Mỹ: Trong thịt có quá nhiều thuốc kháng sinh

Chính phủ Mỹ vừa công bố các quy định mới hạn chế việc sử dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi gia súc và gia cầm nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Điều này không chỉ ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi nước này mà cũng sẽ tác động không nhỏ đến hàng xuất khẩu nhiều nước.

Loại chức năng kích thích

Theo báo New York Times, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) sẽ ra lệnh cấm nông dân sử dụng thuốc kháng sinh để kích thích gia cầm và gia súc tăng trọng. Đã từ lâu, nông dân Mỹ trực tiếp trộn thuốc kháng sinh như penicillin, azithromycin và tetracycline vào thức ăn và nước dành cho gia súc, gia cầm để tăng trọng lượng cũng như ngăn ngừa bệnh.

Theo kế hoạch mới, FDA sẽ yêu cầu các hãng dược tình nguyện thay đổi nhãn hiệu các sản phẩm thuốc kháng sinh, loại bỏ chức năng kích thích tăng trưởng. Khi nhãn hiệu bị thay đổi, nông dân sẽ không còn được phép mua thuốc kháng sinh cho vào thức ăn gia súc nếu như không được các bác sĩ thú y phê chuẩn là dùng thuốc kháng sinh vì mục đích y tế.

“Đây là bước quan trọng đầu tiên trong 20 năm qua nhằm giải quyết một mối lo ngại lớn đối với sức khỏe người dân” - New York Times dẫn lời chuyên gia David Kessler, cựu quan chức FDA.

Dù đề nghị của FDA đối với các hãng dược là “tình nguyện”, nhưng lãnh đạo FDA Michael Taylor tuyên bố cơ quan này sẽ có biện pháp trừng phạt đối với các công ty không thực thi yêu cầu này. Hai hãng dược lớn chuyên sản xuất thuốc kháng sinh là Zoetis và Elanco đều cho biết sẽ tuân thủ quy định mới của FDA.

Các công ty sẽ thực hiện việc thay đổi nhãn hiệu thuốc kháng sinh trong vòng ba năm tới. FDA cũng sẽ yêu cầu các bác sĩ thú y giám sát chặt chẽ việc sử dụng thuốc kháng sinh để chữa bệnh cho gia súc và gia cầm. Ông Taylor cho biết một số công ty gia súc và gia cầm Mỹ đã đồng ý sẽ hạn chế việc sử dụng thuốc kháng sinh.

Đề xuất cấm hẳn kháng sinh

Việc lạm dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi gia súc và gia cầm gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người vốn đã được cảnh báo từ rất lâu. Ăn phải thịt hấp thu quá nhiều thuốc kháng sinh, con người sẽ mắc những căn bệnh kháng thuốc kháng sinh.

Theo ước tính của Trung tâm Phòng chống dịch bệnh Mỹ (CDC), ít nhất 2 triệu người Mỹ bị bệnh mỗi năm và khoảng 23.000 người thiệt mạng do mắc các bệnh kháng thuốc kháng sinh. Hồi đầu năm nay, một trận dịch vi khuẩn salmonella kháng thuốc kháng sinh ở California đã khiến gần 400 người mắc bệnh.

Bác sĩ Stuart B. Levy, giáo sư ĐH Tufts, một trong những người đầu tiên lên tiếng phản đối việc lạm dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi hồi thập niên 1970, cho rằng đây là bước tiến lớn nhất trong 30 năm qua nhằm chống lại việc lạm dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi.

Trên thực tế, châu Âu đã ra một lệnh cấm tương tự từ năm 2006. Dù vậy, một số chuyên gia cho rằng FDA vẫn chưa hành động quyết liệt tối đa để loại bỏ hẳn việc lạm dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi. Bởi nông dân và các công ty gia súc còn sử dụng thuốc kháng sinh với mục đích ngăn ngừa bệnh tật.

“Họ có thể tiếp tục cho kháng sinh vào thức ăn vật nuôi và nói rằng phải làm vậy để ngăn chặn bệnh tật, nhưng trên thực tế mục đích của họ là kích thích tăng trọng” - ABC News dẫn lời nhà khoa học Keeve Nachman thuộc Trường Y tế công Bloomberg cảnh báo.

Hạ nghị sĩ Louise Slaughter cho rằng kế hoạch của FDA chưa đủ mạnh để giải quyết vấn đề lạm dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi. Bà Slaughter cho biết bất chấp biện pháp của Liên minh châu Âu (EU), các công ty chăn nuôi châu Âu vẫn tiếp tục sử dụng thuốc kháng sinh.

Chuyên gia Nachman cho rằng đã đến lúc FDA phải ra lệnh cấm sử dụng thuốc kháng sinh vì mục tiêu ngăn ngừa bệnh tật ở gia súc. Đó sẽ là cách toàn diện và hiệu quả nhất để ngăn chặn tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Nhưng không dùng kháng sinh để ngăn ngừa bệnh tật cho gia súc thì thuốc gì để thay thế hiệu quả vẫn là câu hỏi chưa được thỏa mãn.

Dù vậy, phần lớn giới chuyên gia Mỹ cho rằng quy định mới của FDA vẫn hết sức cần thiết để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại