Sống một đời nuôi trẻ mồ côi, người phụ nữ quyết chiến thắng ung thư để về với các con

Mộc Trà |

Mắc ung thư ở tuổi 51 khi đang gánh vác trên vai nhiều cuộc đời, chị H quyết tâm chiến thắng bệnh để được về chăm sóc các con.

Cầm kết quả giải phẫu bệnh ung thư vú giai đoạn 0 trên tay, chị T.N.H (51 tuổi, Sóc Trăng) vẫn suy nghĩ tích cực: Vẫn còn cơ hội về nhà với các con - những đứa trẻ mồ côi mà chị đang nuôi dưỡng. Chị thương các bé như con ruột của mình, bởi hơn 50 năm trước, chị cũng bị người thân bỏ rơi.

Cách đây 3 năm, chị H phát hiện cả 2 bên ngực của chị có u lành tính. Chị được điều trị bằng phương pháp hút chân không tại một bệnh viện ở TP HCM.

Một tháng gần đây, chị thấy 2 bên vú lại đau. Chị đi khám thì được chẩn đoán nghi ngờ ung thư. Các bác sĩ chỉ định khám chuyên sâu.

"Khi biết ung thư vú, nhiều người khuyên tôi đắp lá, uống thuốc nam… và ăn gạo lứt muối mè để 'bỏ đói tế bào ác tính'. Nhưng với tôi, y học hiện đại đã được nghiên cứu, chứng minh nên tôi tin tưởng điều trị với bác sĩ, tìm bệnh viện có trang thiết bị hiện đại để điều trị. Tìm đến phương pháp điều trị đúng cũng giúp tôi có sức khỏe chăm lo cho trẻ em mồ côi", chị H cho hay.

Thạc sĩ bác sĩ Huỳnh Bá Tấn, khoa Ngoại Vú, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh, cho biết sau khi tiếp nhận bệnh nhân, bác sĩ tiến hành khám đầy đủ tất cả các vùng của cả hai bên vú. Bác sĩ ghi nhận tuyến vú 2 bên cân đối, không tiết dịch núm vú, mật độ mô vú mềm mại, không sờ thấy u. Tuy nhiên, khi khám kỹ hơn ở vùng trên ngoài của vú trái, bác sĩ Tấn cảm nhận một mảng có mật độ hơi chắc hơn xung quanh.

Siêu âm và nhũ ảnh sau đó cho thấy có tổn thương ở vú trái. Cả hai phương tiện chẩn đoán hình ảnh đều đưa ra kết luận vú trái có tổn thương được xếp hạng BIRADS 4A. Bác sĩ Tấn giải thích tổn thương được xếp hạng BIRADS 4A là những tổn thương có nguy cơ ác tính ở mức độ thấp; cụ thể, cứ 100 người được xếp vào BIRADS 4A chỉ có 2-10 người bị ung thư vú.

Sống một đời nuôi trẻ mồ côi, người phụ nữ quyết chiến thắng ung thư để về với các con - Ảnh 1.

Chị H phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm. Ảnh: BVCC

"Chúng tôi tiến hành hội chẩn thêm với các bác sĩ chuyên môn, cùng chỉ định chọc hút tế bào bằng kim nhỏ (FNA). Sau 24h, bệnh nhân được xác định tổn thương dạng vú, khả năng u ác tính là 20%. Chúng tôi đề nghị bệnh nhân nhập viện mổ sinh thiết khối u để khẳng định hơn.

Sau ca mổ, kết quả sinh thiết cho kết quả u nhú lành tính nhưng có kèm thành phần ung thư tại chỗ (DCIS). May mắn, bệnh nhân được mổ lấy khối u đủ rộng nên rìa bệnh phẩm không còn tế bào ác tính", BS Tấn cho hay.

Theo bác sĩ Tấn, ung thư tại chỗ là ung thư giai đoạn 0, tiên lượng khỏi bệnh gần như 100%. Với ung thư vú giai đoạn này, người bệnh có hai lựa chọn điều trị: chiếu tia phóng xạ vào tuyến vú và hạch nách để phòng ngừa tái phát hoặc phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tuyến vú và sinh thiết hạch gác cửa. Sinh thiết hạch gác cửa là một kỹ thuật mới nhằm đánh giá chính xác hạch nách có bị di căn hay không, từ đó mới quyết định nạo hạch nách để tránh biến chứng phù tay cho bệnh nhân.

Vì muốn được điều trị sớm, nhanh nhất để trở về chăm sóc đàn con thơ, chị H. đã chọn phương pháp phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tuyến vú và sinh thiết hạch gác cửa. Ca mổ được hoàn thành một cách trọn vẹn, xét nghiệm báo kết quả hạch nách không bị di căn. Bác sĩ Tấn cho biết bệnh nhân được chẩn đoán kịp thời, điều trị sớm nhất và "vừa đủ", ít để lại di chứng nhất.

Người mẹ của những đứa trẻ mồ côi

Tỉnh dậy sau ca mổ, chị H hạnh phúc vì bản thân vẫn còn cơ hội trở về sum vầy cùng các con. Chị cho biết, hiện chị đang nhận nuôi rất nhiều trẻ mồ côi.

Chị tâm sự hơn 50 năm trước, chị cũng bị người thân bỏ rơi trước cửa cơ sở chăm sóc trẻ em mồ côi lúc tờ mờ sáng. Thiếu vắng tình cảm mẹ cha, chị lớn lên trong tình yêu thương của cộng đồng. Do vậy, chị H. càng yêu thương, đồng cảm với những bé mồ côi.

Suốt hơn 20 năm nay, chị H. vừa làm mẹ, làm cha và là người thân của các bé bị người thân bỏ rơi khi mới lọt lòng. Ru con những trưa oi ả, dỗ con khóc giữa đêm khuya, tập con nói những tiếng đầu đời… đều trở thành niềm vui, hạnh phúc của chị. Vất vả nhưng nhìn các con trưởng thành, lớn lên mỗi ngày, chị lại có thêm động lực để cố gắng.

"Giờ đây, con tôi có đứa vào cao đẳng, đại học, có đứa lập gia đình, tôi cũng lên chức bà. Chúng trở về, góp sức, hỗ trợ tôi chăm sóc thêm nhiều trẻ em cùng hoàn cảnh. Tôi mừng khi tình yêu thương được nhân lên, trẻ em không có cha mẹ vẫn ấm áp giữa cuộc sống xô bồ", chị H. rớm nước mắt.

Tầm quan trọng của phát hiện sớm

Theo bác sĩ Huỳnh Bá Tấn, ung thư vú ở giai đoạn chưa có biểu hiện lâm sàng thường khó chẩn đoán nhưng việc điều trị thường nhanh chóng và thuận lợi. Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ dẫn chứng với người ung thư vú giai đoạn 0, nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có tỷ lệ sống 5 năm gần 100%.

Ngược lại, khi bệnh đã có biểu hiện trên lâm sàng, ví dụ như sờ thấy khối u trong vú thì chẩn đoán dễ nhưng quá trình điều trị phức tạp và lâu dài mà hiệu quả lại không bằng bệnh ở giai đoạn sớm. Do đó, bác sĩ Tấn khuyên chị em phụ nữ nên đi tầm soát ung thư vú định kỳ hàng năm ở những cơ sở y tế có đầy đủ các phương tiện chẩn đoán cận lâm sàng hiện đại như siêu âm vú, nhũ ảnh, MRI vú.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại