Ung thư dạ dày là gì?
PGS.TS. Nguyễn Văn Hiếu (Bệnh viện K) cho biết trong Chương trình Phòng chống bệnh ung thư Quốc gia: Ung thư là bệnh của các tế bào cơ thể.
Bình thường các tế bào trong cơ thể phân chia theo trình tự nhất định. Tuy nhiên đôi khi vài tế bào phân chia bất thường và phát triển thành khối u.
Khối u có thể là lành tính (không phải là ung thư) hoặc là ác tính (là ung thư).
Ung thư dạ dày hiện đang rất phổ biến ở nước ta với mỗi năm có trên 13.000 ca mới và gần 10.000 người tử vong. (Ảnh minh họa)
Khối u ác tính gồm các tế bào ung thư. Nếu không được điều trị, các tế bào này sẽ xâm lấn và phá hủy các mô xung quanh.
Các tế bào ung thư thường tách khỏi ung thư ban đầu và đến các cơ quan khác. Khi những tế bào này đến vị trí mới, chúng tiếp tục phát triển thành khối u, khối u này được gọi là di căn.
Ung thư dạ dày hay đi theo đường hệ thống bạch mạch để đến các bộ phận khác của cơ thể.
Ung thư dạ dày là một bệnh hay gặp, là nguyên nhân đứng hàng thứ 2 gây tử vong trong các bệnh do ung thư trên thế giới và tại Việt Nam đứng hàng thứ 3 ở cả nam và nữ.
Yếu tố nguy cơ tiềm ẩn
Mỗi năm trên thế giới có khoảng 1 triệu người mắc ung thư dạ dày, trong đó khoảng 800.000 ca tử vong.
Đặc biệt, căn bệnh này hiện đang rất phổ biến ở nước ta với mỗi năm có trên 13.000 ca mới được chẩn đoán ung thư dạ dày, và gần 10.000 người tử vong.
Theo các chuyên gia y tế, có một số yếu tố nguy cơ liên quan đến căn bệnh này, gồm: Tuổi tác (bệnh thường gặp ở người trên 40 tuổi, chủ yếu là ở độ tuổi từ 50-70 tuổi), gặp ở nam nhiều hơn nữ với tỷ lệ 2/1.
Ở những người có tiền sử loét dạ dày và từng bị thiếu máu ác tính thì có nguy cơ cao bị ung thư dạ dày. (Ảnh minh họa)
Trẻ nhỏ và người lớn có thu nhập thấp dễ bị ung thư dạ dày hơn so với những người có thu nhập cao hơn.
Các nhà nghiên cứu tin rằng điều này có thể là do sự lây lan của Helicobacter pylori trong điều kiện sống chật chội.
Các chuyên gia đặc biệt khuyến cáo những trường hợp có yếu tố nguy cơ như dưới đây cần phải có biện pháp kiểm tra định kỳ và tầm soát căn bệnh này.
- Nhiễm Helicobacter pylori: H. pylori là một loại vi khuẩn thường nhiễm vào lớp niêm mạc của dạ dày. và gần 2/3 dân số thế giới nhiễm H. pylori.
Đối với nhiều người, nhiễm H. pylori không có dấu hiệu hoặc triệu chứng và không dẫn đến bất kỳ biến chứng.
Nhưng đối với nhiều người khác, nhiễm H. pylori được xem là nguyên nhân hàng đầu gây loét dạ dày, chiếm ít nhất 80% tổng số các trường hợp.
Nó cũng có thể là nguyên nhân chính gây ung thư dạ dày.
Theo các nhà khoa học, nhiễm H. pylori khiến bạn dễ bị ung thư dạ dày gấp từ 2-6 lần so với người không bị nhiễm.
Ở những người có tiền sử loét dạ dày và từng bị thiếu máu ác tính thì có nguy cơ cao bị ung thư dạ dày.
Những người đã cắt bỏ một phần dạ dày để loại bỏ tình trạng viêm dạ dày lâu dài cũng sẽ tăng nguy cơ ung thư dạ dày sau khi phẫu thuật.
- Tiền sử gia đình: Nếu trong nhà có người bị ung thư dạ dày thì tỷ lệ con, cháu bị cao hơn gấp 4 lần so với những người khác.
- Chế độ ăn uống kém, thiếu hoạt động thể chất, hoặc béo phì cũng có thể là những yếu tố dẫn đến bệnh này.
Những người ăn nhiều thực phẩm được hun khói, muối, hoặc ngâm sẽ có nguy cơ cao hơn những người ăn một chế độ ăn nhiều trái cây tươi và rau quả.
Ăn lượng lớn thịt đỏ - đặc biệt nếu nó được quay cả con - cũng làm tăng nguy cơ.
Mặt khác, ăn nhiều hoa quả và rau, đặc biệt là những loại màu đỏ hoặc vàng đậm, như cà chua, cà rốt và khoai tây ngọt, giúp chống lại ung thư dạ dày.
Nam giới thừa 11-13,5kg so với cân nặng lý tưởng có thể tăng nguy cơ bị ung thư dạ dày.
- Hút thuốc lá và uống rượu: Cả hai điều này đều kích thích niêm mạc dạ dày và có thể gây ung thư phần trên dạ dày sát với thực quản.
- Polyp dạ dày: Những polyp này là những u nhỏ ở niêm mạc dạ dày, phần lớn là lành tính, nhưng polyp tuyến - đặc biệt là những u có đường kính >1cm - thường là tiền ung thư.
Ngoài ra, theo các nhà khoa học, dù chưa giải thích được lý do nhưng những người có nhóm máu A có nguy cơ ung thư dạ dày cao hơn một chút so với người có nhóm máu khác.
Do chưa xác định chính xác nguyên nhân gây ra ung thư dạ dày, nên việc tầm soát bằng chụp X-quang hoặc nội soi dạ dày là vô cùng cần thiết để có biện pháp phòng ngừa cũng như phát hiện sớm chữa chạy kịp thời.