Sự thật mãng cầu xiêm chữa ung thư: Không tưởng, trục lợi

Nguyễn Huệ |

(Soha.vn) - Thông tin "Nước ép mãng cầu xiêm có khả năng tiêu diệt các tế bào ung thư cao hơn 10.000 lần so với liệu pháp hóa trị" là chưa kiểm chứng, có khả năng là sự trục lợi.

Nước ép mãng cầu xiêm (Graviola) có khả năng tiêu diệt các tế bào ung thư cao hơn 10.000 lần so với liệu pháp hóa trị, đó là kết quả nghiên cứu được đăng trên tờ Journal of Natural Products do một trường Ðại học ở Hàn Quốc thực hiện. Sau khi kết quả nghiên cứu này được công bố rộng rãi đã nhanh chóng thu hút được sự chú ý của dư luận.

Nhưng theo PGS. TS Nguyễn Duy Thuần, Phó Giám đốc Học viện Y dược học Cổ truyền Việt Nam thì: “Thông tin này chưa kiểm chứng được, chưa đáng tin cậy và có khả năng là sự trục lợi của một nhóm đối tượng nào đó lợi dụng sự quan tâm của thị trường”.

Lưu ý nhất là trong hạt của quả mãng cầu xiêm có hợp chất annonacin là một chất độc thần kinh. Và nó có vẻ là nguyên nhân gây ra một bệnh thoái hóa thần kinh. Chính vì thế các nhà nghiên cứu tập trung nghiên cứu về chất độc này.

PGS. TS Nguyễn Duy Thuần, Phó Giám đốc Học viện Y dược học Cổ truyền Việt Nam
PGS. TS Nguyễn Duy Thuần, Phó Giám đốc Học viện Y dược học Cổ truyền Việt Nam

Trở lại cây mãng cầu xiêm, PGS. TS Nguyễn Duy Thuần cho biết, bản chất của nó là cây thực phẩm. Quả, nước ép của mãng cầu xiêm chỉ giống như nước quả ép khác là cung cấp vitamin, muối khoáng và một số chất dinh dưỡng để tăng lực. “Cái gọi là tăng lực đó đôi khi nhiều người gán ghép với câu chuyệ tăng lực sẽ chống được cả ung thư vì cơ thể có khỏe mới chống được bệnh tật. Và hiện tại người dân vẫn có những sự lẫn lộn giữa nước ép hoa quả của mãng cầu xiêm với những chất dinh dưỡng có tác dụng nâng cao sức đề kháng để chống chọi với bệnh tật nói chung”, PGS. TS Thuần nói thêm.

Đối với mãng cầu xiêm, các nhà nghiên cứu đã có nhiều nghiên cứu khác nhau. Trong đó có cả nghiên cứu chống virus, nghiên cứu thần kinh, nghiên cứu về chống bệnh tật…

Hơn nữa, nghiên cứu của Đại học Cơ đốc giáo Hàn Quốc đăng trên tạp san Journal of Natural Products khẳng định một hoá chất trong Graviola đã tiêu diệt các tế nào ung thư ruột nhanh gấp 10.000 lần hoá chất Adriamycin thường dùng trong hoá trị ung thư. Theo PGS. TS Nguyễn Duy Thuần thì đó là điều không tưởng. Bởi lẽ, các nhà nghiên cứu đã bỏ ra nhiều công sức, tiền của để nghiên cứu ra những “công trình” hiện nay đang điều trị bệnh ung thư.

Thêm vào đó, nghiên cứu này cũng có nêu: Graviola và nước ép mãng cầu xiêm không hề làm hại gì cho các tế bào khỏe mạnh và không có tác dụng phụ. “Đó là điều vô lý. Vì không có chuyện có chất diệt tế bào ung thư mà lại không ảnh hưởng tới tế bào thường. Ít nhiều phải có”, PGS. TS Thuần nói.

Mãng cầu xiêm có tác dụng thần kỳ mà đến giờ chúng ta mới biết
Mãng cầu xiêm có tác dụng thần kỳ mà đến giờ chúng ta mới biết

Quay trở lại câu chuyện dư luận, PGS. TS Thuần nhắc lại câu chuyện hơn một năm trước cũng từng rộ lên thông tin cây xáo tam phân ở khu vực Khánh Hòa có tác dụng chữa bệnh ung thư. Sau đó, viện Dược liệu cũng có nghiên cứu và công bố là, sau khi chiết xuất ra có thử trên một số dòng tế bào ung thư và có tác dụng. Công bố đó đã được dân tình nhanh chóng in ra và phát hành rộng rãi với thông tin, viện Dược liệu đã nghiên cứu và cây xáo tam phân có tác dụng chống ung thư trên một số dòng ung thư khiến cây xáo tam phân bị săn lùng đến cạn kiệt.

“Thí nghiệm đó không liên quan gì đến chuyện chữa ung thư mà nó chỉ định hướng cho các nhà khoa học là nghiên cứu để hướng tới tìm hoạt chất nào đó chữa ung thư. Qua đó để thấy có sự khác nhau hoàn toàn giữa nghiên cứu khoa học trên ống nghiệm và trên thực tế cũng như việc tìm ra được chất ứng dụng trên lâm sàng con người hay không. Trong dược liệu của nước ta hay trên thế giới, đó là xuất phát điểm cho nhiều nghiên cứu tìm ra thuốc mới. Đặc biệt hiện nay là với những bệnh hiểm nghèo. Nhưng tôi sợ có những sự trục lợi trong đó”, PGS. TS Thuần cho hay.

Chính vì vậy, PGS. TS Nguyễn Duy Thuần đưa ra lời khuyên là người tiêu dùng hay bệnh nhân phải là những người “sử dụng thông minh”. Không nên để bị lôi cuốn vào những sự “trục lợi” ấy. Vì khi bị ung thư thì bất kì cái gì được người khác “mách” họ cũng có thể tìm tới và cuối cùng đẩy các loại đó lên một ngưỡng khác.

Hình dung lại toàn bộ sự việc, PGS. TS Thuần nhấn mạnh: “Tất nhiên những cây nào quý thì các nhà khoa học cũng nghiên cứu để cung cấp ra thị trường. Nhưng với ung thư thì cần thận trọng các thông tin. Nếu nói là có tác dụng hỗ trợ chữa ung thư thì tôi chấp nhận. Vì hiện tại chúng ta chưa chứng minh được hết”.

Khi được hỏi về một công trình nghiên cứu loại nước ép mãng cầu xiêm này để có những kết quả chính xác, PGS. TS Thuần nói: “Các nhà khoa học cứ chạy theo các thông tin chưa được kiểm chứng ấy cũng mệt mỏi. Tất nhiên nghiên cứu và các công bố khoa học cũng là giá trị tốt. Nhưng cái khó là thực tế, điều kiện nghiên cứu của chúng ta chưa đầy đủ. Nghiên cứu một loại thuốc thông thường cũng phải mất khoảng 10 – 20 năm để ra được loại thuốc chuẩn, từ lúc nghiên cứu cho tới lúc lâm sàng trên con người để được phép đưa ra chữa bệnh. Đó là thuốc thông thường, chưa nói tới thuốc chữa ung thư vì thuốc chữa ung thư còn liên quan tới độc tính”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại