Điều trị cho bệnh nhân sốt xuất huyết.
Khả năng bùng phát dịch tại miền Bắc
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội Khổng Minh Tuấn, Hà Nội đang là trọng điểm về SXH của miền Bắc. Thời tiết nắng, mưa thất thường, cộng thêm hiện tượng El Nino là một trong những nguyên nhân khiến dịch SXH trở nên phức tạp.
TS Nguyễn Văn Dũng - Trưởng khoa Côn trùng (Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng trung ương) nhận định, thời tiết năm nay nắng mưa rất thất thường, miền Bắc có nhiệt độ trung bình cao thuận lợi cho môi trường sống của muỗi. Trên nền nhiệt cao, vòng đời của muỗi ngắn lại khiến muỗi sinh sản nhiều hơn, từ trứng đến trưởng thành chỉ mất một tuần. TS Dũng cũng nhận định chu kỳ trước đây là 4 - 5 năm lặp lại dịch SXH nhưng với sự biến động của thời tiết, quy luật này đã bị phá vỡ. Trước đó, năm 2017 số ca mắc và tử vong vì SXH rất cao, 2019 và 2022 số ca mắc cao tương tự. Đây đều không phải là các chu kỳ 4 năm. Năm nay, khả năng cao bùng phát dịch tại miền Bắc.
CDC Hà Nội dự báo thời gian tới, số ca mắc mới SXH có thể tiếp tục gia tăng và xuất hiện thêm các ổ dịch, đặc biệt tại các khu vực ổ dịch cũ, các xã, phường có diễn biến dịch các năm phức tạp. CDC Hà Nội cũng cho biết, kết quả kiểm tra giám sát tại các ổ dịch cho thấy việc xử lý ổ dịch chưa triệt để, chỉ số côn trùng sau xử lý cao vượt ngưỡng nguy cơ, tỉ lệ phun hóa chất chưa đạt yêu cầu…
Thống kê từ tháng 7 đến nay, mỗi ngày, khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện E), tiếp nhận khoảng 20 người mắc SXH, trong đó đa số là phụ nữ mang thai, người cao tuổi và người có nhiều bệnh lý nền. Đây đều là những trường hợp nặng. Tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi Trung ương), từ đầu năm đến nay tiếp nhận 120 trẻ mắc SXH (tăng gấp đôi so cùng kỳ), trong đó, hơn 50 trường hợp nhập viện có dấu hiệu cảnh báo và nhiều trẻ tái mắc bệnh.
Theo bác sĩ Nguyễn Quốc Thái - Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai), Hà Nội ghi nhận nhiều ca mắc mới SXH và số ca trở nặng gia tăng là do người dân còn chủ quan. Nhiều trường hợp bị sốt ở nhà tự điều trị, đến khi bệnh chuyển nặng mới vào viện và phát hiện là SXH.
Một người có thể bị mắc 4 lần
Theo BS.CK2 Nguyễn Minh Tiến - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TPHCM, SXH là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra, xảy ra quanh năm nhưng tập trung nhiều nhất vào mùa mưa. Thời tiết ẩm ướt là điều kiện thuận lợi để muỗi phát triển và truyền bệnh.
Khi một người nhiễm một trong các chủng virus SXH thì cơ thể đã có khả năng miễn dịch với chủng đó suốt đời. Tuy nhiên, vẫn có thể tái nhiễm SXH do chủng khác gây nên. Do đó, một người có thể bị nhiễm SXH 4 lần trong đời, tương ứng với 4 chủng virus Dengue. Trên thực tế, đa số người dân chỉ mắc SXH một lần, một số trường hợp mắc 2 lần. Rất hiếm người mắc bệnh SXH đến lần thứ 3 hay 4.
SXH Dengue diễn tiến đa dạng, có thể từ nhẹ đến nặng. Đa số bệnh nhân SXH có thể tự hồi phục, tuy nhiên khi diễn tiến nặng nếu không được vào viện theo dõi và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tử vong. Phần lớn các trường hợp bị SXH có thể điều trị ngoại trú và theo dõi tại y tế cơ sở, chủ yếu là điều trị triệu chứng. Khi sốt từ 38,5 độ C, có thể hạ sốt bằng paracetamol (liều dùng và số lần theo hướng dẫn của bác sĩ) và kết hợp lau mát liên tục.
Người bệnh nên ăn uống bình thường, đặc biệt uống nhiều nước. Có thể uống nước lọc, oresol, nước trái cây, nước dừa... Hạn chế các loại thực phẩm có màu nâu hoặc đỏ. Bệnh nhân phải tái khám và theo dõi bởi bác sĩ. Đặc biệt lưu ý, uống đủ nước để cơ thể không bị cô đặc máu, suy tuần hoàn. Đây chính là “chìa khóa” quan trọng để giúp người bệnh qua được giai đoạn nặng của SXH.