Chết vì bồi bổ bằng mật gấu
Theo lương y Vũ Quốc Trung, ông gặp rất nhiều người bị tai biến sau khi sử dụng mật gấu. Trường hợp của ông Nguyễn Văn Cảnh trú tại Hoàng Mai, Hà Nội là điển hình.
Ông Cảnh được con cháu biếu một ít mật gấu để bồi bổ sức khỏe. Để tăng thêm tác dụng của mật gấu, ông đã uống 1cc mật gấu một ngày, kết quả hai hôm sau ông bị đau nhức người, trụy mạch vì tác dụng của mật gấu.
Sau 3 ngày điều trị tích cực, biến chứng của sử dụng mật gấu dẫn đến ông bị suy thận cấp. Đến nay, ông Cảnh vượt qua cái chết nhưng cứ nói đến mật gấu là ông thấy sợ.
Lương Y Trung cho biết trước đó người bạn ông quen biết cũng tử vong sau khi uống mật gấu tăng cường sức khỏe. Đó là một giảng viên, gia đình cho điều kiện. Thấy người mệt mỏi nên đi khám.
Bác sĩ cho biết ông bị máu nhiễm mỡ, huyết áp cao. Bệnh nhân về uống thuốc đông y đã thấy đỡ hơn nhưng sau đó uống thêm một tý mật gấu bằng hạt đậu xanh thì người càng mệt, da dẻ xanh xao và ba ngày sau bệnh nhân không đi tiểu được.
Gia đình đưa đi cấp cứu, lúc đó bệnh nhân bị suy thận, suy gan và chỉ vài ngày sau bệnh nhân tử vong.
Theo đông y mật gấu làm tan huyết, làm cho các mạch máu lưu thông mạnh. Người ta thường dùng mật gấu để xoa bóp những vết thương sau khi ngã xe, tụ máu...
Còn nếu uống vào, mật gấu sẽ làm cho máu lưu thông nhanh, khiến vỡ các mạch máu, gây ra chảy máu dạ dày, bục dạ dày và tử vong.
Mật gấu có hai loại mật gấu ngựa và mật gấu chó. Gấu ngựa có tác dụng trong chữa bệnh nhưng phải dùng kết hợp nhiều loại khác nhau trong điều trị bệnh gan. Còn mật gấu chó nguy hiểm vì trong đó có thành phần gây hại cho người.
Lương Y trung khuyến cáo trong các loại mật động vật đều có độc chất cho người, kể cả mật gấu. Hơn nữa mật gấu nuôi không có tác dụng gì.
Các bài thuốc thay thế mật gấu
Có tác dụng tan huyết, lưu thông mạch máu, lương y Trung cho biết người ta có thể sử dụng nhiều bài thuốc khác nhau như cây huyết dụ, cây hồng hoa, cây mật gấu, cây huyết giác, cây quế, bạch chỉ.
Những vị thuốc này có tính mát, lành, tan ứ huyết, thông kinh.
Những cây thuốc vị thuốc có tác dụng thay thế mật gấu đã được Hội Đông Y Việt Nam in thành sách, xuất bản để tuyên truyền đều có thành phần của những vị thuốc trên.
Lương y Trung cho biết một số cây thuốc có tác dụng tương tự ở ngay trong vườn nhà của các gia đình như cây huyết dụ. Đây là loại cây được các gia đình trồng làm cảnh.
Có 2 loại cây huyết dụ. Một loại lá đỏ cả 2 mặt và một loại lá đỏ một mặt, còn mặt kia lá có màu xanh. Cả 2 loại đều được Đông y dùng làm thuốc.
Theo Đông y huyết dụ có vị nhạt, hơi đắng, tính mát, có tác dụng bổ huyết, tiêu ứ, cầm máu dùng chữa chứng kiết lỵ, rong kinh, phong thấp nhức xương, xích bạch đới...
Khi bị đau nhức xương, bầm tím ứ máu người ta có thể dùng bài thuốc sau: Lấy 30g hoa, lá, rễ cây huyết dụ, 15g huyết giác sắc uống đến khi bớt đau nhức, mờ vết thâm thì thôi.
Tuy nhiên, phụ nữ mang thai và sau khi sinh không được sử dụng cây huyết dụ hay có các bài thuốc có vị thuốc huyết dụ.
Còn đối với cây cỏ mật gấu, một loại cây rất dễ trồng, hay còn gọi là cây có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu viêm.
Có thể dùng thân cây nấu nước uống hay phối hợp với các vị thuốc khác để chữa kiết lỵ, viêm ruột, tiêu chảy, viêm gan vàng da, mắt đau sưng đỏ, dùng lá hay quả sắc uống.
Cây mật gấu còn được dùng để chữa sốt cơn, ho lao, khạc ra máu, lưng gối yếu mỏi, chóng mặt, ù tai, mất ngủ, có tác dụng rất tốt trong việc điều trị các triệu chứng về bệnh dạ dày, rối loạn tiêu hóa, đường ruột, đau nhức xương khớp, tê thấp, mát gan, phòng và chữa sỏi mật, giảm đau lưng, tăng cường sức khỏe, tiêu mỡ, viêm đại tràng, giã rượu béo phì.
Lương y Trung cho biết đó là những cây thuốc có tác dụng như mật gấu mà an toàn hơn mật gấu rất nhiều.