn nhất.
Biệt đội tinh nhuệ nhất
Biệt đội của Punin, được chính thức gọi là Đơn vị đặc biệt của Trụ sở Mặt trận phía Bắc với 300 thành viên. Nhiều người trong đó người Cossacks thiện chiến. Đó là lý do tại sao chỉ huy Punin được trao danh hiệu là một "ataman" – thủ lĩnh Cossacks, mặc dù bản thân ông không phải là người thuộc dân tộc này.
Theo nhà nghiên cứu về lịch sử của biệt đội, Olga Khoroshilova, quyết định này nhằm giúp ông có được sự tôn trọng của các chiến binh cấp dưới. Mục tiêu này đã thành công khi chiến binh coi Punin như một thủ lĩnh thực sự.
Đội quân đa sắc tộc có người Nga, người Ukraine, người Buryats và người Latvia trong hàng ngũ.
Các tiêu chí lựa chọn chính là có thể hình tốt và kinh nghiệm chiến đấu. Ngoài ra, một số binh sĩ có khả năng nói tiếng Ba Lan, tiếng Litva, tiếng Latvia và tiếng Đức sẽ rất quan trọng cho các hoạt động trên các khu vực bị quân Đức chiếm đóng.
Đơn vị được trang bị dao và súng trường Đức. Các thành viên đặc nhiệm sẽ phải tìm cách tiếp đạn bằng cách lấy từ kho vũ khí của địch thay vì mang theo nhiều trong người. Đội biệt kích không có đoàn xe tiếp tế riêng vì hành tung của họ cần phải giấu kín nhất có thể. Họ cũng chọn những con ngựa khỏe mạnh và sức bền tốt nhất.
Biểu ngữ của biệt đội là một mảnh lụa đen lớn. Một mặt in hình xương chéo đầu lâu và một dòng chữ có nội dung: "Các kỵ sĩ mang tử thần đến cho người Đức"; và mặt bên kia là hình ảnh Thánh George the Victorious giết chết một con rắn bằng giáo.
Đi vào lịch sử
Những người lính của Punin thường hành động sau lưng kẻ thù, khiến đối phương không kịp trở tay và bắt những tù nhân có thể cung cấp thông tin có giá trị.
Nhiệm vụ của họ thường là tìm ra địa điểm và kế hoạch chính xác của kẻ thù, cũng như có được các tài liệu bí mật quan trọng, tạo ra bầu không khí lo sợ thường trực cho quân Đức, buộc kẻ thù phải kéo quân từ tiền tuyến về hậu phương.
Họ cũng hợp tác với người dân địa phương bằng cách phát tờ rơi tuyên truyền và tuyển mộ người Latvia, tạo ra một mạng lưới tình báo ở hậu phương Đức.
Nếu cần thiết, biệt đội có thể được chia thành mười nhóm nhỏ, tối đa 25 người, với mỗi nhóm thực hiện nhiệm vụ riêng trải rộng trên lãnh thổ của kẻ thù. Đội biệt kích cũng có nhiệm vụ phá hủy đường dây liên lạc của kẻ thù.
Ngoài thực hiện các hoạt động phá hoại, đơn vị của Punin còn thể hiện rất tốt trong các trận chiến lớn, như trong chiến dịch phòng vệ ở thành phố Riga và Trận chiến Giáng sinh đẫm máu.
Không may, trung úy Punin đã bị giết vào ngày 1/9/1916 gần một thị trấn nhỏ phía Tây thành phố Riga. Để tưởng nhớ, biệt đội của ông chính thức được gọi là Đơn vị đặc biệt của Thủ lĩnh Punin.
Cuộc cách mạng tháng Hai năm 1917 và sự sụp đổ nhanh chóng của quân đội Nga diễn ra sau đó không ảnh hưởng nhiều đến nhóm tiền thân Spetsnaz. Giới lãnh đạo mới vẫn đảm bảo rằng đơn vị của Punin sẽ tiếp tục tồn tại.
Cùng với các Biệt đội súng trường Latvia, nhóm cũng thường tham gia vào các hoạt động chiến đấu chung, đơn vị Punin vẫn là đơn vị quân sự sẵn sàng chiến đấu duy nhất ở khu vực Baltic.
Nhóm còn có công lớn trong việc khôi phục kỷ luật quân đội trong các đơn vị chính quy vốn đã trở nên bệ rạc ở thời kỳ đó.