Ốm, mệt vì ở thành phố

Cần phải thay đổi quan điểm cơ bản về môi trường sống, cần phải mở rộng thành phố ra các vùng ngoại ô, tránh xây dựng nhà cao tầng trong nội ô thành phố.

Có rất nhiều người, mặc dù còn rất trẻ, công việc làm ổn định không quá căng thẳng hay bị stress nhưng họ luôn than phiền cảm thấy không được khỏe mạnh, cơ thể bị suy nhược. Họ thường xuyên đến các phòng khám bệnh để được các thầy thuốc khám và cho làm các xét nghiệm. Khổ nỗi, ngay cả các thầy thuốc rất giỏi cũng không tìm ra nguyên nhân bệnh để điều trị.

Các xét nghiệm, dù là những xét nghiệm cao cấp nhất, cũng cho kết quả bình thường. Cuối cùng, tất cả các thầy thuốc khuyên bệnh nhân nên tăng cường tập thể dục. Tuy nhiên, càng tập thể dục càng thấy mệt mỏi, sức khỏe càng suy sụp và thế là họ ngừng không tập nữa vì cho rằng tập thể dục không tốt cho sức khỏe của họ. Điều này hoàn toàn trái ngược với những lời khuyên của thầy thuốc.

Ốm, mệt vì sống ở nhà phố

Kẹt xe gây ô nhiễm không khí làm ảnh hưởng không ít đến sức khỏe Ảnh: HỒNG THÚY

Nhờ tham khảo các tài liệu y học, sau này bệnh nhân mới biết tuy sống ở trung tâm thành phố nhưng trong căn nhà chật hẹp, nóng và độ ẩm cao làm cho sức khỏe càng tồi tệ và họ quyết định thay đổi môi trường sống. Một căn nhà ở ngoại ô tuy nhỏ nhưng thoáng mát và nhờ tập thể dục thường xuyên trong môi trường trong lành vào mỗi buổi sáng, sức khỏe dần hồi phục, cảm giác mệt mỏi và đau đầu thường xuyên đã dần biến mất.

Theo nghiên cứu của các chuyên gia y học, môi trường sống có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của con người. Trong một ngôi nhà hay nơi làm việc có nhiệt độ và độ ẩm cao, cơ thể luôn phải cố gắng điều tiết để thích nghi với môi trường bằng các chất trung gian hóa học như serotonine, corticosteroides, cathecolamine… Việc định lượng các yếu tố gây ra các phản ứng hóa học trong cơ thể rất khó chính xác vì nó thay đổi từng giờ, thậm chí từng phút.

Tuy nhiên, do thói quen từ đời này sang đời khác và do công việc làm ăn, kiếm sống, rất nhiều người đã không thể rời không gian nhỏ bé và chật hẹp ấy để tìm đến những nơi thoáng mát hơn. Đó là nguyên nhân không thành công trong việc xây dựng những đô thị vệ tinh ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM…

Việc cải thiện ngôi nhà của mình và môi trường sống đã được người dân Việt Nam biết đến từ lâu qua những câu thành ngữ, tục ngữ như “nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm”... Sự xuất hiện của khá nhiều căn bệnh nguy hiểm do môi trường sống chật hẹp, ẩm thấp như bệnh hen suyễn, dị ứng, mệt mỏi kinh niên đã đến lúc báo động cao với cư dân phố thị.

Trên thế giới, từ lâu người dân đã rất bức xúc với việc ô nhiễm tiếng ồn. Đã có nhiều quy định rất khắt khe về chống tiếng ồn trong các khu đô thị. Ngoài đường hầu như không có tiếng kèn xe. Các loại tiếng ồn đều được khống chế trong quy định cho phép. Ấy thế mà có khá nhiều người bị stress và các bệnh do ô nhiễm tiếng ồn gây ra. Theo thống kê, tại Mỹ, hằng năm người ta đã phải tốn hơn 5 tỉ USD để chữa trị cho những bệnh nhân bị ô nhiễm tiếng ồn. Đây cũng là một vấn đề rất quan trọng vì những bệnh gây ra do ô nhiễm tiếng ồn thường nằm trong bệnh cảnh phức tạp của một số bệnh khác nên khó phân biệt.

Cần phải thay đổi quan điểm cơ bản về môi trường sống. Cần phải mở rộng thành phố ra các vùng ngoại ô, tránh xây dựng nhà cao tầng trong nội ô thành phố vì gây ra những điểm trũng về dân số kéo theo bao hệ lụy khác, trong đó có việc phát sinh những bệnh do ô nhiễm môi trường sống. Tuy nhiên, việc này không phải lúc nào cũng làm được. Có khá nhiều nhà đầu tư thay vì mở rộng các căn hộ chung cư ở nơi có môi trường thoáng đãng vì sợ tốn kém đầu tư, họ lại cho xây những căn hộ chung cư cao tầng ở trung tâm thành phố, gây ô nhiễm nặng nề bởi khói, bụi, độ ẩm và tiếng ồn. Hiện nay cũng chỉ có một số ít nhà đầu tư chú ý cải thiện hoặc tạo ra môi trường sống tốt cho người dân.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại