Theo Hiệp hội tim mạch Mỹ và Trung tâm dịch vụ y tế Quốc gia của Anh, lượng đường trong máu cao làm tổn thương các mạch máu, làm tăng khả năng thu hẹp và xơ vữa động mạch.
Điều này cũng dẫn đến nguồn cung cấp máu đến các dây thần kinh bị giảm thậm chí tắc nghẽn.
Nói một cách khái quát, bệnh tiểu đường (đặc biệt là tiểu đường type 2) gây biến chứng mạch máu nhỏ (biến chứng vi mạch máu), biến chứng mạch máu lớn, hoặc cả hai.
Những biến chứng tiểu đường phổ biến nhất.
Biến chứng vi mạch máu là những biến chứng thường gặp nhất của bệnh tiểu đường, bao gồm:
- Các bệnh về mắt
Tiểu đường gây đục thủy tinh thể (cườm khô) và tăng nhãn áp (cườm nước) nhưng ảnh hưởng của nó trên võng mạc mới là mối đe dọa gây mù.
Tổn thương võng mạc trên người bị bệnh tiểu đường gọi là bệnh võng mạc do tiểu đường.
Phần lớn các bệnh nhân có những thay đổi ở đáy mắt diễn ra sau 15-20 năm mắc bệnh tiểu đường.
Tiểu đường tác động vào những mạch máu của lớp thần kinh mắt (võng mạc) một cách âm thầm, những mạch máu bị hư hại này làm cho võng mạc sưng phồng và dày lên, gây giảm thị lực.
Muốn phát hiện sớm các chấn thương đầu tiên của võng mạc phải dùng phương pháp chụp động mạch võng mạc có huỳnh quang thì những tổn thương vi mạch sẽ được phát hiện kịp thời và điều trị sớm, phòng ngừa diễn tiến của bệnh lý võng mạc.
- Các bệnh về thận
Tiểu đường là nguyên nhân của hầu hết các trường hợp bệnh thận nghiêm trọng nhất (giai đoạn cuối), dẫn đến suy thận, suy thận mãn tính.
Bệnh thận được chẩn đoán bằng xét nghiệm nước tiểu và điều trị ban đầu là kiểm soát chặt chẽ lượng đường trong máu - như với các biến chứng bệnh tiểu đường khác.
- Các bệnh liên quan đến hệ thần kinh
Biến chứng thần kinh ảnh hưởng lên mọi cơ cấu của hệ thần kinh. Biến chứng gây nhiều khó khăn cho bệnh nhân dù ít khi gây tử vong.
Biến chứng thần kinh hay gặp nhất ở bệnh nhân tiểu đường là viêm đa dây thần kinh ngoại biên: thường bị bắt đầu ở các chi dưới gây tê nhức, dị cảm, tăng nhạy cảm và đau. Đau có thể âm ỉ hoặc đau như điện giật.
Do người bệnh bị mất cảm giác đối với nhiệt, lạnh hoặc đau, và thiếu sự quan tâm tới chân, nên có nguy cơ xuất hiện vết thương, mụn nước hoặc vết loét mà không chú ý.
Nếu không được xử lý kịp thời, tình trạng này có thể dẫn đến nhiễm trùng và thậm chí hoại tử, phải cắt cụt chân.
Vì vậy người bệnh tiểu đường cần lưu ý để bàn chân luôn sạch sẽ, khô ráo, móng tay - chân gọn sạch và mang tất phù hợp, thoải mái, tránh để bị chà xát.
Về biến chứng mạch máu lớn, lượng đường cao trong thời gian dài gây ra quá trình gọi là "xơ vữa động mạch", hoặc tắc nghẽn động mạch.
Việc thu hẹp động mạch có thể dẫn đến lưu lượng máu giảm xuống cơ tim (gây ra một cơn đau tim), hoặc đến não (dẫn đến đột quỵ) hoặc đến chi (dẫn đến đau và giảm khả năng chữa lành các vết nhiễm trùng).