Trong văn hóa Á Đông nói chung cũng như văn hóa Việt nói riêng, ban thờ là một trong những khu vực linh thiêng, quan trọng và cần chăm chút tỉ mỉ nhất trong nhà. Chính vì vậy, những vật dụng trên ban thờ cũng cần sắp xếp cầu kỳ hơn thông thường.
Bên cạnh bát hương, trên ban thờ còn rất nhiều đồ vật khác nữa. Trong đó có cả những đồ vật dù đã nhìn thấy nhiều song không phải ai cũng biết đến tên gọi chính xác của chúng. Có thể kể tới 2 đồ vật đều được thiết kế có nắp, đặt ngay phần trung tâm của ban thờ, gần bát hương và kỷ chén thờ. Tên gọi chính xác của chúng là choé thờ và bát sâm.
Là những đồ vật thường thấy trên ban thờ song không phải ai cũng biết tên gọi chính xác của 2 đồ vật này (Ảnh minh hoạ)
Vậy ý nghĩa và tác dụng thật sự của chúng là gì?
Tác dụng và ý nghĩa của chóe thờ và bát sâm
Đầu tiên là choé thờ. Đây là một chiếc hũ, có hình dáng giống như hình dáng của một thạp đựng gạo, thân phình, cổ hẹp, miệng nhỏ. Bên trong choé thờ cũng thường đựng gạo, muối hoặc nước sạch. Nhiều gia đình còn sử dụng choé thờ để đựng tro hương. Chính bởi công dụng đa dạng nên ban thờ mỗi gia đình thường có 1, 2 hoặc 3 choé thờ.
Dù đựng thứ gì bên trong, thì quan niệm dân gian, ý nghĩa của vật dụng này là sự sung túc, đủ đầy của gia chủ, như thứ được đựng bên trong choé thờ. Bên cạnh đó, không thể không kể tới công dụng tô điểm cho không gian ban thờ của choé thờ.
Khi sử dụng choé thờ, người dùng cần lưu ý là là nếu đựng nước thì phải là nước sạch, không sử dụng bia hay nước ngọt. Nếu đựng muối, gạo, thì phải kiểm tra thường xuyên, nếu phát hiện bị mối mọt hay mốc, hư hỏng thì phải thay. Ngoài ra, không nên tận dụng choé thờ để đựng các vật dụng hay thực hiện các công việc khác trong gia đình.
Thứ 2 là bát sâm, hay còn được gọi là bát nắp. Mục đích chính của bát sâm là để đựng nước sạch, dâng lên ban thờ. Ngoài ra, vào một số dịp quan trọng, bát sâm cũng có thể đựng trà hoặc rượu, thậm chí là muối, gạo, tùy theo mỗi gia chủ.
Đa phần mọi người đều cho rằng, bát sâm giúp thể hiện sự kính trọng, tinh thần "uống nước nhớ nguồn" của gia chủ đối với ông bà, tổ tiên. Đồ vật này như một tách nước, tách trà, được dâng lên với lòng thành kính, biết ơn. Có thể chính bởi ý nghĩa này, nên bát sâm được thiết kế khá giống với một tách trà truyền thống với phần khay/đĩa bên dưới, phần bát và phần nắp đậy.
Tác dụng và ý nghĩa của các đồ vật khác trong bộ đồ thờ
Theo các cửa hàng chuyên sản xuất và cung cấp đồ thờ cúng, mỗi đồ vật trên ban thờ đều mang ý nghĩa và có tác dụng khác nhau. Bên cạnh chóe thờ và bát sâm, những đồ vật khác trong bộ đồ thờ đầy đủ bao gồm: Bát hương, bộ đỉnh hạc, kỷ chén thờ, mâm bồng, bộ bát, đũa thờ, chân nến, đèn thờ, ống hương, lọ hoa, lọ lục bình, nậm rượu và bộ ấm trà.
Quan trọng nhất chính là bát hương. Tùy vào gia chủ mà mỗi nhà sẽ có 1 hoặc 3 bát hương. Người Việt nói riêng hay người Á Đông nói riêng quan niệm bát hương là điểm kết nối, việc thắp hương giúp bày tỏ sự thành kính, đại diện cho lời mời tổ tiên hay những người đã khuất về hưởng lộc, phù hộ cho gia chủ.
Tiếp đến là bộ đỉnh hạc, thường gồm đỉnh thờ và hạc thờ. Trong đó đỉnh thờ còn được gọi là lư hương. Bộ đỉnh hạc được cấu tạo bởi 5 phần cơ bản là đế, chân, bụng, nắp đỉnh và tai đỉnh. Bộ đỉnh hạc giúp tạo thêm sự bề thế, uy nghi và thẩm mỹ cho ban thờ. Đồng thời gia chủ có thể đốt trầm hương với bộ đỉnh hạc, tạo mùi hương thư thái cho phòng thờ.
Thứ 3 và thứ 4 là kỷ chén thờ và mâm bồng, đây là 2 đồ vật rất quen thuộc và ban thờ nào của gia đình nào cũng có. Trong đó kỷ chén thờ thường có 3 hoặc 5 chén, thường đựng nước sạch hoặc rượu cúng. Còn mâm bồng cũng thường có 1 hoặc 3 chiếc với kích cỡ giống hoặc khác nhau, tùy vào nhu cầu của gia chủ. Mâm bồng có thể đặt bất cứ thứ đồ cúng gì từ hoa quả, bánh kẹo, trầu cau hay vàng mã.
Thứ 5 là bộ bát đũa thờ. Dân gian có quan niệm "trần sao âm vậy", vì vậy những người đã khuất cũng cần có bộ bát đũa riêng để dùng bữa. Nhiều gia đình sẽ mua bộ bát đũa này có họa tiết giống họa tiết của các món đồ thờ khác và bày trực tiếp lên ban thờ. Thứ 6 và thứ 7 là chân nên và đèn thờ, 2 thứ này thường đi theo đôi. Dùng để thắp sáng mỗi khi gia đình dâng lễ, thắp hương vào các dịp đặc biệt như mồng 1, rằm hay các dịp giỗ, lễ, Tết.
Còn lại là ống hương, lọ hoa, nậm rượu và bộ ấm trà, thực hiện nhiệm vụ đúng như tên gọi của chúng. Cuối cùng là lọ lục bình, tùy vào không gian thờ của gia chủ thì mới có. Lọ lục bình thường đi lẻ 1 lọ hoặc theo cặp, Có dáng cao, dài, cổ thắt và miệng rộng. Chiều cao phổ biến của lọ lộc bình thường từ 1m2 đến 1m8. Việc đặt lọ lộc bình giúp tô điểm thêm sự cao sang, trang trọng, bề thế cho không gian thờ của gia đình.
Tổng hợp