Tin đồn Su-25 "về vườn" là thất thiệt?
Các máy bay cường kích Su-25 sẽ còn phục vụ trong Không quân Nga một thời gian dài nữa, bất chấp những tuyên bố đã nhiều lần được đưa ra về việc chúng sắp bị "cho về vườn".
Thông tin này do một nguồn tin thân cận trong lĩnh vực hàng không chia sẻ cho hãng thông tấn Interfax (Nga). Tất cả những máy bay Su-25 và Su-25SM hiện nay, ước vào khoảng gần 200 chiếc, có thể sẽ được nâng cấp lên thành Su-25SM3.
Hiện nay, Su-25SM3 đang trong quá trình thử nghiệm mà chính thức được bắt đầu vào tháng 1 năm ngoái.
"Cần kiểm tra rất kỹ càng tình trạng hoạt động của tất cả các hệ thống mới, có đáp ứng hay không các tiêu chuẩn đối với máy bay. Đây là công việc diễn ra trong vòng 3 tháng tới. Sau đó các nhiệm vụ chiến đấu sẽ được thực hiện", nguồn tin của Interfax thông báo. Các nhiệm vụ chiến đấu được hiểu là "chuyến công tác" tới Syria.
Điều khiến người ta quan tâm đó là tuyên bố về việc "Trong chương trình quốc gia về mua sắm vũ khí đến năm 2027 dự kiến sẽ có nhiều máy bay cường kích sẽ được nâng cấp, nhưng các bản hợp đồng liên quan vẫn chưa được ký kết".
Máy bay cường kích Su-25SM.
Công tác nâng cấp sẽ tập trung vào các máy bay hiện có bởi vì dây chuyển sản xuất Su-25 tại các nhà máy ở Tbilisi (Gruzia) và Ulan Ude đã không còn hoạt động từ sau khi Liên Xô tan rã. Có nghĩa tuổi đời của những máy bay "trẻ" nhất cũng đã gần 30 năm.
Các cỗ máy này dự kiến sẽ chấm dứt được khai thác vào năm 2020, nhưng căn cứ vào những thông tin đề cập trong chương trình quốc gia về vũ khí đến năm 2027, các máy bay được nâng cấp có thể được khai thác ít nhất tới giữa những năm 2030. Đối với các máy bay của lực lượng không quân tiền phương, đây có thể coi là tuổi thọ khá cao.
Su-25 là chiếc máy bay cường kích tuyệt vời
Trên thế giới chỉ có hai dòng máy bay cường kích thuộc lớp này là Su-25 và A-10 của Mỹ. Những phẩm chất tuyệt vời của Su-25 - biệt danh là "Quạ đen", đã được chứng minh trong cuộc chiến tại Afghanistan.
Trước tiên, nó có khả năng sinh tồn đặc biệt bởi mức độ chống đạn cao không chỉ của buồng lái mà cả những khớp nối và chi tiết quan trọng nhất, vì thế Su-25 được gọi là "cỗ xe tăng bay".
Trong vòng 8 năm tham chiến tại Afghanistan, nNhững con "Quạ đen" đã thực hiện gần 60 nghìn lần xuất kích chiến đấu nhưng chỉ bị tổn thất trong chiến đấu có tổng cộng 23 chiếc, với trung bình 2.800 giờ bay mỗi chiếc.
Mỗi chiếc Su-25 bị bắn hạ từng chịu trung bình 90 hỏng hóc do tên lửa hoặc súng trung liên gây ra. Không một "Quạ đen" nào bị rơi vì nổ bình xăng hay phi công thiệt mạng ở trên không. Không một máy bay của lực lượng không quân tiêm kích và cường kích nào ở Liên Xô và trên thế giới đạt được những chỉ số này.
Thậm chí từng có máy bay cường kích của Liên Xô quay trở về căn cứ với hơn 150 vết thủng. Có những trường hợp phi công đã hạ cánh thành công máy bay bị hư hỏng tới mức không tưởng. Bị đạn bắn mất nửa cánh. Động cơ bị đạn xuyên thủng. Hệ thống thủy lực không hoạt động. Mạng điện hỏng hoàn toàn. Động cơ chảy nhiên liệu. Càng đáp không hoạt động…
Bên cạnh đó, tính hiệu quả cao của hệ thống vũ khí cũng đã được chứng minh. Xác suất diệt mục tiêu của các tên lửa do cường kích Su-25 phóng ra là 95% tại Afghanistan.
Máy bay cường kích Su-25 Liên Xô chiến đấu ở Afghanistan.
Nâng cấp hay là... vứt?
Kể từ thời kỳ huy hoàng ở chiến trường Afghanistan đến nay đã hơn 30 năm trôi qua, các tính năng chiến đấu của cả Su-25 bắt đầu lạc hậu, do đó chúng phải được nâng cấp. Hiện nay người ta đang nghiên cứu gói nâng cấp thứ hai tới phiên bản Su-25SM3 do Nhà máy Sửa chữa hàng không số 121 ở Thành phố Kubinka (ngoại ô Moscow, Nga) thực hiện.
Như đã đề cập, khung vỏ vẫn giữ nguyên. Động cơ cũng không thay đổi, chỉ có phần lớn hệ thống điện tử được nâng cấp.
Trước tiên, trạm phòng vệ "Vitebsk" được lắp đặt trên chiếc máy bay này. Để đảm bảo an toàn cho Su-23SM3 trước các cuộc tấn công bằng tên lửa, nó có thể tung ra các bẫy nhiệt "truyền thống" cũng như tạo nhiễu đối với những đầu đạn tự tìm kiếm mục tiêu của các tên lửa địch, khiến cho chúng bay chệch sang hướng khác.
Hiện nay "Vitebsk" được sử dụng trên các máy bay trực thăng tấn công Mi-28N và Ka-52 mà cũng thực hiện công việc tương tự ở tầm thấp giống như các máy bay cường kích.
Trong quá trình thử nghiệm, trạm đã chứng tỏ được những mặt mạnh của mình: Mi-8 với "Vitebsk" đứng yên không nhúc nhích trên thao trường khi bị hàng loạt các tên lửa phòng không tấn công. Và toàn bộ các tên lửa đều trượt mục tiêu.
Tuy nhiên các điều kiện chiến đấu thực tế khác so với trên thao trường. Sau khi Ka-52 tham chiến tại Syria, các kỹ sư thiết kế "Vitesk" đã nhận được chỉ đạo hoàn thiện tổ hợp này vào mùa thu năm ngoái. Và đương nhiên các "Siêu quạ đen" đang được thử nghiệm vẫn phải sử dụng tổ hợp "Vitebsk" cũ.
Chiếc máy bay cường kích này còn được trang bị hệ thống định vị-quang SOLT-25. So với phiên bản "Klena" đã lỗi thời, nó giúp không chỉ phát hiện các mục tiêu mà còn theo dõi các mục tiêu này mọi lúc và trong mọi điều kiện thời tiết.
Hệ thống này gồm các kênh ảnh - nhiệt cũng như khí tài laser. SOLT-25 cũng thực hiện nhiệm vụ định vị mục tiêu cho các tên lửa có trang bị đầu cảm biến tự tìm mục tiêu bằng laser. Ở khoảng cách 8km, hệ thống này có sai số không vượt quá 0,5m.
Khi ném các loại bom rơi tự do, Su-25SM3 sử dụng tổ hợp định vị-ngắm bắn SVP-24-25. Đây là phiên bản nâng cấp của SVP-24 được sử dụng trên các máy bay ném bom tiền phương Su-24M. Nhờ tổ hợp này, các lần rải bom sẽ đạt được độ chính xác cao. Độ lệch tối đa khỏi mục tiêu không vượt quá 10-15m, một chỉ số hoàn toàn tiệm cận với vũ khí chính xác.
Tuy nhiên Công ty Sukhoi dự định chế tạo phiên bản nâng cấp tiếp theo – Su-25SMT. Trên cỗ máy này, chức năng diệt xe tăng địch sẽ được tăng cường thêm.
Su-25SM của Không quân Nga chiến đấu ở Syria.
Su-25 đấu Su-34: Điều gì đang chờ đón KQ Nga trong vào 10 năm tới?
3 năm qua người ta đã nói nhiều tới việc các máy bay tiêm kích-ném bom tiền phương Su-34 sẽ làm cho các phiên bản Su-25 thất sủng. Cả phe ủng hộ lẫn phe phản đối kế hoạch này có lý của mình.
Phe ủng hộ Su-25 nói gì?
Họ cho rằng cỗ máy cường kích Su-25 có giá thành không cao so với Su-34. Và việc vận hành nó tốn ít chi phí hơn. Nó cũng cần ít thời gian hơn để chuẩn bị cho việc cất cánh vì thế mỗi một chiếc "Quạ đen" có thể thực hiện được nhiều lần cất cánh trong ngày hơn "Vịt bầu" (tên gọi không chính thức của Su-34).
Điều này rất quan trọng trong điều kiện triển khai các hành động quân sự mang tính cấp bách cao.
Còn trong thời gian gần đây, vấn đề tài chính ngày càng trở nên nóng hơn bao giờ hết. Su-34 cần phải sản xuất. Còn để có được Su-25SM3, chỉ cần sử dụng các cỗ máy đang trong tình trạng sẵn sàng và chỉ cần thay thế một phần hệ thống điện tử. Chiến lược hoàn toàn tiết kiệm hơn nhiều.
Phe ủng hộ Su-34 phản bác
Phe ủng hộ việc thay thế Su-25 nói rằng, trong thể kỷ 21, duy trì lực lượng không quân cường kích thuần túy là không tức thời bởi lẽ đã bắt đầu thời kỳ của các máy bay đa năng. Ngoài ra, nếu nhìn sang phía người Mỹ, họ đang thay thế A-10 của mình bằng máy bay tiêm kích-ném bom F-35.
Su-34 chính là chiếc máy bay đa năng, chúng được chính thức bàn giao cho quân đội vào năm 2014. Không chỉ có khả năng thực hiện các cuộc tấn công bằng tên lửa-bom nhằm vào các mục tiêu trên bộ, chúng còn có thể tự bảo vệ mình khi đối mặt với các máy bay tiêm kích của đối phương.
Máy bay Su-34 Nga ở Syria.
Điều này hoàn toàn có thể nhờ khả năng cơ động cao cùng việc được trang bị các tên lửa "không đối không", và hệ thống ngắm bắn bao gồm hệ thống radar-định vị quan sát phía trước cũng như phía sau.
Bên cạnh đó, Su-34 được bảo vệ rất tốt trước các cuộc tấn công trên không cũng như từ mặt đất của đối phương. Buồng lái, giống Su-25, cũng chống được đạn. Thậm chí kính chống đạn xung quanh buồng lái cũng dày hơn. Nó cũng được bố trí gia cố ở những vị trí xung yếu để bảo vệ các thiết bị và hệ thống quan trọng.
Chúng được bao bọc bởi các tấm chống đạn bảo vệ trước những loại đạn lên tới 20mm, ở một số góc còn chịu được đạn 30mm. Có nghĩa nó gần như một chiếc máy bay cường kích. Chỉ cần một vài sự điều chỉnh đối với hạng mục vũ khí và nâng cấp hệ thống ngắm bắn.
Khi giải quyết sự tranh cãi giữa hai chiếc máy bay này, nhiều khả năng sẽ có giải pháp mang tính nhượng bộ được đưa ra.
Tất nhiên, không ai lại quyết định nâng cấp toàn bộ 200 chiếc Su-25 hiện có, thêm vào đó, bởi vì một phần trong số này sắp hết thời hạn vận hành.
Không ai lại vội vàng đi thay thế chúng bằng 200 chiếc "Vịt bầu" với những tính năng cường kích nâng cấp. Thứ nhất, điều đó sẽ rất tốn kém. Thứ hai, Nhà máy Chế tạo hàng không Novosibirsky mang tên Chkalov mỗi năm chỉ cho xuất xưởng được 16 chiếc Su-34.
Cho nên việc thay thế các máy bay cường kích "chuyên nghiệp" Su-25 bằng những chú "Vịt bầu" Su-34 đa năng sẽ còn kéo dài.
"Xe tăng bay" Su-34 hủy diệt hàng loạt mục tiêu mặt đất