Đến nay, 2 trong số 14 ca này đã tử vong, chỉ duy nhất 1 ca tiên lượng khả quan. Số còn lại, tính mạng luôn trong tình trạng thập tử nhất sinh. Đáng tiếc là, trong số này, lại có một cán bộ y tế xã.
Trường hợp gần đây nhất là 4 nạn nhân trong một gia đình tại huyện Yên Sơn, Tuyên Quang, ăn phải nấm độc, sau 58 giờ mới nhập viện trong tình trạng rất nặng. Tất cả đã bị suy gan cấp, tiên lượng xấu, hi vọng về sự sống rất mong manh.
Một trường hợp bị ngộ độc nấm ở Thái Nguyên đang được điều trị tại Trung tâm Chống độc
GS.TS Phạm Duệ - Giám đốc Trung tâm Chống độc cho biết: "Cả 14 bệnh nhân gồm 10 ở Thái Nguyên (đều ở huyện Võ Nhai), 4 ở Tuyên Quang đều dương tính với độc tố của nấm tán trắng. Đây là loại nấm có màu trắng muốt, giống như nấm lành ăn được. Bà con cũng kể lại là nấu lên ăn ngọt không cần mì chính".
Ông Duệ cũng cho biết: Trong số bệnh nhân ngộ độc nấm có một nhân viên làm ở trạm y tế, đã từng được tập huấn về nấm độc. Cán bộ y tế xã này hái nấm từ rừng về còn cẩn thận mang về hỏi già làng xem có ăn được không.
Vì tin tưởng kinh nghiệm của người già, rằng có thể ăn được, nữ cán bộ y tế này đã nấu cho cả nhà ăn. Hậu quả là cả 4 người trong gia đình đều trong tình trạng thập tử nhất sinh vì ăn nấm độc.
Rất khó để phân biệt nấm độc – nấm thường
"Ngay cả trong một đám nấm mọc ở rừng vẫn lẫn lộn nấm lành và nấm độc vì bào tử nấm trôi theo gió, nước và đọng lại. Do đó, người dân cần tuyệt đối không hái nấm rừng về để sử dụng, tránh bệnh vạ vì miệng" - TS Phạm Duệ nói.
PGS.TS. Hoàng Công Minh - Trung tâm Phòng chống nhiễm độc - Học viện Quân y cho biết, ở Việt Nam có khoảng 50 - 100 loài nấm độc khác nhau, các loài nấm này được người dân vùng cao thường xuyên sử dụng. Vì thế, số vụ ngộ độc chủ yếu xảy ra ở những khu vực này.
Nhận định của các chuyên gia cho thấy, so với các loại ngộ độc khác thì ngộ độc nấm xảy ra ít hơn về số ca, nhưng tỷ lệ tử vong lại rất cao. Nguyên nhân là do nhiều người dân không biết cách nhận biết các loại nấm độc mọc ở quanh vườn nhà, ở rừng nên hái về ăn dẫn đến tình trạng này.
Theo TS Phạm Duệ, thực tế, để phân biệt loại nấm độc tán trắng với các loại nấm trắng ăn được không đơn giản.
“Việc phân biệt bằng kinh nghiệm rất mạo hiểm, nhất là trong điều kiện thời tiết mưa ẩm lại rất nhiều nấm độc như hiện nay” – ông Duệ nói.
Chính vì vậy, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cũng như các chuyên gia về chống độc đều khuyến cáo người dân tuyệt đối không hái nấm hoang dại để ăn.
Người dân cần lưu ý, ngay cả trong một đám nấm mọc ở rừng vẫn lẫn lộn nấm lành và nấm độc vì bào tử nấm trôi theo gió, nước và đọng lại. Do đó, người dân cần tuyệt đối không hái nấm rừng về để sử dụng, tránh bệnh vạ vì miệng.
Không ăn nấm có màu sắc sặc sỡ, có mùi thơm hấp dẫn vì nấm này thường là nấm độc; không ăn các loại nấm hoang dại lúc còn non, vì lúc còn non chúng rất giống nhau (giống cúc áo), khó phân biệt; không ăn loại nấm khi cắt, vết cắt có rỉ ra chất trắng như sữa; không ăn nấm quá già, nấm có nghi ngờ, không rõ địa chỉ... Cũng có những loại nấm độc giống nấm ăn (nấm trồng), rất khó phát hiện nhưng nếu quan sát kỹ sẽ thấy gốc có bao và có vòng cổ.
Nấm tán trắng (Amanita verna) hay mọc ở ven rừng, ven đường hoặc trên bãi cỏ. Loại này rất độc và đặc biệt là hình thức rất “hiền lành” nên dễ khiến người ta nhầm.
Xử trí người ngộ độc nấm thế nào để hạn chế tử vong?
Biểu hiện của ngộ độc nấm tùy theo từng loại. Loại biểu hiện ngộ độc sớm: Thường biểu hiện sau ăn 30 phút đến 2 giờ, tối đa là 6 giờ. Loại biểu hiện ngộ độc muộn, xuất hiện sau khi ăn 6 - 40 giờ (trung bình 12 giờ).
Nạn nhân thấy nôn nao, khó chịu, có khi đau bụng dữ dội hoặc nôn ra máu, đi ngoài nhiều lần, phân có mùi hôi tanh; người mệt nhừ, lạnh toát, có khi nổi mẩn đỏ; nếu nặng thì co giật, hôn mê. Các triệu chứng xuất hiện càng chậm thì mức ngộ độc càng nặng, có thể nguy hiểm đến tính mạng
“Bệnh sẽ nặng và có nguy cơ tử vong cao nếu đưa người bệnh đến viện muộn, xử trí ban đầu không đúng cách. Trên thực tế, trong 14 bệnh nhân, đã có 4 bệnh nhân được chuyển đến sau hơn 50 giờ, lúc này, độc tố đã ngấm, người bệnh đã bị suy gan, đe dọa hôn mê gan” – ông Duệ cho biết.
Nếu trước 6 tiếng từ thời điểm ăn nấm có biểu hiện ngộ độc: Y tế cơ sở có thể để lại để điều trị triệu chứng, truyền dịch, bù nước.
Nếu sau 6 tiếng: Những trường hợp xảy ra ngộ độc chậm sau 6 tiếng là nấm rất độc, lúc này, nếu không hôn mê thì cần phải gây nôn cho người bệnh, uống than hoạt tính để hấp thụ độc tố.
- Gây nôn (bằng biện pháp cơ học): Lấy ngón tay sạch hoặc lông gà rửa sạch để ngoáy họng cho buồn nôn, nôn cho đến khi ra nước trong mới thôi;
- Cho bệnh nhân uống than hoạt tính: liều 1gam/kg cân nặng người bệnh. Than hoạt có hiệu quả hấp thụ độc tố tốt, giúp giảm tình trạng ngộ độc. Tuy nhiên, nhiều cơ sở y tế tuyến xã không có sẵn than hoạt tính, thường chỉ cấp cứu “chay”; chỉ có điều kiện truyền dịch và vận chuyển lên tuyến trên. Trong khoảng thời gian vận chuyển này, độc tố rất có thể ngấm sâu vào cơ thể người bệnh;
- Cho bệnh nhân uống đủ nước, tốt nhất là dùng oresol;
- Nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất.
Lưu ý: Người bệnh không tự về nhà trong 1 - 2 ngày đầu, kể cả khi các biểu hiện ngộ độc ban đầu đã hết.
Khuyến cáo của Cục ATTP - Bộ Y tế về dự phòng ngộ độc nấm
- Người dân tuyệt đối không được ăn nấm lạ, không ăn thử nấm; không hái nấm non chưa xòe mũ vì chưa bộc lộ hết đặc điểm của nấm độc.
- Nấm tươi mới hái nên nấu ăn ngay, nếu để ôi, nát có thể thành nấm độc.
- Nấm có sâu bọ ăn hoặc cho gà, chó ăn không chết nhưng vẫn có thể gây ngộ độc với người.