Bữa ăn của trẻ em Việt Nam thiếu đến 40% nhu cầu canxi
PGS. TS Lê Bạch Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho rằng, các nghiên cứu cho thấy khoảng 54% chiều cao tối đa của trẻ đã đạt được khi tròn 3 tuổi, 32% chiều cao tối đa vào tuổi 12 và 14% còn lại vào tuổi 18. Tuy nhiên, hiện tại khẩu phần ăn của trẻ em Việt Nam trong độ tuổi này chưa đáp ứng được nhu cầu kiến nghị.
"Khẩu phần của trẻ em Việt Nam hiện nay mới chỉ đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu về năng lượng và thiếu hàm lượng các chất đạm có giá trị dinh dưỡng cao.
Thêm vào đó, cũng mới chỉ có 60% nhu cầu canxi được đáp ứng, trong khi quá trình tăng trưởng của trẻ thì rất cần canxi để tạo khối xương cho phát triển tốt hơn về chiều cao.
Cũng có thực tế, khẩu phần hiện nay chưa coi sữa là thực phẩm trong bữa ăn hàng ngày, mà sữa lại cung cấp canxi rất tốt.
Vì thế, việc sử dụng thực phẩm sữa để đưa vào chương trình Sữa học đường trước khi triển khai được một cách toàn diện hơn bằng bữa ăn học đường là điều rất thích hợp, phù hợp với khẩu phần của trẻ em.
Thêm vào đó, thông qua chương trình Sữa học đường, sẽ khơi dậy sự thay đổi thói quen của người Việt Nam chúng ta trước đây là ít sử dụng sữa. Sữa học đường sẽ giúp các ông bố, bà mẹ và toàn xã hội quan tâm hơn đến bữa ăn của trẻ, đặc biệt là khẩu phần canxi.
Một điều cũng cần nói đến là Sữa học đường sẽ có sự tham gia không chỉ của ngành Y tế, Giáo dục mà còn của các ngành, các cấp, tổ chức xã hội và chính mỗi cá nhân, cộng đồng giúp cho chúng ta có nguồn lực tốt hơn trong chăm sóc trẻ em, đặc biệt là cải thiện dinh dưỡng và tầm vóc người Việt", PGS. TS Mai nhấn mạnh.
Đồng quan điểm đó, GS.TS Lê Thị Hợp, nguyên Viện trưởng Viện dinh dưỡng quốc gia, Chủ tịch Hội dinh dưỡng Việt Nam cũng đánh giá, sữa học đường là một chương trình lớn, có vai trò quan trọng.
"Chương trình sữa học đường ở các nước trong khu vực, trên thế giới đã triển khai rất nhiều và thực tế, sự phát triển về chiều cao, thể lực đều hơn hẳn chúng ta.
Ở Việt Nam, tình trạng trẻ bị suy dinh dưỡng thấp còi dù được cải thiện nhưng vẫn còn cao. Thêm vào đó, trẻ em ở nhiều nơi, nhất là các vùng khó khăn, khi đi học còn phải nhịn ăn cả bữa sáng dẫn đến bị đói, không đủ chất dinh dưỡng nên chất lượng học tập bị giảm sút.
Do đó, việc thực hiện chương trình sữa học đường sẽ giúp cho trẻ em có đủ năng lượng, vi chất dinh dưỡng để phát triển tốt cả về chiều cao và trí lực", GS Hợp nói.
Sữa học đường phải được sản xuất theo một quy chuẩn chung khắt khe
Từ thực tế nghiên cứu, GS Hợp cũng bày tỏ sự lo ngại, nếu chương trình sữa học đường không được triển khai nhanh chóng, mạnh mẽ, quyết liệt thì nguy cơ tụt hậu về tầm vóc của người Việt Nam là rất rõ ràng.
"Như tôi đã nói, chương trình sữa học đường ở Nhật đã triển khai cách đây khoảng 50 - 60 năm rồi, hay Thái Lan cũng đã đầu tư cho chương trình này nhiều năm nay.
Còn đối với Việt Nam, trong thời gian qua, chúng ta cũng đã có triển khai chương trình sữa học đường, dinh dưỡng ở một số nơi như ở Vũng Tàu, Bắc Ninh, Nghĩa Đàn (Nghệ An) và kết quả đạt được rất tốt. Tuy nhiên, đây, mới là những mô hình thử nghiệm, nhỏ lẻ, chưa áp dụng cho toàn quốc.
Trong khi đó, thực trạng suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em của chúng ta vẫn còn cao, nhất là ở các vùng nghèo, nông thôn. Vì vậy, nếu không nhanh chóng, quyết liệt, mạnh mẽ thực hiện chương trình sữa học đường này cùng với các chương trình dinh dưỡng khác thì chắc chắn nguy cơ tụt hậu về tầm vóc của người Việt Nam là rất rõ ràng. Và hơn thế là ảnh hưởng sâu sắc tới nguồn nhân lực tương lai của đất nước.
Với chương trình sữa học đường vừa được Bộ Y tế, Viện dinh dưỡng quốc gia xây dựng thì kinh phí cũng khá lớn nên sẽ chia thành các giai đoạn, trong đó, giai đoạn đầu sẽ tập trung cho các vùng nghèo, thực sự, thiếu dinh dưỡng. Tại đây, nhà nước và các doanh nghiệp sẽ miễn phí 100% lượng sữa cung cấp cho các em. Với các vùng khá hơn, thì nhà nước, doanh nghiệp cùng phụ huynh sẽ chia sẻ, góp sức.
Vai trò của các doanh nghiệp trong chương trình này rất quan trọng. Tuy nhiên, vì chương trình rất lớn nên cần phải có sự chung tay của toàn xã hội, trong đó, cộng đồng tức là gia đình và phụ huynh phải hiểu được vai trò quan trọng của sữa học đường. Đồng thời có sự tham gia, đóng góp thì mới có thể thành công", GS Hợp khẳng định.
Giáo sư Hợp cũng chia sẻ, có chương trình sữa học đường thì Chính phủ cần phải sớm ban hành được Quy chuẩn quốc gia về sữa học đường, đảm bảo về chất lượng, bổ sung các vi chất cần thiết, phù hợp cho từng lứa tuổi.
"Có chương trình sữa học đường thì phải cần có quy chuẩn của sữa. Có thể có nhiều doanh nghiệp cùng tham gia chương trình sữa học đường, với nhiều sản phẩm sữa khác nhau nhưng các sản phẩm này phải được sản xuất theo một quy chuẩn chung khắt khe, đảm bảo về chất lượng, thành phần và phù hợp với từng lứa tuổi ở mẫu giáo, tiểu học, trung học...Sữa cần đảm bảo tuyệt đối về công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời, cũng cần phải được thường xuyên kiểm tra, giám sát và hậu kiểm.
Một cốc sữa với các cháu là quý nhưng nếu để những loại sữa không đảm bảo đưa vào cho trẻ uống dẫn đến tiêu chảy thì sẽ hại sức khỏe hơn rất nhiều và hơn thế, như vậy là trục lợi trên thân xác trẻ em, là cản trở tiến trình cải thiện tầm vóc Việt. Do đó, theo tôi, việc ban hành quy chuẩn chung của sữa học đường là rất quan trọng", GS Hợp nhấn mạnh thêm.
Là một doanh nghiệp khởi xướng công cuộc Chung tay vì tầm tóc Việt, đi đầu trong chương trình Sữa học đường, bà Thái Hương, Chủ tịch Tập đoàn TH true MILK cũng đã nhấn mạnh: “Đề án Sữa học đường quốc gia muốn thành công, yếu tố tiên quyết là phải có dòng sữa quy chuẩn được làm từ sữa tươi sạch nguyên chất, bổ sung các vi chất cần thiết, phù hợp với nhu cầu, thể trạng của trẻ em Việt Nam”.
Được biết, mới đây, TH school MILK là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được Bộ Y tế chứng nhận tiêu chuẩn Sữa tươi tiệt trùng dành cho học đường. Đánh giá về sự phù hợp của loại sữa này đối với trẻ em Việt Nam, Hội đồng Khoa học của Viện Dinh dưỡng quốc gia xác nhận: TH school MILK góp phần giảm đáng kể tỉ lệ suy dinh dưỡng thấp còi, nhẹ cân và cải thiện đáng kể tình trạng thiếu máu, thiếu kẽm và thiếu vitamin.