"Sốt xuất huyết không đáng sợ như mọi người nghĩ"
Chị Vũ Thị Nh., 23 tuổi, trú tại Chùa Láng, Hà Nội cho biết, chị bị sốt, đau nhức hai hốc mắt. Qua hai ngày sốt, người chị vẫn mệt, nhức mỏi xương khớp. Chị Nh. gọi dịch vụ xét nghiệm tại nhà và được chẩn đoán mắc sốt xuất huyết.
Trước tình trạng dịch, chị Nh. lo lắng và vội vã vào bệnh viện khám. Bác sĩ khám và tư vấn chị Nh.có thể về nhà tự uống thuốc hạ sốt và theo dõi.
Chị Nh kể lại: "Em về nhà nằm nghỉ ngơi, chỉ ăn cháo và uống nước cam cùng theo các loại hoa quả khác. Mấy ngày đầu, người mệt lả, đau nhức khắp người, hai hốc mắt khó chịu nhưng em vẫn cố nhắm mắt ngủ, không xem điện thoại, không xem ti vi vì sợ mắt mỏi".
Sau khi hết sốt 3 ngày, chị Nh. đi xét nghiệm các chỉ số ổn định và tiếp tục theo dõi thêm.
Cùng cảnh ngộ, anh Trần Viết H. 34 tuổi, trú tại Bùi Xương Trạch, Hà Nội cho hay anh và vợ đều bị sốt xuất huyết. Anh H. cho biết, anh bị sốt trước vợ 1 ngày, lúc biết bị sốt xuất huyết cả vợ chồng anh đều lo lắng đứng ngồi không yên lo cho mấy đứa trẻ.
Người bệnh tới khám taijn BV Đống Đa Hà Nội
Anh H. đến Bệnh viện Nhiệt đới trung ương khám, các bác sĩ chẩn đoán anh bị sốt xuất huyết. Ba ngày sau sốt, toàn thân anh H phát ban chi chít những nốt xuất huyết nhỏ, anh nghĩ bệnh nào cũng cần bình tĩnh không nên lo lắng quá thêm mệt người. Sau đó, anh vào bệnh viện khám và được bác sĩ tư vấn theo dõi truyền dịch.
Thấy bệnh viện đông quá, vợ chồng anh chị về nhà uống thuốc hạ sốt và chỉ đến bệnh viện điều trị ban ngày, xong truyền dịch 2 vợ chồng anh lại về nhà. May mắn, hai cháu không bị lây từ bố mẹ.
Đi qua mùa dịch, vợ chồng anh H. cho rằng: "Sốt xuất huyết không đáng sợ như mọi người nghĩ nếu bình tĩnh và tuân thủ tư vấn của bác sĩ, thường xuyên theo dõi cơ thể và đặc biệt có chế độ nghỉ ngơi hợp lý".
Chuyên gia nói gì về việc tự điều trị sốt xuất huyết tại nhà?
Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Bá Hiền – Phó Giám đốc Bệnh viện Đống Đa Hà Nội - Phó Chủ nhiệm chuyên khoa đầu ngành Truyền nhiễm Hà Nội cho biết, dịch sốt xuất huyết năm nay so với mọi năm đến sớm hơn. Từ tháng 4, tháng 5 đã có bệnh nhân mắc bệnh phải nhập viện
Tuy nhiên, BS Hiền cho biết, so với các bệnh khác, sốt xuất huyết không đáng sợ như mọi người vẫn nghĩ. Bệnh có thể tự điều trị ở nhà nếu bệnh nhân không có các bệnh lý đi kèm, không có các dấu hiệu cảnh báo. Các bác sĩ có thể cho bệnh nhân điều trị tại nhà, tư vấn để bệnh nhân nghỉ ngơi, sử dụng thuốc hạ sốt, chăm sóc dinh dưỡng.
Tuy nhiên, việc bệnh nhân điều trị ở nhà vẫn phải được bác sĩ tư vấn và khám. Nếu thấy người lên cơn sốt, hốc mắt đau, đau nhức xương người bệnh nên vào các cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn về điều trị sốt xuất huyết.
Thạc sĩ bác sĩ Phạm Bá Hiền - PGĐ BV Đống Đa Hà Nội
Với những bệnh nhân có các bệnh lý nền kèm theo (tiền sử bệnh mãn tính) như đái tháo đường, tăng huyết áp, suy gan, suy thận, xơ gan, béo phì, người cao tuổi, trẻ em, phụ nữ có thai… cần được theo dõi kỹ. Bởi vì sốt xuất huyết có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm làm bệnh nặng hơn, hoặc các bệnh sẵn có làm sốt xuất huyết nặng hơn.
Còn lại, những người bình thường mắc sốt xuất huyết có thể điều trị tại cộng đồng. Trong mùa dịch sốt xuất huyết này, bác sĩ Hiền cho biết, có tới hơn 80% bệnh nhân được điều trị tại nhà nên mọi người không cần quá lo lắng khi mắc sốt xuất huyết.
Hiện nay, sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu mà chỉ có thuốc điều trị theo triệu chứng. Khi sốt cao, người bệnh được chỉ định dùng paracetamol, tổng liều không quá 60mg/kg cân nặng/ngày với người lớn. Người bệnh tuyệt đối không dùng aspirin, analgin, ibuprofen vì thể gây xuất huyết, toan máu.
Khi điều trị tại nhà, người bệnh cần chú ý nghỉ ngơi. Thể trạng người bị bệnh sốt xuất huyết khá yếu nên cần nghỉ ngơi và bổ sung thêm dinh dưỡng cho cơ thể. Các bác sĩ khuyên, bệnh nhân nên uống nhiều nước cam, chanh, bưởi... để bổ sung vitamin C, uống nhiều nước điện giải... .Người bệnh tuyệt đối không tự ý truyền dịch ở các nhà thuốc, các cơ sở y tế không đảm bảo.
Trước những diễn biến khó lường của bệnh SXH, các bác sĩ khuyến cáo, mọi người, nhất là những người sống trong vùng đang có dịch nếu thấy sốt cao đột ngột phải vào viện ngay. Khi đó, bác sĩ sẽ sàng lọc và tư vấn trường hợp nào cần nhập viện, trường hợp nào chưa cần.
Việc được phát hiện bệnh sớm sẽ giúp bệnh nhân có cơ hội điều trị, dự phòng sớm để giảm nguy cơ biến chứng nặng, tử vong.
Khi điều trị sốt xuất huyết tại nhà, bệnh nhân cần chú ý theo dõi cẩn thận. Nếu thấy cơ thể bồn chồn, kích thích vật vã, li bì, nôn tăng, đau bụng hoặc tăng cảm giác đau, tiểu ít, số lần đi ít hơn, số lượng giảm hơn, chảy máu bất kỳ chỗ nào như chân răng, máu cam... người bệnh cần đến bệnh viện ngay.