Dùng nhiệt kế "thử" sữa, suýt hại chết con 6 tháng tuổi

Cho bé bú gần hết bình sữa, một bà mẹ giật mình thấy những giọt thủy ngân lóng lánh ở dưới đáy bình. Chiếc nhiệt kế trước đó chị dùng để đo nhiệt độ sữa cho con đã bị nứt vỡ và không còn thủy ngân trong đó.

Cho bé bú gần hết bình sữa, một bà mẹ giật mình thấy những giọt thủy ngân lóng lánh ở dưới đáy bình. Chiếc nhiệt kế trước đó chị dùng để đo nhiệt độ sữa cho con đã bị nứt vỡ và không còn thủy ngân trong đó.

Bé Đ. T. L. H., 6 tháng tuổi, nhà ở Lâm Đồng, được người nhà đưa đến bệnh viện vì nuốt phải thủy ngân.    Mẹ cháu cho biết, chị đã làm vỡ chiếc nhiệt kế trong khi đo nhiệt độ bình sữa pha cho bé mà không hay.

Mãi đến khi cho bé bú gần hết bình sữa mẹ mới phát hiện có đọng ở đáy bình những giọt thủy ngân lóng lánh lẫn trong sữa. Chạy lấy chiếc nhiệt kế ra xem mới biết đã bị nứt vỡ không còn thủy ngân trong đó.   

Mẹ cháu tìm mọi cách gây ói không được nên đưa cháu đến bệnh viện. Cháu phải nằm viện 3 ngày để hồi phục sức khỏe và đã được xuất viện.

Không nên dùng nhiệt kế thủy ngân đo nhiệt độ của sữa cho trẻ uống.
Không nên dùng nhiệt kế thủy ngân đo nhiệt độ của sữa cho trẻ uống.

Pha sữa cho trẻ là công việc hàng ngày của các bậc cha mẹ có con nhỏ.

Chuyện tưởng như đơn giản nhưng một số phụ huynh quá lo lắng cho rằng nắm bắt nhiệt độ chính xác là rất quan trọng vì sợ nhiệt độ cao sẽ gây phỏng trong miệng, làm trẻ không ăn uống được.

Ngược lại, nếu nhiệt độ nước nguội hơn sợ trẻ bị tiêu chảy do sữa sẽ không tiêu hóa và hấp thu được. Do vậy đã có những tình huống tai nạn không ngờ xảy ra cho trẻ do sai lầm dùng nhiệt kế thủy ngân đo nhiệt độ nước sôi.  

Thủy ngân có trong nhiệt kế là dạng thủy ngân nguyên chất, được hấp thu rất ít khi vào đường tiêu hoá nên không gây ngộ độc cho trẻ em khi nuốt phải.   

Tuy nhiên, lượng thủy ngân này sẽ trở nên rất độc khi vào phổi do trẻ hít phải trực tiếp hoặc qua chất nôn ói từ dạ dày. Nguy cơ hít sặc càng cao xảy ra khi người lớn kích thích họng gây nôn cho trẻ sau khi đã nuốt vào.  

Do vậy, nếu phát hiện trẻ nuốt thủy ngân, các bậc phụ huynh phải thật bình tĩnh, tuyệt đối không móc họng, gây ói vì sẽ gây biến chứng hít sặc thủy ngân rất nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ.   

Đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế nếu nghi ngờ hít sặc. Cần theo dõi phân của trẻ trong vài ngày để xác định và đánh giá lượng thủy ngân đã nuốt được bài tiết ra ngoài.  

Nhiệt kế thủy ngân đo được đến mức cao nhất là 42 độ C nên chỉ dùng để đo nhiệt độ cơ thể. Dụng cụ này lại làm bằng thủy tinh mỏng manh do vậy sẽ dễ bị vỡ chảy thủy ngân ra ngoài nếu dùng đo nhiệt độ nước sôi nóng hơn.   

Để tránh xảy ra tai nạn như trên, các bậc phụ huynh cần lưu ý pha sữa cho trẻ đúng cách. 

Đa số các nhà sản xuất sữa bột đều khuyến cáo pha sữa ở nước có nhiệt độ khoảng gần 40 độ C để bảo vệ thành phần giá trị dinh dưỡng trong sữa bột.   

Theo kinh nghiệm, có thể pha nước nóng và nước đun sôi để nguội theo tỉ lệ nhất định (pha một phần nước nóng trong bình thủy với một phần nước nguội hoặc pha một phần nước sôi với hai phần nước nguội) để đạt được độ  nóng ổn định, an toàn không ảnh hưởng đến sức khỏe của bé.   

Ước chừng và thử độ nóng của sữa đã pha bằng cách nhỏ sữa lên da bàn tay nếu cảm thấy ấm, gần với nhiệt độ trên da, có nghĩa tương đương khoảng 37 độ C là cho trẻ uống được.   

Để phòng tránh trẻ nuốt phải thủy ngân, các bậc phụ huynh cần lưu ý sử dụng đúng nhiệt kế thủy ngân. Biết cách pha sữa, pha nước nóng tắm đúng.

Không dùng nhiệt kế để đo trực tiếp nước sôi nóng.   

Cẩn thận không đặt nhiệt kế trên bàn, kệ trong tầm nhìn, tầm tay của trẻ. Không cho trẻ chơi nghịch với nhiệt kế.

Khi lấy nhiệt độ cho trẻ, luôn bên cạnh trẻ và quan sát trong suốt thời gian cặp nhiệt kế cho đến khi có kết quả nhiệt độ. Cất giữ nhiệt kế trong tủ cao có khóa hoặc chốt cài cẩn thận.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại