Trong đó sốt do thuốc chiếm khoảng 5% trường hợp. Nguy cơ sốt do thuốc tăng tương ứng với số lượng thuốc được sử dụng, đặc biệt trên đối tượng người cao tuổi. Tuy nhiên tác dụng bất lợi này không phải lúc nào cũng được đề cập trong tờ hướng dẫn sử dụng thuốc.
Sốt do thuốc là gì?
Sốt do thuốc là bệnh lý đặc trưng bởi sốt xảy ra đồng thời khi dùng thuốc và ngưng sau khi không sử dụng thuốc, đồng thời không có nguyên nhân khác gây ra sốt như các bệnh có triệu chứng sốt bao gồm: bệnh ác tính, huyết khối, tai biến mạch máu não, bệnh mạch máu dạng tự miễn, đợt gút cấp, phẫu thuật và chấn thương…
Hiện chưa có tiêu chuẩn chẩn đoán rõ ràng cho sốt do thuốc và không có dấu hiệu lâm sàng hay xét nghiệm nào đặc hiệu cho tình trạng sốt thứ phát do thuốc. Sốt do thuốc chỉ được chẩn đoán trong trường hợp sốt ngưng sau khi dừng sử dụng thuốc.
Các cơ chế gây sốt do thuốc bao gồm: phản ứng quá mẫn, thay đổi chuyển hóa điều nhiệt, phản ứng liên quan trực tiếp đến đường dùng thuốc, phản ứng liên quan trực tiếp đến tác động dược lý của thuốc, phản ứng do cơ địa của người bệnh... nhưng đa số trường hợp đều còn chưa rõ ràng.
Thời gian khởi phát sốt có thể xảy ra bất kỳ thời điểm nào trong quá trình điều trị và khác nhau ở mỗi nhóm thuốc. Trung bình từ khi sử dụng thuốc đến khởi phát triệu chứng sốt thường là 7 - 10 ngày.
Đặc điểm là sốt liên tục hoặc cách quãng và dao động trong khoảng 39°C- 39,5°C và có thể cao hơn 40°C. Mặc dù sốt là một tác dụng bất lợi của thuốc ít được biết đến, nhưng việc chẩn đoán sớm rất quan trọng vì sẽ giúp tránh khỏi những xét nghiệm, thăm khám không cần thiết.
Một số thuốc có thể gây tăng thân nhiệt trong quá trình sử dụng.
Những thuốc gây sốt được báo cáo
Theo thống kê, có đến 70 loại thuốc được kê đơn ngoại trú ghi nhận là các thuốc nghi ngờ gây sốt bao gồm: các thuốc kháng khuẩn dùng đường toàn thân (penicilin, cephalosporin, aminoglycosid, fluoroquinolon, thuốc kháng lao, thuốc chống ký sinh trùng...); các thuốc giảm đau NSAIDS như ibuprofen, naproxen, tolmetin; các loại thuốc khác như thuốc chống ung thư và điều hòa miễn dịch và một số loại thuốc hướng tâm thần (thuốc chống động kinh, thuốc an thần kinh, thuốc chống trầm cảm...), thuốc tim mạch (clofibrat, diltiazem, dobutamine...), thuốc chống co giật, Thuốc kích thích giao cảm và gây ảo giác…
Tuy nhiên cần lưu ý, tác dụng bất lợi gây sốt này không phải lúc nào cũng được đề cập trong tờ hướng dẫn sử dụng thuốc.
Điều trị như thế nào?
Trong trường hợp nghi ngờ, nên báo cáo ngay với bác sĩ điều trị hoặc tới các cơ sở y tế để được hỗ trợ chẩn đoán, xử trí. Trong hầu hết nhưng không phải tất cả trường hợp, sốt do thuốc được cải thiện trong vòng 72 - 96 giờ sau khi ngưng dùng thuốc nghi ngờ gây sốt. Nhưng việc ngừng thuốc có khả năng gây sốt cần có chỉ định và giám sát của thầy thuốc. Vì ngưng sử dụng tất cả các thuốc trong cùng thời điểm giúp giảm sốt có thể tăng nguy cơ từ các bệnh nền và không xác định được thuốc gây sốt. Cần cân nhắc ngưng dùng thuốc vì lợi ích của việc tiếp tục điều trị có thể cao hơn nguy cơ sốt tiếp diễn trong một số bệnh cảnh lâm sàng.
Cần làm gì để phòng tránh?
Để phòng tránh người dùng thuốc nên lưu ý:
Chỉ dùng thuốc khi thật cần thiết và không được lạm dụng thuốc.
Nếu được bác sĩ khám ghi đơn thuốc, phải dùng đúng, dùng đủ các thuốc ghi trong đơn và thực hiện tốt các lời chỉ dẫn.
Trước khi dùng một thuốc, cần đọc kỹ bản hướng dẫn hoặc hỏi dược sĩ tại nhà thuốc về những điều cần biết như tác dụng phụ tức phản ứng có hại của thuốc, những thận trọng khi dùng thuốc, chống chỉ định (những trường hợp không được dùng thuốc).
Khi đang dùng thuốc nếu bị sốt và bất cứ biểu hiện nào khác nghi liên quan đến sử dụng thuốc cần thông báo với bác sĩ để có hướng xử trí kịp thời.