Tiếng khóc xé lòng của đứa trẻ 1 tuổi dính sùi mào gà
Vào một buổi chiều đầu tháng 10, PV báo NĐT tìm đến nơi làm việc của chị Nguyễn Thị Lan (điều dưỡng Khoa Lâm Sàng 3, Bệnh viện Da liễu TP.HCM) để nghe chị chia sẻ về 7 năm trực tiếp điều trị bệnh nhân mắc sùi mào gà.
Chị kể: “Ngày xưa, khi còn là sinh viên tôi chỉ biết bệnh sùi mào gà là những u nhú màu hồng, giống như bông cải hay sần sùi của con gà thông qua sách vở, internet và báo chí, nhưng khi được tận mắt chứng kiến hình ảnh bên ngoài thì còn đáng sợ hơn nhiều.
Vừa sần sùi lại có gai, nó mọc thành từng đám và lan rộng ra xung quanh trông giống như hoa súp lơ.
Các nốt đó có thể rất nhỏ bằng hạt mè, nhưng cũng có khi to bằng ngón chân cái hoặc có thể lớn hơn rất nhiều.
Một số người có triệu chứng ngứa, phần lớn các trường hợp còn lại không có triệu chứng gì cả”.
Từ đó chị sợ hãi và nghĩ sau này ra trường sẽ không làm cái nghề mà mình đang học. Ấy vậy mà cái duyên với nghề điều dưỡng đã ngấm vào con người chị lúc nào không hay.
Chị Lan chia sẻ: “Khi mới ra trường, do chưa được tiếp xúc nhiều với bệnh nhân nên chưa có kinh nghiệm. Nhưng từ khi bước chân vào Khoa điều dưỡng của Bệnh viện Da liễu TP. HCM, tôi cảm thấy nơi đây như là một xã hội thu nhỏ.
Hầu hết bệnh nhân tới khám đều ngượng ngùng, xấu hổ khiến cho những điều dưỡng như chị phải mất rất nhiều thời gian để chấn an tâm lí cho bệnh nhân thì mới có thể tiến hành điều trị được.
Là người trực tiếp tư vấn cho rất nhiều bệnh nhân, đặc biệt là nam giới, chị vừa ghi sổ y bạ đồng thời hỏi thông tin bệnh nhân.
Trong những câu hỏi đó bao giờ cũng có câu: “Lần quan hệ tình dục cuối cùng của anh là vào khi nào?” đồng thời nhắc nhở bệnh nhân lưu ý không được quan hệ tình dục trong thời gian này và nhớ tra thuốc đúng giờ.
Ngày đầu tiên tư vấn cho bệnh nhân mà chị nói y hệt một cái máy, vừa bỡ ngỡ lại xấu hổ, còn bây giờ làm nhiều nên cũng thành quen.
Biểu hiện của bệnh sùi mào gà. Ảnh minh họa.
Lúc thăm khám cho bệnh nhân chị phải đứng bên phụ giúp cho bác sĩ tiến hành đốt sùi mào gà.
Chị nhớ cách đây vài tháng có một em bé 1 tuổi tên là Nguyễn Thị Thùy Trinh (SN 2014, quê Bình Phước) bị dính sùi mào gà từ người cha của mình.
Khi chấm Acid Trichlor Acetic rồi phun Nito lỏng cho em, sau đó tiến hành đốt điện mà em bé khóc quá trời, tiếng khóc như xé lòng tất cả mọi người trong phòng.
Sau lần đó, cứ mỗi lần cha mẹ đưa em đến tái khám và kiểm tra sức khỏe, vừa bước chân tới hành lang của bệnh viện là em đã khóc thét lên, chỉ cần nghe tiếng khóc là các nhân viên điều dưỡng ở đây có thể đoán được đó là bé Trinh, vừa nhìn thấy các cô mặc áo trắng đi tới thì lập tức Trinh ôm chầm lấy mẹ sỡ hãi.
Dù đã gắn bó với công việc này suốt 7 năm nhưng có những lần gặp cảnh bệnh nhân bị sùi mào gà nặng, rồi những nam thanh niên còn rất trẻ chỉ mới 18 -19 tuổi đầu đã bị bệnh xã hội này khi đến kiểm tra thì bệnh đã tái phát nặng, những ổ sùi mọc thành đám to, sần sùi khiến chị Trang vẫn hoảng sợ.
Chứng kiến nhiều trường hợp bệnh nhân là nam giới đến thăm khám hầu hết đều có quan hệ ngoài luồng nên mắc đủ thứ bệnh.
Chỉ tư vấn tâm lí thôi cũng đã khiến chị sợ hãi và không muốn tin vào người khác giới nữa.
Chị nói: “Đa số những bệnh nhân nam đến đều chung một lí do là lăng nhăng, bồ bịch bên ngoài nên bị dính.
Trong 10 người đàn ông đến đây thì mất 8 người ăn chả, nem bên ngoài dẫn đến mắc bệnh lúc nào không hay. Chỉ hi hữu lắm mới có một trường hợp bị lây từ vợ sang hoặc do môi trường bên ngoài”.
Bị stress suốt 2 năm liền
Nhớ lại thời gian khi bắt đầu làm điều dưỡng, chị bị stress rất nặng, cảm giác sợ đàn ông lúc nào cũng ám ảnh trong đầu.
Có những lúc chị mất hết niềm tin vào người khác giới. Khi được nghe và chứng kiến những câu chuyện mà bệnh nhân mắc sùi mào gà tâm sự, chị bắt đầu thấy lo lắng cho cuộc sống của mình.
Phải mất 2 năm liền chị mới dần quen với công việc của một nhân viên điều dưỡng khi chứng kiến nhiều trường hợp như vậy, chị dần trở nên mạnh dạn hơn.
“Từ khi làm công việc này mỗi lần về nhà tôi không biết phải làm sao để thoát ra khỏi cái bóng của công việc, mặc dù đã cố gắng bỏ công việc qua một bên thế nhưng hình ảnh của những em bé mới có 1 tuổi đã bị dính sùi mào gà từ chính những người cha, người mẹ của mình rồi đau đớn khóc thét lên khi các bác sĩ đốt điện khiến chị bị ám ảnh mà không biết làm sao cho nó biến mất khỏi đầu được”, chị Trang nói.
Là một người sống nội tâm, chị thường lo lắng rồi nhìn cuộc sống của những người xung quanh và liên tưởng đến cuộc sống của mình.
Mãi sau chị mới được một chị trong nghề tư vấn cách thoát khỏi những ám ảnh của công việc bằng cách tự mình giúp chính mình, về đến nhà là chị dẹp công việc sang một bên, không cho mình nhớ đến nữa, tìm niềm vui bằng cách đọc sách, xem phim…
Cuối cùng chị cũng thoát được nỗi ám ảnh đó.
Hàng ngày chị trực tiếp tư vấn cho rất nhiều bệnh nhân tới thăm khám, "7 năm trước phần lớn là những nam thanh niên từ 25 đến 30 tuổi mắc sùi mào gà.
Nhưng một năm lại đây, số lượng bạn trẻ tới thăm khám và điều trị tăng lên rất nhiều. Hầu hết là những nam thanh niên chưa lập gia đình sinh năm 1995 – 1996", chị Trang chia sẻ.
Thời gian gần đây hình ảnh bé Trinh lại làm chị nhớ lại 2 năm trước.
Về đến nhà cứ nhìn thấy con mình nô đùa vui vẻ bên gia đình, trong khi đó bé Trinh lại phải chịu đựng đau đớn ở bệnh viện khiến chị bị ám ảnh.
Chị nghĩ bé Trinh còn rất nhỏ mà đã phải chịu những nỗi đau không đáng có từ chính người làm cha làm mẹ mình, những tiếng khóc xé lòng ở bệnh viện khiến chị không sao quên được.
Mới có 1 tuổi mà bị các bạn kì thị, không cho chơi cùng, người thân thì xa lánh vì nghĩ bệnh này lây lan.
Chính điều đó đã để lại trong tâm trí các bé một vết thương rất lớn, người cha, người mẹ đau một nhưng đứa trẻ đó đau gấp mười.
Khi đặt mình vào hoàn cảnh đó chị thấy thương và thấy tội nghiệp vô cùng chỉ biết động viên, an ủi và điều trị cho em mau khỏi bệnh.
(Tên nhân vật đã được thay đổi)