Tại sao Việt Nam chưa dừng sử dụng hóa chất nghi ngờ gây teo não?

Lệ Nam |

Trước thông tin hóa chất Pyriproxyfen gây teo não trẻ nhỏ đang gây hoang mang dư luận, PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng chưa có bằng chứng chính thức về mối liên quan này.

Vì sao chưa ngưng sử dụng hóa chất này

Ngày 16/2, Bộ Y tế đã có cuộc họp và xác nhận 9.500kg hóa chất Pyriproxyfen đã nhập về Việt Nam và đã sử dụng được khoảng hơn 2.000kg.

Theo đó năm 2013 là 200kg, năm 2014 là 810kg, năm 2015 khoảng hơn 1000kg. Như thế, số lượng bán ra rất ít và không đáng lo ngại.

TS Bác sĩ Nguyễn Thị Liên Hương - Cục trưởng Cục Y môi trường Y tế Bộ Y tế cho biết đến nay, số lượng thuốc hóa chất này sử dụng hạn chế. Không giống như các nước khác sử dụng cả trong sinh hoạt, chúng ta không dùng trong nước ăn uống.

Bà Hương cho biết theo thông tin từ Brazil, nước này có sử dụng hóa chất Pyriproxyfen trong nước ăn uống và sinh hoạt.


Hóa chất Pyriproxyfen bị nghi ngờ gây teo não ở trẻ sơ sinh cũng đang được sử dụng ở Việt Nam (Ảnh minh họa)

Hóa chất Pyriproxyfen bị nghi ngờ gây teo não ở trẻ sơ sinh cũng đang được sử dụng ở Việt Nam (Ảnh minh họa)

Trong khi dư luận đang đặt ra câu hỏi tại sao Bộ Y tế không cho ngưng sử dụng hóa chất này trong khi nó đang bị nghi ngờ gây ra hội chứng teo não ở trẻ sơ sinh, PGS.TS Trần Đắc Phu Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế đã đưa ra câu trả lời với PV.

Theo ông Phu, thông tin trên thực tế xuất phát từ Brazil. Tuy nhiên chính bộ Y tế nước này cũng chưa xác nhận và công bố chính thức nên các thông tin chỉ là nghi ngờ.

“Hoá chất Pyriproxyfen bị nghi ngờ gây teo não đc dùng ở nhiều nước khác không hẳn dùng riêng tại Brazil. Hoá chất này tại Brazil cũng dùng lâu rồi Tuy tại Brazil có thông tin hóa chất này gây teo não nhưng bộ Y tế nước này vẫn chưa chính thức công bố.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn đang tiếp tục điều tra, nghiên cứu, thu thập thêm bằng chứng về mối liên quan này nên chưa thể khẳng định Pyriproxyfen có phải là loại hóa chất gây teo não ở trẻ nhỏ hay không.

Mặt khác, hóa chất Pyriproxyfen chưa được sử dụng phổ biến, rộng rãi ở nước ta. Nếu công bố vội vàng sẽ khó giải thích sau này…” - ông Phu nói.

GS Nguyễn Thanh Long – Thứ trưởng Bộ Y tế cũng khẳng định, ở Việt Nam hóa chất này chỉ được cấp phép sử dụng cho nước thải và nước công trình xây dựng, chứ không sử dụng trong nước sinh hoạt.

Lý do là do muỗi gây sốt xuất huyết hay sống ở các khu nước đọng trong các công trình xây dựng, trong các loại chứa nước như chai lọ, vỏ dừa thậm chí là những đốt tre nên Bộ Y tế tiến hành phụ khử muỗi và ấu trùng muỗi như thế.

Ông Long nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với WHO, nếu như có mối liên quan thì sẽ lập tức cho dừng ngay”.

Sẽ khám sàng lọc sản khoa phát hiện teo não ở trẻ

Theo ông Nguyễn Đức Vinh - Vụ trưởng Vụ bà mẹ và trẻ em Bộ Y tế trong thời gian sớm nhất sẽ tập huấn cho các trung tâm sàng lọc trước sinh để phát hiện tật teo não ở thai nhi.

Hiện nay, việc điều trị vi rút zika chỉ mới dựa trên điều trị triệu chứng, không có thuốc đặc hiệu và dị tật không thể điều trị được nên các bác sĩ sẽ cố gắng tư vấn cho người nhà bệnh nhân nếu phát hiện có dị tật đầu nhỏ ở trẻ.

Ông Vinh cũng cho biết thêm không chỉ có vi rút Zika nghi ngờ gây teo não mà ngay cả những người có thai bị rubella cũng có thể gây ra dị tật này.

Đến nay, để phát hiện được dị tật teo não thai nhi ở 3 tháng cuối của thai kỳ. Việc đình chỉ thai kỳ hay sinh con ra là quyết định của sản phụ và gia đình của họ.

Trong thời gian tới, nếu phát hiện sản phụ nghi ngờ có vi rút Zika, các cơ sở y tế sản khoa sẽ liên hệ với các trung tâm xét nghiệm vi rút Zika để lấy mẫu làm xét nghiệm. Ông Vinh cho biết các chi phí này trước mắt sẽ miễn phí cho các sản phụ.

PGS TS Nguyễn Văn Kính – Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết đã đến lúc cần đưa dị tật teo não (đầu nhỏ) vào những dị tật cần kiểm tra sàng lọc trước sinh.

PGS Kính cho biết từ trước đến nay, chúng ta chỉ sàng lọc phát hiện dị tật tim mạch, cơ xương khớp mà không phát hiện não bé. Nếu siêu âm não nhỏ nên làm xét nghiệm Zika ngay vì nhiều trẻ bị chứng đầu nhỏ ở Brazil xét nghiệm ở não có nhiều vi rút Zika.

Còn về phía người dân, PGS Kính cho rằng không nên quá hoang mang với vi rút này mà chúng ta chú ý tới các bệnh hiện nay như tay chân miệng, viêm phổi ở trẻ nhỏ và người già do thời tiết thay đổi.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại