Nhiều người tình nguyện tham gia hiến máu, tiểu cầu cho người bệnh - Ảnh: D.LIỄU
Nhiều bệnh viện luôn trong tình trạng "kín giường". Viện Huyết học - Truyền máu trung ương cũng căng mình đảm bảo tiểu cầu cho người bệnh.
Ca sốt xuất huyết tăng vọt
Tuần qua, Hà Nội ghi nhận 1.343 mắc sốt xuất huyết, số mắc tăng 2,3% so với tuần trước. Nhiều bệnh viện trong tình trạng "kín giường".
Tại Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) từ đầu năm đến nay đã tiếp nhận gần 1.500 người sốt xuất huyết. Trong đó, khoảng 30-40% trường hợp nặng như suy thận, tiểu cầu giảm rất sâu, men gan tăng rất cao.
Còn tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương (Hà Nội), hiện đang điều trị khoảng 100 bệnh nhân nội trú sốt xuất huyết mỗi ngày.
Tương tự, tại Bệnh viện Nhi trung ương số trẻ mắc sốt xuất huyết tăng gấp 2 lần so với tuần trước, hiện đang có khoảng 40-50 trẻ mắc sốt xuất huyết điều trị nội trú. Nhiều bệnh nhân có diễn biến nặng, tính đến nay Hà Nội đã có 12 ca tử vong liên quan đến sốt xuất huyết.
Theo các chuyên gia, sốt xuất huyết là một trong những bệnh rất phổ biến dẫn đến tình trạng giảm tiểu cầu. Nguyên nhân là do trong quá trình nhiễm vi rút, cơ thể sinh ra các kháng thể chống lại vi rút. Điều này vô tình các kháng thể đó phá hủy tiểu cầu qua cơ chế miễn dịch.
Thứ hai, vi rút nhiễm có thể gây ức chế tủy gây giảm tiểu cầu tạm thời. Để điều trị sốt xuất huyết, người bệnh xuất huyết cần tiểu cầu. Bởi vậy, khi ca bệnh sốt xuất huyết gia tăng, nhiều bệnh nhân lo lắng về việc thiếu tiểu cầu.
Đảm bảo tiểu cầu điều trị sốt xuất huyết
Tại khoa lưu trữ và phân phối máu, Trung tâm Máu quốc gia, Viện Huyết học - Truyền máu trung ương không khí luôn hối hả, nhân viên y tế đều tất bật, mỗi người một việc. Người xếp gọn từng chế phẩm máu vào thùng, người "lên đơn" khi các bệnh viện yêu cầu, xuất kho...
Mỗi chế phẩm máu trước khi xuất đi đều cần được trải qua một quy trình nghiêm ngặt cả về cập nhật thông tin lẫn xử lý, bảo quản. Vì vậy, để phục vụ chế phẩm máu cho các bệnh viện cũng tạo không ít áp lực cho trung tâm.
Đại diện khoa lưu trữ và phân phối máu, Viện Huyết học - Truyền máu trung ương cho biết máu từ người hiến tặng sau khi được điều chế tách thành các chế phẩm máu như: khối hồng cầu, huyết tương, tiểu cầu..., có kết quả xét nghiệm an toàn sẽ được chuyển xuống khoa lưu trữ và phân phối máu.
Toàn bộ quá trình này sẽ mất khoảng 24 giờ. Khi tiếp nhận chế phẩm máu này, nhân viên y tế khoa lưu trữ và phân phối máu sẽ quét mã vạch để nhập kho, đảm bảo nhận đủ số lượng máu theo kế hoạch.
Đặc biệt, trong khi dịch sốt xuất huyết đang gia tăng tại phía Bắc, Trung tâm Máu quốc gia cũng phải căng mình để vận động, vận chuyển tiểu cầu đến các bệnh viện.
Theo Viện Huyết học - Truyền máu trung ương, thời gian gần đây một số bệnh viện như Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, Bệnh viện Hà Đông, Bệnh viện Xanh Pôn, Bệnh viện Thanh Nhàn... liên tục dự trù số tiểu cầu tăng cao hơn so với bình thường nhằm điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết.
"Số tiểu cầu cung cấp cho các bệnh viện từ tháng 8 đến nay tăng khoảng 1,5 lần. Trước đây, mỗi ngày viện cung cấp cho các bệnh viện khoảng 400 đơn vị tiểu cầu thì thời gian gần đây tăng lên khoảng 600 đơn vị", đại diện viện thông tin.
Theo ông Trần Ngọc Quế, giám đốc Trung tâm Máu quốc gia, Viện Huyết học - Truyền máu trung ương, một đơn vị tiểu cầu được cung cấp kịp thời sẽ giúp cứu sống người mắc bệnh sốt xuất huyết giảm tiểu cầu. Bởi vậy, trong mùa dịch sốt xuất huyết, viện đã có dự trù cho nhu cầu sử dụng tăng lên, đảm bảo cung ứng cho các bệnh viện.
Vẫn đảm bảo cung ứng tiểu cầu
Nhân viên y tế tại Trung tâm Máu quốc gia, Viện Huyết học - Truyền máu trung ương tất bật giao máu, tiểu cầu đến các bệnh viện - Ảnh: D.L.
Ông Quế thông tin thêm trung tâm thường xuyên duy trì lượng tiểu cầu dự trữ từ nguồn tiểu cầu gạn tách từ người hiến và tiểu cầu được điều chế từ máu hiến toàn phần.
Theo quy trình, mỗi ngày các bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh sẽ gửi dự trù số đơn vị tiểu cầu cần tới Viện Huyết học - Truyền máu trung ương.
Khi nhận được dự trù tiểu cầu của các bệnh viện, nếu lượng dự trữ có thể đáp ứng đủ, viện sẽ đảm bảo cung cấp kịp thời. Trong trường hợp nguồn tiểu cầu không có sẵn, viện sẽ liên hệ mời người hiến tiểu cầu, đảm bảo cho đến khi đủ số lượng. Tiểu cầu chỉ có thời gian bảo quản tối đa 5 ngày.
"Hiện viện vẫn đảm bảo cung ứng tiểu cầu ở hầu hết các nhóm máu cho các bệnh viện. Tuy nhiên, một vài thời điểm cần tiểu cầu nhóm AB thì có thể đáp ứng chậm hơn chút do người có máu nhóm AB chỉ chiếm 5% dân số, nên cần phải huy động", Viện Huyết học - Truyền máu trung ương thông tin.