LTS: Mỗi ngày có hàng trăm cô gái trẻ, trong đó có cả tuổi thiếu niên, đến các bệnh viện để phá thai, bất chấp những nguy cơ tai biến có thể dẫn đến tử vong đang rình rập…
10 người phụ nữ ngồi im lặng nghe nhân viên y tế tư vấn, một cô bé khoảng 17 tuổi khóc thút thít và lấy vạt áo che mặt như che đi sự xấu hổ.
Nước mắt tuổi 17
Tại phòng chờ ở khu vực kế hoạch hóa gia đình của một bệnh viện có khoa sản tại TP.HCM có khá đông chị em. Nơi đây có người mới đến chờ được tư vấn, có người vừa uống xong thuốc làm cho thai dừng phát triển và cũng có người vừa nạo hút thai…
Những con người xa lạ nhìn nhau như tìm kiếm sự chia sẻ nỗi lo thầm kín trong lòng họ.
Một người phụ nữ chưa đến 40 tuổi dẫn theo đứa con gái còn trẻ măng mặc chiếc váy đen cũn cỡn đến xin phá thai.
Cô bé ấy mới 17 tuổi và đang là học sinh lớp 12 nhưng đã trót dại ăn trái cấm và hiện đang mang cái thai đơn phương, tuổi thai đã 19 tuần.
Hai mẹ con nhìn nhau khá lạnh nhạt, không nói với nhau lời nào và có vẻ căng thẳng. Tỏ vẻ thông cảm cho cô bé lỡ dại, vị bác sĩ (BS) tư vấn hỏi: “Cháu không ngừa thai à?”.
Cô bé lắc đầu. BS quay sang hỏi người mẹ: “Gia đình có cần thời gian suy nghĩ lại để giữ đứa trẻ không?”.
Người mẹ nói: “Để nó sinh ra thì chết. Nó còn tương lai phía trước. Bỏ nó đi BS à!”. Rồi bà hỏi BS thời gian phá thai có lâu không, BS nói nếu suôn sẻ thì 3-5 ngày.
Nhiều em gái trẻ đi phá thai ở cơ sở “chui”. Những cái thai đã 18-19 tuần tuổi vẫn được các phòng khám thai “chui” phá vô tội vạ. Ảnh: TÙNG SƠN
Vị BS giải thích rằng thai của cháu bé đã 19 tuần tuổi, đã quá lớn để điều hòa bằng phương pháp nạo, hút thai nên cho bé uống thuốc, làm cho thai nhi mất tim và cho sinh non.
Việc này đồng nghĩa là cháu bé sẽ trải qua một lần sinh như một sản phụ. Khi thai nhi ra cửa âm đạo không suôn sẻ thì phải thủ thuật rạch âm đạo. “Khả năng chịu đựng của cháu bé thấp, sẽ bị stress sau này và cũng có nguy cơ tai biến…” - vị BS nói.
Nhưng người mẹ xua tay, vẫn kiên quyết bỏ thai trong bụng con gái mình.
Khi người mẹ được mời ra ngoài chờ, vị BS hỏi: “Cháu có muốn giữ cái thai trong bụng không?”. Nghe đến đây, cô bé vừa gật đầu vừa khóc thút thít. Nhưng khi được BS hỏi tiếp: “Cháu có muốn về nói chuyện lại với mẹ để giữ cái thai không?” thì cô bé lại lắc đầu.
Cầm bịch thuốc trong tay, cô bé rời phòng tư vấn và qua phòng chờ uống thuốc dừng tim thai. Ngoài cửa, các thai phụ khác tiếp tục bước vào…
Muôn mặt phá thai
Một thai phụ cầm cuốn sổ khám thai, phiếu siêu âm đến xin tư vấn. Chị kể năm nay đã 40 tuổi, đã có một đứa con trai học lớp 12 và đứa con gái học lớp 7. Vợ chồng chị bán hàng ngoài chợ, ở nhà trọ, mỗi tháng kiếm được trên dưới chục triệu đồng.
Vợ chồng lo cho hai đứa con ăn học, thiếu trước hụt sau. Cách đây không lâu chị đến một cơ sở y tế xin đặt vòng nhưng do nơi này đã hết vòng, chưa kịp đặt thì chị tắt kinh đã năm ngày, siêu âm phát hiện tử cung có cái phôi. “Tôi muốn bỏ nó, giờ phải làm sao?” - chị hỏi.
BS hỏi chị: “Chị có muốn giữ lại cái thai không?”. Chị nói “không” gọn lỏn. “Vì sao chị quyết định bỏ?”. Chị nói gia cảnh khó khăn quá, sinh ra nuôi không nổi.
Vị BS nhìn kết quả siêu âm và cho lời khuyên: “Thai mới có năm ngày nên chưa rõ được, một tuần nữa chị quay lại chúng tôi sẽ tư vấn cho chị chính xác hơn”.
Người phụ nữ trung niên khắc khổ bước ra cửa mang theo một sinh linh đang lớn từng ngày. Có thể một tuần sau chị sẽ không quay lại và cũng có thể chị sẽ quay lại đây để hủy hoại nó và cũng có thể chị sẽ tìm đến một nơi khác…
Bàn bên cạnh, cô nhân viên y tế đang hỏi một thai phụ: “Thai của chị đã tám tuần rồi, vì sao chị bỏ?”. Người phụ nữ có khuôn mặt khá xinh xắn và chân chất nói lí nhí: “Dạ, đã có một cháu, giờ không có điều kiện nên không muốn sinh nữa”.
Nhân viên y tế tiếp tục: “Chị muốn bỏ thai, chưa muốn có con thì chị phải dùng biện pháp tránh thai chứ. Chúng tôi muốn nói là phá thai sẽ có tai biến.
Dù chị quyết định phá thai bằng phương pháp nạo hút hay dùng thuốc, phương pháp nào đi nữa thì cũng có khả năng băng huyết, phải cắt bỏ tử cung và cũng có thể bị nhiễm trùng…”.
Nói đến đây, như để cửa mở cho thai phụ và đứa trẻ trong bụng có cơ hội sống, nhân viên y tế nhã nhặn: “Thôi chị chưa quyết định được và chị cần có thời gian suy nghĩ, chị về nhà nghĩ lại đi”.
Thai phụ này ở tận miền Tây, một lần lên Sài Gòn là một lần khó nhưng chị vui vẻ gật đầu.
Những cô gái “sành điệu”
Phòng tư vấn nạo phá thai lúc 10 giờ 30 sáng chật cứng người. Có người đi một mình nhưng có người đi cả hai vợ chồng (có thể là tình nhân), đa số họ chưa bước qua tuổi 40.
Có những cô gái còn rất trẻ và xinh đẹp của lứa tuổi sinh viên. Chúng tôi thấy họ đi phá thai rất “tự tin”, có cô thì chẳng e dè nhưng cũng có cô lại bịt kín mặt mũi, ký cam kết và đi lại làm các thủ tục khám, siêu âm rất nhanh nhẹn.
Nhân viên y tế hỏi một cô gái tuổi 21: “Em làm gì?”. Cô gái đáp: “Dạ, em đang đi học”. “Sao em là sinh viên mà không biết tránh thai?”. “Dạ, lỡ…”. “Nhưng có muốn giữ lại không?”. Cô gái lắc đầu nguây nguẩy.
“Em vào trong cởi đồ lên bàn khám”. Nhân viên y tế tư vấn vừa dứt lời, cô gái với vẻ ngoài trí thức và áo quần sành điệu vén chiếc màn trắng vào bên trong.
Năm phút sau, cũng có nhiều cô gái khác từ phòng này trở ra ngồi chờ lấy thuốc uống phá thai. Họ nhìn những người đồng cảnh ngộ với nét mặt thản nhiên như chẳng có chuyện gì xảy ra.
Tâm sự với chúng tôi, vị BS lâu năm trong nghề tư vấn kế hoạch hóa gia đình cho biết: Tuổi sinh viên, đa số các em đều biết các biện pháp tránh thai nhưng các em khi đã có thai ngoài ý muốn thì không ngần ngại đi phá.
Nếu ở các cơ sở y tế lớn không cho họ phá khi tuổi thai đã lớn thì họ sẽ tìm đến các địa điểm khác và lúc này nguy cơ tai biến sẽ cao hơn.
Hàng ngàn người phá thai lần ba, tư
- Theo thống kê của BV Từ Dũ, năm 2013 tại bệnh viện có 26.000 lượt người đến phá thai và năm 2014 con số này là 28.000.
- Tại BV Hùng Vương, năm 2013 số lượt đến phá thai là hơn 10.300, đến năm 2014 tăng lên 13.700 lượt.
- Riêng tại BV Hùng Vương, số người phá thai lần thứ hai lên đến hơn 3.000 người vào năm 2013, số người phá thai lần thứ ba, thứ tư có gần cả ngàn người. Năm 2014 có gần 470 ca phá thai trên 12 tuần.