Sốt xuất huyết thường có chu kỳ 4 hoặc 10 năm lại có 1 năm dịch bùng phát mạnh

Khánh Mai ( Thực hiện) |

Hiện đang là thời điểm bùng phát dịch sốt xuất huyết Dengue với số ca mắc ngày một tăng. Theo các chuyên gia, hàng năm, đỉnh dịch sốt xuất huyết thường rơi vào thời điểm tháng 9-11. Hiện tại, số mắc bệnh trong 8 tháng đầu năm đã gần bằng cả năm 2016 và con số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết chắc chắn chưa dừng lại, nhất là cả nước đang chuẩn bị bước vào tháng 9. Đặt biệt, từ đầu vụ dịch các bác sĩ cho biết nhiều bệnh nhân có diễn biến nặng, thậm chí tử vong.

Phóng viên: Xin ông cho biết tình tình hình sốt xuất huyết đến thời điểm hiện tại?

Ths.BS. Nguyễn Trung Cấp: Theo báo cáo tại Hội nghị trực tuyến Giao ban phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết tại UBND TP Hà Nội vào chiều 24/8, tính đến hết ngày 23/08/2017, Việt Nam đã ghi nhận 99.647 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 26 trường hợp tử vong.

Tại Hội nghị cho biết, từ ngày 01/01/2017 đến ngày 23/08/2017, Hà Nội ghi nhận 19.962 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, 7 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết.

Các đơn vị có số trường hợp mắc sốt xuất huyết cộng dồn cao gồm các quận/huyện: Hoàng Mai (3.221), Đống Đa (3.121), Hai Bà Trưng (1.816), Thanh Xuân (1.607), Hà Đông (1.306), Cầu Giấy (1.248), Thanh Trì (1.131), Ba Đình (1.039), Nam Từ Liêm (725), Thanh Oai (669), Thường Tín (482), Hoàn Kiếm (479).

Như vậy, với số liệu thống kê trên, Hà Nội đang đứng đầu cả nước về số ca mắc sốt xuất huyết.

Hiện nay, tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương hàng ngày vẫn có 800-1000 bệnh nhân sốt XH đến khám, trong đó có 50-70 bệnh nhân có dấu hiệu nặng cần nhập viện.

Trao đổi với các đồng nghiệp ở các bệnh viện khác, chúng tôi cũng được biết các bệnh viện khác trên địa bàn Hà Nội, số bệnh nhân sốt xuất huyết cũng đang khá đông.

Phóng viên: Dịch sốt xuất huyết phát triển mạnh, đặc điểm có gì khác biệt so với mọi năm?

Ths.BS Nguyễn Trung Cấp: Dịch sốt xuất huyết ở miền Bắc thường xuất hiện trong khoảng từ tháng 4 đến tháng 11.

Nhưng thông thường mọi năm khoảng tháng 4,5, 6 số bệnh nhân còn ít trong khi đó dịch sốt xuất huyết năm nay trên địa bàn Hà Nội diễn biến phức tạp, đến sớm hơn 3 tháng so với chu kỳ 30 năm qua. 30 năm qua, đỉnh dịch rơi vào tháng 9, 10, 11 nhưng năm nay lại rơi vào tháng 7.

Vì vậy, các chuyên gia đều nhận định dịch sốt xuất huyết năm nay diễn biến phức tạp và đến sớm hơn mọi năm. Theo nhận định của các chuyên gia, con số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết chắc chắn chưa dừng lại, nhất là cả nước đang chuẩn bị bước vào tháng 9.

Chính vì vậy, sự khác biệt là năm nay dịch có vể đến sớm hơn, số bệnh nhân nhiêu hơn. Chúng tôi cũng nhận thấy mọi năm thường đến cuối vụ dịch mới có nhiều bệnh nhân nặng, riêng vụ dịch năm nay ngay từ đầu vụ dịch chúng tôi cũng đã gặp rất nhiều bệnh nhân có diễn biến nặng, thậm chí tử vong.

Phóng viên: Ngành Y tế đã có nhiều cố gắng trong công tác phòng chống dịch, song số bệnh nhân vẫn tiếp tục tăng trong thời gian gần đây, vậy nguyên nhân từ đâu thưa ông?

Ths.BS Nguyễn Trung Cấp: Thông thường với bệnh sốt xuất huyết có những chu kỳ 4 năm hoặc 10 năm lại có 1 năm dịch bùng phát mạnh mẽ. Điều này liên quan đến chu kỳ thay đổi về thời tiết, khí hậu.

Tuy nhiên cũng còn yếu tố liên quan đến con người là quá trình đô thị hóa làm gia tăng môi trường sinh sống của muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết.

Nếu chúng ta không có ý thức đảm bảo vệ sinh môi trường, không phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, các vũng nước đọng, không dọn các vật dụng, phế thải đọng nước mưa (lốp xe hỏng, vỏ dừa...), đậy nắp bể nước thì loăng quăng vẫn phát triển, vẫn nở thành muỗi và truyền bệnh sốt xuất huyết

Phóng viên: Do sốt xuất huyết lan rộng, đã có trường hợp tử vong khiến nhiều người lo lắng nên cứ sốt là nghĩ đến mắc sốt xuất huyết. Vậy thưa ông khi nào phải nghĩ đến sốt xuất huyết?

Ths.BS Nguyễn Trung Cấp: Bệnh sốt xuất huyết thường khởi đầu bằng triệu chứng Sốt cao liên tục 39-40 độ, đau đầu, đau hốc mắt, đau mỏi cơ, nhức xương, khớp, có thể buồn nôn hoặc nôn, mệt mỏi, chán ăn, phát ban đỏ trên da.

Nếu một người sống hoặc lưu trú ở vùng đang có dịch sốt xuất huyết mà có các biểu hiện trên thì phải nghĩ đến sốt xuất huyết, cần đi khám và xét nghiệm để xác định bệnh.

Phóng viên: Vậy, làm sao biết sốt xuất huyết chuyển độ từ nhẹ sang nặng, cách theo dõi diễn biến bệnh thưa ông?

Ths.BS Nguyễn Trung Cấp: Bệnh sốt xuất huyết thường diến biến qua 3 giai đoạn: Giai đoạn sốt cao (thường kéo dài 2-3 ngày) với các biểu hiện đã mô tả ở trên, tiếp đến giai đoạn có biến chứng (thường kéo dài 3-4 ngày tiếp).

Giai đoạn này đa số bệnh nhân lui sốt và ổn định dần, nhưng có 10% -20% số bệnh nhân có thể có các biến chứng nặng như tình trạng tăng tính thấm thành mạch gây cô đặc máu, thậm chí tụt huyết áp và có thể tử vong.

Bệnh nhân cũng có thể xuất hiện hạ tiểu cầu trong máu gây xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, rong kinh. Nếu tiểu cầu trong máu hạ quá nhiều có thể gây các chảy máu nghiêm trọng như xuất huyết đường tiêu hóa, băng kinh, thậm chí xuất huyết trong ổ bụng, xuất huyết não, ....

Qua giai đoạn có biến chứng, bệnh nhân sang giai đoạn hồi phục thường có cảm giác ngứa nhiều toàn thân và có thể còn mệt mỏi hàng tuần sau đó

Giai đoạn có biến chứng (ngày thứ 4,5,6 của bệnh) dù bệnh nhân đã lui sốt nhưng không thể chủ quan mà cần ttheo dõi sát, đi khám và xét nghiệm công thức máu hàng ngày để có thể phát hiện sớm tình trạng hạ tiểu cầu và cô đặc máu nhiều.

Nếu có những tình trạng này hoặc có các dấu hiệu cảnh báo thì cần nhập viện ngay

Phóng viên: Hiện nay hầu hết các cơ sở y tế đều đông và quá tải, vậy theo ông khi nào bệnh nhân cần phải nhập viện ngay?

Ths.BS Nguyễn Trung Cấp: Nếu bệnh nhân khám, xét nghiệm thấy có tình trạng cô đặc máu, hạ tiểu cầu trong máu nhiều hoặc có các dấu hiệu sau thì cần nhập viện ngay lập tức:

- Đau bụng nhiều, đau tức vùng gan

- Nôn mửa

- Chảy máu từ chân răng hoặc chảy máu cam

- Đi ngoài, đi tiểu ra máu, nôn ra máu.

- Chảy máu dưới da, có thể trông như vết thâm tím

- Khó thở hoặc thở nhanh

- Da lạnh hoặc vã mồ hôi lạnh

- Mệt lả

- Vật vã, li bì hoặc lờ đờ

-

Phóng viên: Vậy theo ông, làm thế nào để phòng sốt xuất huyết hiệu qủa?

Ths.BS Nguyễn Trung Cấp: Thông thường, diệt loăng quăng bọ gậy đễ hơn diệt muỗi. Diệt muỗi, phòng tránh muỗi đốt dễ dàng và ít tốn kém, ít nguy hiểm hơn để muỗi đốt sinh bệnh sốt xuất huyết rồi mới đi chữa.

Việc đảm bảo vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng bọ gậy và phòng tránh muỗi đốt không chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành y tế mà đòi hỏi toàn dân phải chung tay:

Thường xuyên giữ gìn vệ sinh môi trường sống sạch sẽ; chủ động thực hiện các biện pháp diệt muỗi, diệt bọ gậy /loăng quăng tại hộ gia đình cụ thể như sau:

Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt bọ gậy/loăng quăng: đậy kín và thả cá ăn bọ gậy tất cả các vật dụng chứa nước ăn uống sinh hoạt, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến; thu gom, hủy các vật dụng phế thải xung quanh nhà như chai lọ vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp xe cũ...; loại bỏ các hốc chứa nước tự nhiên như hốc cây, kẽ lá, gốc tre, nứa quanh nhà; bỏ muối vào các bát nước kê chân chạn (tủ đựng chén bát).

Phòng chống muỗi đốt: Mặc quần áo dài che kín tay chân; ngủ trong màn (mùng) kể cả ban ngày; dùng các biện pháp thông thường để xua và diệt muỗi; dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi trong các hộ gia đình.

Người bị sốt xuất huyết hoặc nghi bị mắc bệnh phải nằm trong màn, tránh muỗi đốt để không lây bệnh sang người khác.

Khi có các biểu hiện nghi ngờ bị mắc sốt xuất huyết Dengue cần đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế để được hướng dẫn và điều trị kịp thời.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại