Trong suy nghĩ của nhiều người, nếu điều kiện vật chất tốt chắc chắn sẽ có một cuộc sống hạnh phúc năm cuối đời. Điều này đúng nhưng có lẽ chưa đủ. Bởi ở những ngày tháng tuổi già, niềm hạnh phúc không hoàn toàn được quyết định bởi số tiền trong ví. Điều kiện vật chất đủ đầy không có nghĩa là cuộc sống của bạn sẽ hạnh phúc.
Trường hợp của ông Lưu, 78 tuổi, Nam Ninh, Trung Quốc dưới đây là minh chứng cho quan điểm trên.
Vượt qua những ngày gian khó
Gần như cả đời người, ông Lưu gắn bó với đồng ruộng. Ông khẳng định mình chưa bao giờ mơ rằng sẽ có 1 ngày được sống trong căn biệt thự to nhất làng, lên đến 500m2. Không chỉ rộng, căn nhà này còn được thiết kế có hồ bơi cùng những nội thất đắt tiền nhất. “Nói chung, tôi chưa bao giờ sống trong một ngôi nhà đẹp đến như vậy”, ông Lưu khẳng định.
Chứng kiến cuộc sống của ông Lưu được sang trang mới ở những năm cuối đời, nhiều người xung quanh tỏ ra ghen tị. “Ai cũng nói tôi có cuộc sống tuổi già trong mơ. Tôi thực sự có phúc. Nghe họ nói xong, tôi cũng biết chỉ cười nhẹ. Bởi nỗi đau sâu bên trong mọi người khó hiểu được”, cụ ông bộc bạch.
Trước đây, gia đình ông Lưu có hoàn cảnh khó khăn. Để nuôi dạy được 4 người con trai, vợ chồng ông thậm chí phải vay nợ ngân hàng. May mắn, cuộc sống dần khá hơn. Sau này, 4 người con trai của ông lần lượt trưởng thành và có cho mình sự nghiệp riêng.
Người con cả học nghề may sau đó tự mở xưởng và dần phát đạt. Anh con trai thứ hai cũng là thợ giỏi. Nhờ giỏi giao tiếp, được nhà thầu đánh giá cao nên tự mình thành lập một công ty chuyên về xây dựng. Từ đây, anh lôi kéo 2 người em của mình vào làm và cùng nhau trở nên giàu có.
Cách đây 5 năm, 4 anh con trai về nhà và thấy nhà cũ đã dột nát nên đã lên kế hoạch xây lại căn nhà mới cho bố. Vì con trai thứ có hẳn 1 công ty xây dựng nên căn nhà hoàn thiện trong đúng 1 năm.
“Dù được con xây cho căn nhà mới to nhất làng nhưng trong lòng tôi không thấy vui. Ở những năm cuối đời, sống trong căn nhà như thế nào không quan trọng, miễn là được gần gũi con cái”, ông Lưu nói.
Hạnh phúc của cha mẹ là con cái
So với một ngôi nhà, điều mà cụ ông 78 tuổi này mong muốn hơn cả là 4 đứa con trai có thể thường xuyên về thăm ông. Ông cho biết các con thường bận rộn công việc trên thành phố và chỉ về nhà vào dịp Tết Nguyên đán.
“Mỗi lần về nhà, chúng cũng chỉ ở lại 1-2 ngày do còn quá nhiều công việc không thể nghỉ được lâu. Mấy năm nay, tôi chưa khi nào được ăn bữa cơm đông đủ các thành viên, không thiếu đứa này thì thiếu đứa kia. Điều này khiến tôi cảm thấy vô cùng buồn. Nhiều lúc tôi còn hy vọng các con mình là những người bình thường. Không cần chúng phải quá giàu có, điều tôi cần là chúng có thời gian dành cho gia đình”, ông ngậm ngùi nói.
Hàng ngày ngắm nhìn căn biệt thự do các con xây cho, ông Lưu chỉ thấy sự cô đơn ở những năm cuối đời. “Mỗi khi rảnh rỗi, tôi thường đi ra ngọn núi sau làng. Vì đây là nơi lưu giữ rất nhiều kỷ niệm của gia đình. Ở những năm tháng khó khăn nhất, tôi và các con đã phải ra đây để đốn củi, làm ruộng. Dẫu vất vả nhưng 6 người chúng tôi vô cùng gắn bó, yêu thương nhau. Bây giờ vật chất đủ đầy nhưng tôi khó có thể gặp gỡ được chúng”, ông Lưu bộc bạch.
Trong cuốn sách “Hiếu tâm vô giới”, nhà văn Trung Quốc, Tất Thục Mẫn đã viết: “Tôi tin rằng mỗi người con đều mong có thể hiếu thảo với cha mẹ từ tận đáy lòng. Thật không may, do bận rộn, con người thường quên đi sự tàn khốc của thời gian, sự ngắn ngủi của cuộc đời và sự mong manh của sự sống”.
Thời gian trôi đi, chúng ta ngày càng trưởng thành còn cha mẹ thì ngày càng già đi. Tình yêu thương cha mẹ dành cho chúng ta bao la như trời biển. Nhưng chúng ta dường như ít quan tâm, ít nghĩ đến cảm xúc của cha mẹ.
Với tất cả những người cha, người mẹ, điều hạnh phúc nhất là được sống cùng con cái. Chúng ta đừng nghĩ rằng mang về cho cha mẹ thật nhiều tiền, xây cho họ nhà cao, cửa rộng đã làm tròn bổn phận.
Bởi vì, đôi khi, điều đấng sinh thành mong muốn chỉ là những bữa cơm quây quần, được con cháu hỏi han, chăm sóc. Vì vậy, nếu còn cha mẹ hãy trò chuyện và quan tâm họ. Đừng báo bận khi cha mẹ bạn muốn trò chuyện.