Sự kiện Doklam: Đối đầu Trung-Ấn chưa thực sự kết thúc, cuộc chiến mới đang chỉ bắt đầu

Đại sứ Trần Đức Mậu |

Dù cuộc đối đầu Trung-Ấn tại cao nguyên Doklam đã chấm dứt nhưng mức độ nghi ngờ và đối phó lẫn nhau sẽ tăng lên chứ không giảm đi.

"Kết thúc bất ngờ"

Về biểu hiện ra bên ngoài, bất ngờ như Trung Quốc đưa quân đội đến cao nguyên Doklam với mục đích được phía Bắc Kinh đưa ra là làm đường, Trung Quốc và Ấn Độ đạt được thoả thuận về cùng rút quân khỏi cao nguyên.

Theo những gì mà bên ngoài có thể biết được thì phía Ấn Độ chấp nhận rút toàn bộ quân trước nhưng sau đó không có chuyện Ấn Độ hay Bhutan tiến hành đàm phán với Trung Quốc về chủ quyền lãnh thổ đối với cao nguyên này.

Trung Quốc rút quân sau và không đề cập gì nữa đến chuyện làm con đường mới trên cao nguyên. Truyền thông Trung Quốc ngợi ca thoả thuận này là một thắng lợi của Bắc Kinh. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết quá trình rút quân của hai bên ra khỏi cao nguyên này đã hoàn tất.

Chắc chắn Trung Quốc và Ấn Độ trước đó đã phải bí mật tiếp xúc và đàm phán với nhau nhiều lần trong nhiều ngày mới đạt được thoả thuận này. Cũng nhìn vào bề ngoài thì có cảm giác là vụ việc này đã được giải quyết và ở khu vực cao nguyên mọi chuyện giờ lại như trước. Trong thực chất không phải như vậy.

Cũng có ý kiến cho rằng, Trung Quốc chịu chấp nhận thoả thuận này vì muốn tránh khả năng ông Modi không tới dự hội nghị cấp cao sắp tới của nhóm BRICS - nhóm các nền kinh tế mới nổi gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi - tổ chức ở Trung Quốc. Cho rằng như thế không sai nhưng không hẳn hoàn toàn đúng.

Khuôn khổ diễn đàn BRICS có tầm quan trọng về chính trị thế giới đối với cả hai nước đến mức họ không thể vì chuyện song phương mà để BRICS bị tổn hại. Sẽ không có chuyện ông Modi không tới dự hội nghị cấp cao của BRICS chỉ vì để phản đối Trung Quốc.

Sự kiện Doklam: Đối đầu Trung-Ấn chưa thực sự kết thúc, cuộc chiến mới đang chỉ bắt đầu - Ảnh 1.

Thủ tướng Ấn Độ sẽ tới Trung Quốc tham dự hội nghị thượng đỉnh BRICS vào tháng 9 tới đây. Ảnh: (Reuters/China Daily)

Căng thẳng âm ỉ

Trung Quốc tranh chấp chủ quyền với Bhutan về cao quyền Doklam. Giữa Bhutan và Ấn Độ lại có hiệp ước hữu nghị mà một trong những nội dung ở trong đó là cam kết của Ấn Độ bảo vệ an ninh cho Bhutan.

Cho nên đối với Bhutan và Ấn Độ, việc Trung Quốc đưa quân đội vào cao nguyên Doklam là vi phạm luật pháp quốc tế trong khi đối với Ấn Độ, việc triển khai quân đội ở nơi đây để đối phó quân đội Trung Quốc là phù hợp luật pháp quốc tế vì theo yêu cầu của Bhutan và thực hiện cam kết trong hiệp ước kia.

Điều đáng chú ý nữa ở vụ việc này là Trung Quốc khơi mào và còn tung ra chiêu bài mời chào hỗ trợ tài chính 10 tỷ USD cho Bhutan để tranh thủ và thu phục Bhutan, để phân rẽ Bhutan với Ấn Độ và để biến cục diện ba bên lâu nay trên cao nguyên Doklam trở thành chỉ còn là chuyện song phương nữa thôi giữa Trung Quốc và Bhutan.

Cái lợi đối với Bhutan qua chuyện này là tăng được thêm đáng kể vị thế của mình trong chiến lược của Trung Quốc và Ấn Độ, có được thế thuận lợi hơn bao giờ hết để chơi con bài đối trọng và có thêm sự lựa chọn đối tác mới cho tương lai.

Cái nguy hại đối với nước này là bắt đầu lại bị Trung Quốc công khai đẩy mạnh tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở khu vực cao nguyên Doklam, tức là thách thức về an ninh từ phía Trung Quốc trở nên thời sự và nghiêm trọng, thường trực và khó lường.

Với Bhutan lần này trên cao nguyên Doklam, Trung Quốc lặp lại cách thức duy trì tranh chấp chủ quyền lãnh thổ như vẫn thường thấy với nhiều nước láng giềng khác. Nó còn là phép thử mới của Trung Quốc về phản ứng và đối phó của Ấn Độ cũng như về mức độ bền chặt của mối quan hệ đồng minh và liên minh giữa Bhutan với Ấn Độ.

Trung Quốc không đạt được mục tiêu làm thay đổi nguyên trạng trên thực địa ở cao nguyên. Thoả thuận giữa Trung Quốc và Ấn Độ giúp cả hai giữ được thể diện, nhưng trong thực chất có lợi cho Ấn Độ về chính trị nhiều hơn Trung Quốc.

Trung Quốc phải rút quân khỏi cao nguyên khi chủ định làm đường vẫn còn dang dở và Ấn Độ có thể cho thế giới thấy rằng vì phản ứng và đối phó của Ấn Độ mà Trung Quốc không làm thay đổi được nguyên trạng trên cao nguyên.

Sự kiện Doklam: Đối đầu Trung-Ấn chưa thực sự kết thúc, cuộc chiến mới đang chỉ bắt đầu - Ảnh 2.

Thế giới bên ngoài có thể phân biệt được rõ ràng tính hợp pháp và không hợp pháp của việc Trung Quốc và Ấn Độ đưa quân đội đến cao nguyên. Ấn Độ có cơ hội chứng tỏ cho Bhutan thấy là không chỉ sẵn sàng và kiên định thực hiện cam kết mà còn có đủ khả năng thực tế để bảo vệ an ninh cho Bhutan trước thách thức an ninh từ Trung Quốc.

Điều nguy hại tiềm ẩn trong chuyện lần này đối với Ấn Độ là Trung Quốc không chỉ lại khuấy động tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trực tiếp với Bhutan, tức là gián tiếp thách thức Ấn Độ, mà còn có cách thức mới để lôi kéo Bhutan ra khỏi liên minh an ninh với Ấn Độ và đưa nước này vào quỹ đạo chi phối, dẫn dắt của Trung Quốc.

Từ nay, chuyện liên quan đến cao nguyên Doklam đã chính thức trở thành chuyện của cả giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Quan hệ của Bhutan với Trung Quốc và Ấn Độ vì thế đã không còn như trước nữa.

Ấn Độ và Trung Quốc cũng như Bhutan và Trung Quốc chưa có được giải pháp cho vấn đề cao nguyên Doklam nhưng không bên nào muốn cung đột quân sự xảy ra và không có chủ ý gây xung đột quân sự với bên kia ở nơi này.

Ấn Độ và Trung Quốc đã chứng tỏ vẫn có chủ ý chính trị và kênh tiếp xúc trên thực tế cho đàm phán trực tiếp với nhau về các vấn đề liên quan đến biên giới và chủ quyền lãnh thổ. Chỉ có điều là mức độ nghi ngờ và đối phó lẫn nhau tăng lên chứ không giảm đi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại