Bài viết dưới đây là dòng tâm sự của Lý Hồng (54 tuổi, Nam Ninh, Trung Quốc) đang được chia sẻ trên nền tảng Toutiao.
10 năm trước, tôi đến Bắc Kinh, Trung Quốc để làm giúp việc cho những gia đình có người cao tuổi. Tôi được mọi người đi trước kể rằng làm công việc này cho những gia đình giàu sẽ nhận được mức lương rất cao. Tôi đã can đảm bắt chuyến tàu lên thành phố xa lạ để tìm kế sinh nhai.
Sau khoảng 10 năm phục vụ cho những cụ già giàu có, tôi phát hiện ra cuộc sống của họ chẳng hề tươi đẹp như những gì nhiều người tưởng tượng. Dù ở nhà biệt thự, tiêu tiền không cần nghĩ song những cụ ông cụ bà này không hề hạnh phúc.
Tôi từng làm giúp việc trong 2 năm cho bà Giang, một giáo sư đã về hưu. Lương hưu hàng tháng của bà lên đến 20.000 NDT (khoảng 68 triệu đồng). Bà sống trong một căn nhà rộng hơn 180m2 được trang hoàng toàn đồ giá trị.
Lần đầu đến đây, tôi vô cùng ghen tị với người phụ nữ này. Những người lương 3 cọc 3 đồng như chúng tôi có làm cả đời cũng khó có cơ hội sống trong ngôi nhà như này.
Nhưng dần dần tôi phát hiện ra bà Giang vô cùng cô đơn ở những năm tháng cuối đời. Bà bị liệt nửa người nên mọi sinh hoạt cá nhân rất khó khăn. Tôi được thuê đến đây nhằm giúp bà nấu ăn, đo huyết áp và tiêm insulin đúng giờ.
Bà cụ có 1 người con trai định cư ở nước ngoài và 1 cô con gái đang kinh doanh trên thành phố. Làm việc nửa năm tại đây, nhưng tôi chỉ thấy cô con gái về thăm bà đúng 1 lần. Nhưng dịp đó cũng chỉ là tiện đi khảo sát thị trường gần đây thì cô ghé vào. Còn anh con trai của bà rất hiếm khi gọi điện thoại về. Nếu có cũng chỉ được vài phút rồi lại dập máy do có quá nhiều công việc.
Dẫu có đầy đủ vật chất, sống trong căn nhà rộng nhưng lúc nào bà Giang cũng buồn bã và hiếm khi nở nụ cười. Nhiều lần, tôi nhìn thấy bà đã rơi nước mắt khi gọi điện cho các con nhưng không 1 ai nhấc máy. Các con đều bận rộn và hiếm khi quan tâm đến cuộc sống hàng ngày của bà.
Sau 2 năm làm việc tại đây, chứng kiến sự thật này, tôi không khỏi suy nghĩ. Dù con cái chúng ta có xuất sắc và thành công đến đâu cũng không thể thay thế được sự quan tâm, bầu bạn của chúng ở những năm tháng tuổi già.
Sau khi nghỉ việc nhà bà Giang, tôi chuyển đến chăm sóc cho vợ chồng ông Lý. Cả 2 ông bà đều đã tuổi cao sức yếu. Điều tôi buồn khi chứng kiến cuộc sống của vợ chồng già này là họ có đến 3 người con nhưng không ai muốn đón ông bà về ở cùng.
Bà Lý chia sẻ, lương hưu của bà chỉ đủ để trả tiền thuê người giúp việc. Còn lại chi phí sinh hoạt đều phụ thuộc vào lương hưu của ông xã. 3 người con của bà không những không hỗ trợ chi phí còn từ chối đến thăm vì nhiều lý do.
Tôi còn nhớ có lần, ông Lý bị trượt chân ngã trong nhà tắm. Tôi liên lạc với các con của ông nhưng tất cả đều bảo đang đi công tác không thể đến được. Thời điểm đó, chuyện chăm sóc ông cụ trong bệnh viện do tôi lo liệu hết.
Ngoài bà Giang hay vợ chồng ông Lý, tôi còn chăm sóc nhiều cụ ông, cụ bà có trường hợp tương tự trong suốt 10 năm qua. Tôi nhận ra, dù điều kiện vật chất có đủ đầy đến đâu, nhiều người vẫn không cảm thấy hạnh phúc. Bởi họ thiếu đi sự chăm sóc của con cái trong những năm cuối đời. Ngoài cơm ăn, áo mặc, điều người già cần thiết chính là sự bầu bạn của các con. Tiền bạc dường như không thể bù đắp được tình yêu thương của gia đình.
Ngoài sự thật trên, tôi còn nhận ra chất lượng cuộc sống tuổi già không hoàn toàn phụ thuộc vào tiền bạc. Điều quan trọng hơn cả là sức khoẻ. Vì vậy, ngay từ bây giờ, tôi đã cố gắng hết sức để chăm sóc cơ thể của mình thật tốt. Đồng thời, tôi cũng dành nhiều thời gian hơn cho gia đình, đặc biệt là bố mẹ mình.
Không ai có thể đoán trước được điều gì sẽ xảy ra trong tương lai. Song tôi đang cố gắng sống thật tốt mỗi ngày, trân trọng từng khoảnh khắc bên gia đình.