Mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 1,7 triệu trẻ em trong độ tuổi tiêm vắc xin Quinvaxem theo chương trình tiêm chủng mở rộng từ tháng 6/2010. Vắc xin Quinvaxem phòng được các bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B, viêm phổi, viêm màng não do vi khuẩn HIB.
Tuy nhiên từ tháng 4/2013 đã tạm dừng trên toàn quốc sau khi xảy ra 43 trường hợp phản ứng sau tiêm.
Theo đại diện của bộ y tế, tỉ lệ tai biến do vắc xin Quinvaxem tại Việt Nam 4,5/1 triệu liều thấp hơn nhiều so với kháng cáo của WHO là 20/1 triệu liều, còn với vắc xin bạch hầu - ho gà - uốn ván 20/1 triệu liều, viêm gan B là 1 - 2/1 triệu liều, uốn ván từ 1 - 6/1 triệu liều.
Từ đầu năm 2015 cho đến nay đã có 16 ca phản ứng nặng sau khi tiêm vắc xin Quinvaxem được báo cáo. Trong đó có 8 ca tử vong ,1 ca sốc phản vệ, 7 ca ngẫu nhiên. Việt Nam sẽ tiếp tục dùng vắc xin Quinvaxem trong tiêm chủng mở rộng.
Vắc xin Quinvaxem tiêm hay không tiêm - đây là câu hỏi rất nhiều gia đình đang đi tìm câu trả lời. TS, BS Trần Tuấn - Giám đốc trung tâm nghiên cứu và phát triển cộng đồng trưởng ban liên minh vận động chính sách kinh tế sẽ trò chuyện về vấn đề này.
- Bác sĩ có con cháu nội hay ngoại dưới 5 tuổi không.
BS Trần Tuấn: Tôi có cháu ngoại dưới 2 tuổi.
- Sắp tới bác sĩ cho tiêm vắc xin Quinvaxem hay cho ra nước ngoài?
BS Trần Tuấn: Cháu ngoại tôi đang ở Đức sử dụng vắc xin của các nước chứ không phải vắc xin Quinvaxem.
- Nếu như gia đình cháu ngoại ở Việt Nam và không có tiền bác sĩ ứng xử sao?
BS Trần Tuấn: Khi người dân không muốn tiêm vắc xin Quinvaxem thì sẽ hình thành một nhu cầu có loại vắc xin thay thế. Tất nhiên vắc-xin này phải an toàn hơn và không xảy ra những trường hợp như vừa rồi.
Vắc xin nào an toàn hơn bản thân chúng ta nhìn xem các nước khắc đang dùng loại vắc xin gì. Có lẽ vắc xin Quinvaxem là vắc xin thông qua chương trình tài trợ của Tổ chức Y tế Thế giới cho các nước nghèo. Các nước đang phát triển đang dùng loại vắc xin khác.
Đây thực sự là bài toán mà chúng ta cần suy nghĩ vì nó liên quan đến nhưng tai biến trong thời gian qua cũng được báo chí đưa lên nhiều làm người dân lo lắng.
Chúng ta tiêm cho trẻ em từ những năm 80 có thể có phản ứng phụ như sốt, đau họng, bỏ ăn... nhưng chưa có trường hợp nào tử vong.
- Tôi thấy quan điểm của BS Tuấn đang nghiêng về phương án không nên sử dụng vắc xin Quinvaxem?
BS Trần Tuấn: Tôi nghĩ rằng khi có những trường hợp tử vong như thế thì nên dừng lại. Trong các khuyến cáo của vắc-xin không bao giờ chấp nhận có trường hợp tử vong lại đưa ra trên thị trường.
Vắc xin nào cũng có phản ứng phụ, nhưng nặng đến mức tử vong thì nên dừng lại.
Vắc xin Quinvaxem: Tiêm hay không tiêm?
- Tôi xin phép trong cuộc trò chuyện này tôi đứng ngược lại ý kiến BS để có cái nhìn khách quan hơn. Năm 2015 chúng ta đã ghi nhận có 16 trường hợp mà bị tai biến nặng sau khi tiêm vắc xin Quinvaxem có 8 trường hợp tử vong.
Nhưng khi nghiên cứu đánh giá nguyên nhân về tử vong thì chỉ có 1 trường hợp tử vong do sốc phòng vệ còn 7 trường hợp là do ngẫu nhiên trùng hợp mà thôi. Và từ đâu để kết tội hết cho vắc xin Quinvaxem như vậy?
BS Trần Tuấn: Chúng ta phải đặt lại vấn đề: Trước khi dùng vắc xin Quinvaxem liệu có những trường hợp tử vong do ngẫu nhiên không. Từ những năm 90 tỷ lệ tiêm chủng luôn đạt 90% thì nếu là ngẫu nhiên phải có trong thời gian này.
Đối với vắc xin Quinvaxem, 5 năm gần đây lại có những trường hợp chết ngẫu nhiên. Chúng ta cần phải xem lại chứ không thể quy vào ngẫu nhiên khi chưa có sự nghiên cứu phân tích tác động kĩ càng.
- Ở đây tôi có số liệu do bộ y tế đưa ra, chúng ta thấy tỉ lệ tai biến do tiêm vắc xin Quinvaxem nếu so với con số khuyến cáo của nhà sản xuất hay các tổ chức quốc tế thì thấp hơn rất là nhiều.
Ở Việt Nam là 4,5/1 triệu liều trong khi trên tổ chức y tế thế giới là 20/1 triệu liều.
BS Trần Tuấn: Việc đầu tiên, chúng ta cần thấy là số liệu chính xác đến đâu. Từ thực tế các cháu của tôi chẳng hạn, 1 nửa là không tiêm trong hệ thống tiêm chủng mở rộng, còn 1 nửa thì tiêm dịch vụ ở ngoài. Vậy thì con số 1 triệu liều đã chính xác chưa?
Thứ 2, là hiện nay các địa điểm tiêm chủng vừa tiêm chủng mở rộng miễn phí vừa tiêm chủng dịch vụ. Tiêm chủng mở rộng có quy định ngày cố định trong tháng còn lại tiêm chủng dịch vụ lại thường xuyên.
Cho nên chúng tôi cho rằng việc theo dõi phản ứng tiêm chủng hiện nay đối với vắc xin Quinvaxem cần phải xem lại cái tỉ lệ đã đúng chưa. Đồng thời, cần xem cái định nghĩa tai biến và mức độ tai biến đến đâu? Có chết người hay không?
Theo số liệu chỉ có 1 trường hợp do tiêm vắc xin còn nhiều trường hợp do nguyên nhân khác. Trong khi đó số liệu theo dõi trên các phương tiện truyền thông đại chúng thì cao hơn nhiều. Chính vì thế cần xem lại cả con số 4,5 trẻ bị tai biến nữa.
- Chúng tôi cũng có thêm những con số khác nữa. Nếu vắc xin Quinvaxem có tỷ lệ tai biến là 4,5/1 triệu liều thì trước đây bạch hầu - ho gà - uốn ván có tỷ lệ là 20/1 triệu liều, viên gan B là từ 1-2/1 triệu liều.
BS Trần Tuấn: Vấn đề ở đây là phản ứng đó có gây ra chết người hay không? Phản ứng phụ của vắc xin ho gà - bạch hầu - uốn ván trước đây khá nhiều nhưng đa số là sưng nóng đỏ đau hay là trẻ quấy khóc.
Nếu có trường hợp chết có liên quan đến vắc-xin thì trước đây cũng phải có, tuy nhiên, theo ghi nhận thì trước đây không có hiện tượng ấy.
- Trả lời bên lề Quốc hội, đại diện bộ y tế nói rằng hiện nay muốn thay thế vắc xin Quinvaxem bằng loại vắc xin dịch vụ thì cũng không có mà thay bởi nhà sản xuất không sản xuất kịp, các nước phải đặt hàng từ 2-3 năm trước.
Chúng ta nên làm gì với những trẻ em ở đợt tiêm tới đây?
BS Trần Tuấn: Hiện nay, chúng ta đang ở thời đại toàn cầu hóa. Khi nghi ngờ vắc xin Quinvaxem, một bộ phận đã lựa chọn loại vắc xin khác. Thị trường có cầu sẽ có cung. Chắc chắn sẽ hình thành nên một bộ phận cung cấp loại vắc xin khắc.
Hiện nay ở Mỹ ,Thụy Điển, Nhật đang dùng loại vắc xin khác. Hàn Quốc sản xuất vắc xin Quinvaxem cũng không dùng vắc xin Quinvaxem trong tiêm chủng.
Đưa vắc xin khác vào chắc chắn có 1 thị trường dùng. Nếu nhà nước không cung cấp thì doanh nghiệp có thể tạo ra nguồn cung cho người dân, cốt là phải tạo ra được hành lang pháp lý.
Điểm thứ 2 nữa là chắc chắn sẽ tốn kém hơn so với vắc xin Quinvaxem được Tổ chức Y tế Thế giới hỗ trợ.
Việc cần nhất lúc này là Viện chiến lược chính sách y tế của Bộ y tế hãy tính ra xem nếu dùng vắc xin Quinvaxem khác thì chênh lệch ra sao.
Tôi nói vấn đề chi phí này là câu chuyện của Quốc hội chứ không phải là Bộ y tế nữa vì nó liên quan đến việc sử dụng chi phí của quốc hội, của nhà nước với việc tiêm chủng của trẻ em.
- Bác sĩ có vẻ băn khoăn rất là nhiều về câu chuyện chi phí khi thay thế 1 loại vắc xin khác thay cho vắc xin Quinvaxem nhưng cá nhân tôi nghĩ rằng trong hệ thống tiêm chủng mở rộng, mọi đứa trẻ phải được tiêm chủng theo 1 loại vắc xin an toàn nhất?
BS Trần Tuấn: Tôi nghĩ ý kiến đó là ý nghĩ đông đảo của nhiều người trong xã hội.
Nếu chỉ có vắc xin Quinvaxem mà không có loại khác thì chúng ta phải chấp nhận rủi ro. Nhưng hiện nay đã có những loại vắc-xin khác an toàn hơn thì người dân sẽ không tiếc tiền để phòng bệnh.
Còn để mà làm được việc như chị nói thì song song với việc thay thế vắc xin phải xem lại cả hệ thống tiêm chủng .
- Tiêm phòng hiện nay gặp những vướng mắc gì khiến cần phải đánh giá, thiết kế lại toàn bộ hệ thống như vậy?
BS Trần Tuấn: Thứ nhất chúng ta đang vận hành song song tiêm chủng dịch vụ và tiêm chủng mở rộng và dùng 2 loại vắc xin khác nhau cho cùng 1 loại bệnh.
Tiêm dịch vụ hầu như dùng vắc xin được người dân tiếp nhận. Tuy chi phí cao hơn nhưng hình như mức độ an toàn tốt hơn.
Trong khi đó tiêm vắc xin miễn phí thì lại có liên quan nhiều đến các loại tai biến mà xã hội đã biết. Cho nên người dân đang dần bỏ tiêm vắc-xin miễn phí để tiêm vắc xin dịch vụ. Thị trường như thế là méo mó nên không hình thành được 1 loại hình đủ cung ứng.
- Lý do vì sao nó lại méo mó như vậy?
BS Trần Tuấn: Tôi nghĩ rằng chỉ liên quan đến việc xuất-nhập khẩu vắc xin này. Nên xem lại quy định về xuất nhập vắc xin ra sao, những ai tham gia vào xuất nhập khẩu vắc xin dịch vụ trong thời gian qua? Lý do vì sao không đủ nguồn cung trong thời gian gần đây?
Vấn đề nằm ở hành lang pháp lý, ở vấn đề quy định cung cấp vắc-xin.
- Như ông đã phân tích, khi chưa thể tạo ra cung gặp cầu được thì các gia đình đang có trẻ em trong giai đoạn phải tiêm chủng nên ứng xử như thế nào?
BS Trần Tuấn: Thực sự không còn cách nào khác là phải sống chung với lũ.
- Nếu các bố mẹ vì không có tiền để đưa trẻ sang nước ngoài để tiêm mà đưa ra quyết định không tiêm chủng thì rất nguy hiểm. Bởi chúng ta đã nhìn thấy năm 2014 dịch sởi lan tràn chưa kể đến các bệnh như ho gà, bạch hầu.
BS Trần Tuấn: Không tiêm chủng thì nguy cơ dễ mắc bệnh hơn nhưng phải nói rằng vụ dịch sởi 2014 phần nhiều do lây chéo trong bệnh viện.
Điểm thứ 2, theo kinh nghiệm của người dân, không phải ca mắc sởi nào cũng dẫn đến tử vong.
Mặc dù sởi là căn bệnh có tỷ lệ lây nhiễm nhanh và ác liệt hơn nhưng chỉ một số đối tượng đặc biệt như trẻ bị suy dinh dưỡng, trẻ đang mắc bệnh khác thì mức độ mới nặng hơn.
Đặt trường hợp mình có con và quyết định có cho con tiêm hay không là một câu hỏi rất khó.
- Trong trường hợp này, bác sĩ có tiêm hay không?
BS Trần Tuấn: Nếu là tôi, tôi sẽ không tiêm trừ khi không còn nguồn vắc xin nào khác. Còn nguồn vắc xin khác an toàn hơn phòng bệnh đó thì chắc chắn chúng ta không tiếc tiền với chuyện đó .
Rất cảm ơn BS Trần Tuấn đã đến để chia sẻ cùng chúng tôi trong câu chuyện đang nóng hiện nay!