Người dân đang vô tình làm bùng phát dịch sởi

Những thói quen xấu và sự kém hiểu biết của một số phụ huynh đã vô tình khiến dịch sởi lây lan nhanh hơn.

Sự thiếu hiểu biết dẫn đến bùng phát dịch?

Trao đổi với phóng viên ngày 18/4/2014, bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, trưởng khoa Nhi bệnh viện Bạch Mai đã chia sẻ một số quan điểm cũng như khuyến cáo của mình về dịch sởi và bệnh sởi năm nay.

Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng nhận định: “Năm nay dịch sởi bùng phát và có những diễn biến rất lạ. Có rất nhiều nguyên nhân khiến cho dịch bùng phát như vậy nhưng phụ huynh có con nhỏ nên lưu ý, cần phải có kiến thức về bệnh này và chưa chắc đưa trẻ đến bệnh viện tuyến trung ương để khám khi nghi ngờ trẻ có sởi đã là một biện pháp tốt.

Lý giải kỹ về quan điểm này, ông Dũng cho biết: “Thực tế, khi sởi ở giai đoạn đầu, hoàn toàn có thể tự điều trị tại nhà và chỉ cần đến bệnh viện khi bị biến chứng. Và phải phân biệt được đâu là sởi, đâu là sốt phát ban.

Trong khi đó, hiện tại môi trường tại bệnh viện đang ngập tràn virus sởi, nếu trẻ không bị bệnh mà chỉ sốt phát ban, nhưng đã vội đến bệnh viện để khám và vô tình tiếp xúc với môi trường ở đây, về nhà mới phát bệnh. Như vậy là rất đáng tiếc.

“Không ít trường hợp đã gặp phải hoàn cảnh như vậy” – bác sĩ Dũng cho biết thêm.

Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng trao đổi với phong viên trong phòng điều trị tích cực khoa Nhi bệnh viện Bạch Mai

Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng trao đổi với phóng viên trong phòng điều trị tích cực khoa Nhi bệnh viện Bạch Mai

Bác sĩ Dũng còn nhận định, nhiều gia đình thường xuyên đóng kín cửa nhà, rồi bật điều hòa, cứ nghĩ rằng như vậy là an toàn, nhưng đây là cách làm rất không khôn ngoan. Cần phải xây dựng một môi trường sống tự nhiên, đầy đủ ánh sáng mặt trời, gió, không khí...

"Virus từ chính trong nhà phát triển ra chứ chẳng phải từ nơi nào đến" - ông Dũng cho biết.

Đồng quan điểm với bác sĩ Dũng của bệnh viện Bạch Mai, bác sĩ Nguyễn Văn Thường, trưởng khoa I của bệnh viện Xanh Pôn cũng cho biết: “Hầu hết trẻ bị nhiễm virus sởi là do chưa tiêm vắc-xin. Thêm nữa, lúc dịch sởi đang ở cao trào, cứ thấy con sốt ốm là phụ huynh bế cháu vào viện để khám mà không hề biết rằng lúc này môi trường ở bệnh viện hoàn toàn có khả năng có virus sởi trong không khí.

Ông Thường nhận định: “Trong 25 năm tiêm vắc-xin sởi, số trẻ tử vong do vắc-xin đếm trên đầu ngón tay, không bằng một lần có dịch. Nhưng nhiều phụ huynh do sợ tiêm vắc-xin không an toàn cho con mà bỏ luôn những mũi tiêm quan trọng này. Báo chí đã phản ánh vài trường hợp trẻ tử vong sau tiêm vắc-xin thời gian qua, nhưng theo quan điểm của tôi, đây chỉ là con sâu làm rầu nồi canh, là những trường hợp cực kỳ hi hữu. Và tiêm phòng vắc-xin là một điều cực kỳ quan trọng.

Trách nhiệm cảnh báo thuộc về ai?

Sau khi nghe được quan điểm của các bác sĩ về vấn đề thiếu hiểu biết của phụ huynh, phóng viên đã hỏi một số phụ huynh đang chăm con trong viện Bạch Mai, và họ khẳng định họ quá thiếu thông tin về bệnh vì không nhận được bất kỳ thông tin hướng dẫn nào.

Chị Hoàng Thị Lan (Vân Đình, Hà Nội) có hai con đều mắc sởi và phải điều trị tại phòng điều trị tích cực của bệnh viện. Chị bức xúc cho biết: “Mình chỉ biết con mình bị sởi và biến chứng thành viêm phổi khi đến bệnh viện huyện khám, còn trước đó chỉ nghĩ con bị sốt phát ban hay dị ứng gì đó. Còn để nói bệnh sởi biểu hiện thế nào, quả thực chưa bao giờ tôi được một bác sĩ, trạm xá hay cơ quan y tế nào tư vấn. Chỉ mấy hôm nay thấy báo chí nói nhiều mới biết sơ sơ.”

Đấy là trường hợp của gia đình bệnh nhân ở ngoại thành, còn ngay trong nội thành, chị Nguyễn Ngọc Vân (Đống Đa, Hà Nội) có con 9 tháng đang điều trị tại bệnh viện Xanh Pôn cho biết:

Cháu chưa tiêm phòng vì khi có đợt tiêm thì cháu bị ho, sốt nhẹ, thấy nhiều người bảo tiêm lúc cháu ốm sẽ nguy hiểm nên để cháu khỏi ốm và chờ đợt tiêm sau. Nhưng chưa kịp tiêm thì đã bị sởi.

Độc tính của virus sởi có thể đã phát triển

Cũng trong vấn đề bệnh sởi mùa dịch này diễn biến kỳ lạ và đặc biệt nguy hiểm, bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, trưởng khoa Nhi bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Trong kinh nghiệm của tôi, có thể nói rằng chưa năm nào bệnh sởi kỳ lạ và nguy hiểm như thế này. Nguyên nhân có thể do bệnh sởi trùng vào thời điểm của bệnh viêm phổi. Vì thế trẻ mới dễ bị biến chứng.

Tuy nhiên, theo quan điểm của cá nhân tôi, tôi lo ngại virus sởi đã phát triển, nguy hiểm hơn về độc tính. Hiện tại, nhiều bệnh viện trung ương đã gửi mẫu virus năm nay đi xét nghiệm, nghiên cứu. Và thời gian tới sẽ có câu trả lời.

Bác sĩ Dũng cho biết thêm, phương pháp tốt nhất lúc này là cho trẻ đi tiêm phòng càng sớm càng tốt. Đồng thời ngay từ trong nhà, phải mở hết cửa sổ cho không khí, ánh nắng mặt trời vào nhà để tạo một môi trường sống tự nhiên và khỏe mạnh.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại