Sự khác biệt của hai tuyên bố
Ngày 28/8, Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết, "hai nước Trung-Ấn đã nhất trí kết thúc cuộc xung đột nổ ra từ tháng 6 tại cao nguyên Doklam. Trên cơ sở đó, hai bên nhanh chóng triển khai di tản lực lượng quân sự ở khu vực Doklam".
Trước thông báo của New Delhi, chính phủ Trung Quốc chưa vội trực tiếp xác nhận tính xác thực của thông tin này, thay vào đó báo đảng Trung Quốc Nhân dân nhật báo lại lên tiếng trước.
Liền sau đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố, vào 14 giờ 30 phút chiều 28/8, Ấn Độ rút toàn bộ số binh lính và phương tiện quân sự trong khi Bắc Kinh tiếp tục duy trì sự hiện diện ở Doklam nhằm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.
Giới chuyên gia nhận định, không chỉ khác biệt ở nội dung tuyên bố mà tuần tự thông báo cũng rất đặc biệt. Cụ thể, Trung Quốc tỏ ra khá tiết chế nhường cho Ấn Độ là bên đầu tiên thông báo rút quân và khẳng định quyết định rút quân được dựa trên sự đồng thuận của cả hai bên, qua đó phát đi tín hiệu rằng, quyết định này không phải do Bắc Kinh tạo áp lực buộc New Delhi phải thực hiện.
Điều này đồng nghĩa với việc, cuộc đối đấu Trung Ấn kéo dài gần 3 tháng cuối cùng đã có giải pháp hòa bình, dự đoán về một cuộc chiến tranh toàn diện may mắn đã không xảy ra và không quá ngạc nhiên khi nguồn tin từ New Delhi cho biết, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS - nhóm các nền kinh tế mới nổi gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi - tới đây tại Phúc Kiến, Trung Quốc.
Giới truyền thông nhận định, hội nghị BRICS có thể là "liều thuốc" hóa giải khủng hoảng Trung-Ấn. Ảnh: Tân Hoa Xã
Chấm dứt đối đầu vì đâu?
Trước việc hai nước Trung-Ấn bất ngờ tuyên bố chấm dứt đối đầu tại cao nguyên Doklam, truyền thông phương Tây đã đưa ra nhiều nhận định về nguyên nhân dẫn đến sự đồng thuận trên. Đa phần giới truyền thông đều cho rằng, tuyên bố này có liên quan đến hội nghị thượng đỉnh BRICS.
Một số ý kiến cho rằng, hội nghị BRICS năm nay là một trong những hoạt động ngoại giao quan trọng do Trung Quốc chủ trì nên nếu Ấn Độ không tham gia, tất sẽ ảnh hưởng đến thông điệp của hội nghị mà Bắc Kinh muốn truyền tải.
CNN (Mỹ) dẫn lời nhà quan sát Ấn Độ Manoj Joshi cho biết, hai bên chấm dứt bế tắc ngay trước thềm hội nghị BRICS chứng tỏ, Thủ tướng Modi đã đối phó được với áp lực từ Trung Quốc và khiến Bắc Kinh đưa ra nhượng bộ lớn.
Các nhà ngoại giao tại Bắc Kinh cho rằng, Trung Quốc mong muốn có thể giải quyết cuộc đối đầu biên giới với Ấn Độ trước thềm hội nghị BRICS để đảm bảo sự kiện xung đột vừa qua sẽ không ảnh hưởng đến tinh thần hợp tác của Trung Quốc với các quốc gia đang phát triển.
Một số bình luận khác phân tích, do Trung Quốc hiện nay đang đối mặt với nhiều thách thức, trong khi xung đột với Ấn Độ ở khu vực Doklam không nằm trong chiến lược cốt lõi của Trung Quốc, Bắc Kinh lại không muốn tập trung sức mạnh đối đầu với New Delhi nên đưa ra quyết định chấm dứt xung đột.
Tờ The Economic Times bình luận, đối đầu Trung-Ấn chưa dễ kết thúc nếu không nhờ công lao của "người phá băng" - Tổng thống Nga Vladimir Putin bởi theo tờ này, Tổng thống Nga đặc biệt coi trọng sự hợp tác giữa các thành viên của nhóm BRICS nên đã "ra tay hóa giải khủng hoảng Bắc Kinh-New Delhi".
Luồng ý kiến khác nhận định, để tập trung giải quyết một số bất ổn trong nước như bạo loạn nổ ra ở hai bang phía bắc Punjab và Haryana sau khi giáo sĩ "người nhà trời" tự phong Gurmeet Ram Rahim Singh bị buộc tội hiếp dâm, chính phủ của Thủ tướng Modi mới quyết định không tiếp tục duy trì đối đầu ở biên giới.