Chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm chọn rượu an toàn dịp Tết

Người tiêu dùng nên chọn các thương hiệu uy tín thay vì rượu đến từ các cơ sở kiểu như “Rượu nếp 29 Hà Nội”, quan sát kỹ bên ngoài, “soi” các tiêu chuẩn ISO được in trên nhãn mác.

Vụ án “Rượu nếp 29 Hà Nội” làm 6 người chết ở Quảng Ninh không chỉ gây hoang mang, phẫn nộ trong dư luận, mà còn khiến các “đệ tử lưu linh” trở nên e dè trước mỗi trận nhậu. Nhưng khi nhậu đã thành văn hóa ở Việt Nam thì những lùm xùm như thế này cũng sớm đi vào quên lãng, con người vẫn cần ăn uống, xum vầy bên người thân, bạn bè và những chén rượu nóng hổi mùa đông. Và khi Tết đến, rượu càng không thể thiếu. Thế nên, rủi ro sức khỏe vì rượu cũng còn nguyên vẹn.

Nhận thức đúng về rượu, nhận biết được loại rượu an toàn là một cách chấp nhận thực tế, là “sống chung với lũ” trong bối cảnh thật – giả lẫn lộn như hiện nay, khi mà vỉa hè tràn ngập các loại rượu nội-ngoại với bao bì, chai lọ bắt mắt, khi mà “rượu quê” cũng không còn an toàn như trước.

Rượu quê – bao giờ “trả lại tên em”?

Đã qua cái thời dân nhậu tâm tắc, đắc ý khi được tặng hoặc mua được một chai rượu ngon từ quê ra. Hầu hết các địa phương nổi tiếng về nấu rượu như làng Vân (Bắc Giang), thôn Đại Lâm (Yên Phong, Bắc Ninh), làng Trương Xá (Kim Động, Hưng Yên)… đều từng dính “phốt” với các vụ pha chế rượu bằng cồn công nghiệp gây hoang mang dư luận. Hoặc, nếu không dùng cồn, thì phương pháp nấu cũng đã biến tướng rất nhiều khiến cho người tiêu dùng không thể nào an tâm.

Ví dụ, trước đây, các hộ làm rượu thủ công phải nấu cơm chín, trộn với men sống, rồi đem chưng cất mới ra được giọt rượu thì nay đa số trộn gạo sống với các loại men nhập từ Trung Quốc là có thể đem nấu rượu được.

Đáng lo ngại hơn, nếu chiếu Nghị định 94/2012/NĐ-CP về sản xuất, kinh doanh rượu, thì hầu hết các gia đình nấu “rượu quê” đều không đảm bảo quy định. Việc kiểm soát chất lượng vì thế mà bị bỏ ngỏ. Số liệu điều tra từ Viện Chiến lược và Chính sách Y tế, mỗi năm cả nước tiêu thụ khoảng 450 triệu lít rượu, trong đó có tới 250 triệu lít rượu do người dân hoặc cơ sở nhỏ lẻ tự nấu. Loại rượu gắn mác “quê” vẫn len lỏi trong các hàng quán bình dân và trong bữa cơm mỗi gia đình. Trong khi những người sành ăn, sành uống thì đã “cạch mặt” rượu quê từ lâu, nếu có thì phải là rượu do người quen nấu tặng.

Bác sĩ Nguyễn Hằng – Chủ cơ sở đông y gia truyền Phúc Hưng Đường (111A1 Nguyễn Quý Đức, Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: “Trước đây các loại men rượu thủ công thường được chế từ các vị thuốc đông y với các kỹ thuật rất ngặt nghèo. Thậm chí người làm men còn nghiêm cấm phụ nữ đang có kinh nguyệt và người mang thai vào khu vực ủ men vì sợ ảnh hưởng. Còn bây giờ, người dân vì cần nhanh, tiết kiệm chi phí, công sức mà dùng các loại men không rõ nguồn gốc rất nhiều. Loại men Trung Quốc còn giúp cho ra nhiều rượu và giúp nồng độ cao hơn. Thậm chí nhiều người còn nấu rượu thật rồi pha loãng với cồn, rất hại cho sức khỏe”.

Theo bác sĩ Hằng, không phải rượu quê nào cũng độc hại. Rủi ro chỉ xảy ra ở một số cơ sở. Tuy vậy, người dân khi sử dụng rượu quê cần tìm hiểu rõ nguồn gốc, nếu không thể thì tốt nhất hãy tìm đến các thương hiệu có uy tín.

Chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm chọn rượu an toàn dịp Tết 2

Một loại rượu có nắp nhựa không thể làm giả.

Hãy nhìn vào nút chai

Đây là một trong những bí quyết mà các đệ tử lưu linh có thể giúp mình phân biệt thật – giả. Ông Nguyễn Chí Thanh - Giám đốc kỹ thuật Cty CP Quốc tế Baltic, một chuyên gia về kỹ thuật rượu vodka ở miền Bắc cho biết: “Trên thị trường đa số các loại rượu sử dụng nút chai bằng vỏ nhôm nên rất dễ bị làm giả. Nếu không còn cách phân biệt nào khác thì khách hàng nên lựa chọn một số hãng sử dụng công nghệ nút nhựa sẽ đảm bảo mua được loại rượu thật từ các nhà sản xuất uy tín trong nước”.

Theo ông Thanh, công nghệ nút nhựa không cho phép tháo được nút ra, không cho phép đổ chất lỏng từ ngoài vào, trừ khi… đập vỡ chai. Các cơ sở trái phép trong nước, thậm chí từ nước ngoài muốn làm giả cũng không thể vì chi phí cho dây chuyền làm loại nút nhựa này quá tốn kém. Ví dụ như loại vodka Zelka, nhà sản xuất phải đặt hàng nút chai từ nước ngoài chứ không thể tự làm vì chi phí cho dây chuyền lên tới trên 200 triệu USD. “Nếu làm giả loại rượu này thì quả thực doanh thu không thấm tháp gì so với vốn liếng bỏ ra”, ông Thanh nói.

Chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm chọn rượu an toàn dịp Tết 3

Ông Nguyễn Chí Thanh.

Ngoài ra, chuyên gia này, rượu quê hay rượu vodka thì cơ bản đều giống nhau, phải trải qua quá trình lên men, chưng cất mới thành. Sở dĩ ở nước ngoài vodka được sử dụng rộng rãi vì công nghệ sản xuất đã phát triển từ lâu và đảm bảo yếu tố sạch lên hàng đầu. Điểm khác biệt lớn nhất là rượu nấu thủ công ở Việt Nam chỉ qua một lần chưng cất nên còn rất nhiều tạp chất, khoảng trên 40 loại, hàm lượng methanol thường gấp từ 10 đến 15 lần cho phép, vì thế rượu quê chưa pha chế thường rất nặng. Trong khi đó, rượu vodka nói chung đều tuân thủ quy trình chưng cất nhiều tầng cùng công nghệ làm lạnh dưới -15 độ C để loại bỏ tạp chất và độc tính.

Bên cạnh đó, ông Thanh cũng khuyến cáo người tiêu dùng chọn các thương hiệu uy tín thay vì rượu đến từ các cơ sở kiểu như “Rượu nếp 29 Hà Nội”, quan sát kỹ bên ngoài, “soi” các tiêu chuẩn ISO được in trên nhãn mác.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại